Doanh nghiệp hàng không cần thêm trợ lực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường hàng không Việt Nam đang cho thấy sự phục hồi nhanh chóng, nhưng vẫn cần thêm nhiều trợ lực để tăng trưởng cao như trước dịch.
Doanh nghiệp hàng không cần thêm trợ lực

Còn nhiều khó khăn

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ngành vận tải hàng không toàn cầu đang hồi phục tích cực sau hơn 2 năm bị đại dịch tàn phá. Việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại ở hầu hết thị trường có thể khiến lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không trong năm 2022 đạt 83% so với trước dịch, khối lượng hàng hóa vận chuyển dự kiến ở mức 68,4 triệu tấn. Theo đó, các hãng hàng không được dự báo sẽ có lãi trở lại từ năm 2023.

Động lực thúc đẩy ngành hàng không nội địa hồi phục trong 6 tháng qua đến từ việc Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại và du lịch của người dân cũng tăng vọt trong những tháng đầu năm 2022 sau thời gian dài bị hạn chế do dịch cùng các chính sách kích cầu du lịch cũng góp phần quan trọng vào sự phục hồi tích cực này .

Tuy nhiên, việc các chi phí đầu vào gia tăng mạnh, đặc biệt là chi phí nhiên liệu, đang là trở lực lớn. IATA dự báo, chi tiêu cho nhiên liệu là chi phí lớn nhất đối với các hãng hàng không trong năm 2022, ước lên tới 192 tỷ USD, dựa trên mức giá bình quân đối với dầu thô Brent là 101,2 USD/thùng và dầu WTI là 125,5 USD/thùng.

Còn theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không trong nước chiếm 40-50% trong tổng chi phí. Với giả định chiếm 40% và các chi phí khác không có biến động, chi phí nhiên liệu tháng 7/2022 của các hãng hàng không sẽ tăng 92,91% so với tháng 12/2014 và tăng 114,93% so với tháng 9/2015, qua đó tổng chi phí tăng 39,61% so với tháng 12/2014 và tăng 46,51% so với tháng 9/2015.

Vietnam Airlines (mã HVN) thông tin, giá nhiên liệu bình quân cả năm 2021 ở mức 72 USD/thùng, nhưng 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng lên 116 USD/thùng và cả năm 2022 dự kiến ở mức 138-140 USD/thùng, gần gấp đôi năm 2021. Nếu giá nhiên liệu từ nay đến cuối năm tăng lên 160 USD/thùng, hãng bay này sẽ phải gánh thêm chi phí tương đương 4.300 tỷ đồng.

Trước đó, Vietjet Air (mã VJC) đã xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2022 trên cơ sở giá xăng dầu ở mức bình quân 80 USD/thùng. Tuy nhiên, đầu năm 2022, giá xăng là 95 USD/thùng, đến tháng 3 tăng lên 130 USD/thùng và đạt 155 USD/thùng trong tháng 5, khiến chi phí khai thác của hãng tăng 48-60% so với đầu năm.

Còn Vietravel Airlines cho hay, thông thường, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 30% trong tổng chi phí. Tuy nhiên, với mức giá xăng dầu hiện nay, tỷ trọng này đã tăng lên 45-55% chi phí mỗi chuyến bay.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) chia sẻ thêm, dù đang phục hồi nhanh chóng, nhưng so với thời điểm trước dịch vẫn khá khiêm tốn, chưa kể những thay đổi về cấu trúc và nhu cầu thị trường khiến ngành hàng không chịu nhiều tác động bất lợi.

Cần thêm nhiều trợ lực

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Giao thông - Vận tải diễn ra vào cuối tháng 6/2022, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, dù kết quả kinh doanh đã cải thiện hơn, nhưng việc giá nhiên liệu neo cao khiến các hãng hàng không Việt Nam vẫn lỗ hàng trăm tỷ đồng.

“Đến nay, Cục đã nhận được văn bản báo cáo của Vietnam Airlines, Vietjet Air, Vietravel Airlines về ảnh hưởng của giá nhiên liệu tăng. Theo đó, Cục đã đề nghị với Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ trong việc giảm thuế phí, đặc biệt là nới lỏng giá trần vé máy bay để các hãng hàng không có thể linh hoạt giá vé bù đắp chi phí”, ông Thắng nói, đồng thời thông tin thêm, Cục cũng đã đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển về mức quy định thời điểm năm 2014, tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành.

Trong văn bản gửi các bộ liên quan, Vietnam Airlines cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án miễn 100% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong 12 tháng. Đặc biệt, hãng bay này mong muốn các cơ quan quản lý xem xét, điều chỉnh giá trần vé máy bay nội địa và cho phép các hãng hàng không được phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa.

Trong khi đó, VABA cũng đưa ra một số giải pháp nhằm giúp các hãng hàng không có thêm trợ lực để bật dậy mạnh mẽ hơn: Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không; thứ hai, triển khai đàm phán với những thị trường có tiềm năng lớn mà các hãng hàng không nội địa chưa khai thác được nhiều nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thâm nhập và khai thác những thị trường này; thứ ba, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về 0% cho đến khi thị trường hàng không quốc tế hoàn toàn hồi phục, trước mắt là sớm thực hiện áp dụng mức thuế 1.000 đồng/lít nhiên liệu; thứ tư, tiếp tục xem xét, kéo dài các chính sách hỗ trợ về phí, lệ phí cho các doanh nghiệp vận tải hàng không đến khi thị trường bay quốc tế hồi phục như trước dịch,

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục