Các phóng viên tác nghiệp tại phòng dành cho báo chí đã không thể theo dõi liên tục phần tự bào chữa của bầu Kiên vì tín hiệu thỉnh thoảng lại bị gián đoạn. Trong ngày xét xử hôm nay, tín hiệu đường truyền tới phòng báo chí thường xuyên gặp trục trặc.
Bầu Kiên nói: “Tôi đã chờ đợi giờ phút này 21 tháng qua. Xin phép Hội đồng xét xử cho tôi trình bày đầy đủ toàn diện ý kiến của tôi để giúp tôi tự bảo vệ mình trước Tòa”.
Bầu Kiên cũng nói thêm 21 tháng nay sức khỏe của bị cáo không được tốt do nhiều ức chế, nhưng khi Tòa cho phép bị cáo ngồi nếu mệt thì bầu Kiên đã từ chối.
Hội đồng xét xử yêu cầu bị cáo trình bày từng nội dung, kinh doanh trái phép trước rồi đến Trốn thuế, Lừa đảo, Cố ý làm trái. Tinh thần là tránh nói trùng với luật sư.
Bầu Kiên trình bày: “Khi nhận được lệnh bắt và lệnh khởi tố về tội Kinh doanh trái phép thì trời đất dưới chân tôi như sụp đổ vì tôi không thể tin được, tôi một người gần 30 năm lại kinh doanh trái phép. Tôi đã có ý kiến ngay là tôi không kinh doanh trái phép và không làm ảnh hưởng chính sách tiền tệ của Nhà nước”.
“Tôi bất ngờ về việc tôi bị bắt”, bầu Kiên nói.
Ông Kiên cũng xin phép được đọc đơn kêu oan, vì nội dung đơn này xuyên suốt toàn bộ quá trình bào chữa của tôi. Đơn của ông Kiên được gửi tới những vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng và cả các thành viên của Hội đồng xét xử.
(Ông Kiên trình bày suốt quá trình bị bắt việc gửi đơn đến các cấp là vô cùng khó khăn và bị cáo không tin đơn kêu oan được chuyển đến đúng địa chỉ vì bị cáo khiếu nại chính cơ quan điều tra và các điều tra viên).
Trong khi trình bày lời tự bào chữa, bầu Kiên nói bị cáo tiếp cận vấn đề như một người thực hiện kinh doanh hàng chục năm qua.
Bầu Kiên nói:
Về tội Kinh doanh trái phép với việc kinh doanh vàng qua Công ty Thiên Nam.
Theo luật định, việc khởi tố về tội danh nào thì tôi phải nhận được lệnh khởi tố về tội danh đó ở nơi đó. Nhưng trong lệnh khởi tố tôi nhận được không nói về vàng và Công ty Thiên Nam.
Tôi xin minh chứng rằng tôi không kinh doanh vàng trái phép. Thứ nhất, các quy định của pháp luật về việc công ty Thiên Nam đầu tư tài chính qua việc đầu tư giá vàng như thế nào?
(…mất tín hiệu)
Không cần tôi nói thì cơ quan điều tra có thể xem ngay trong hợp đồng.
(…mất tín hiệu)
Hợp đồng do ông Lê Quang Trung, Giám đốc Thiên Nam ký với Ngân hàng ACB đã quy định rất rõ trách nhiệm đó như thế nào. Hợp đồng quy định giao dịch trạng thái vàng là gì, là sự mua bán trạng thái vàng, Công ty Thiên Nam không được tác động với việc ACB ký lệnh với ngân hàng nước ngoài. Hợp đồng này chỉ giới hạn giao dịch trong nước.
Tại quy định về đặt lệnh qua điện thoại, Ngân hàng ACB và Thiên Nam bỏ trống tên và số điện thoại người ra lệnh và chỉ rõ là sẽ được quy định trong phụ lục hợp đồng.
Phụ lục quy định về người được ủy quyền ghi rõ Bên A chỉ định người đại diện là ông Lê Quang Trung. Như vậy, chịu trách nhiệm và thực hiện lệnh giao dịch là ông Trung.
Trên tay tôi là một số lệnh ủy thác, và người ký là ông Trung. Như vậy, trách nhiệm của tôi chỉ là thông báo lệnh của ông Trung tới ngân hàng và việc thông báo có giá trị thế nào thì cũng được quy định rõ.
Thứ hai là các văn bản pháp lý có liên quan để Công ty Thiên Nam thực hiện mà không trái pháp luật. Tôi đã nói đây là đầu tư tài chính chứ không phải là kinh doanh hàng hóa. Nhưng coi là kinh doanh hàng hóa thì cũng không trái pháp luật vì giấy phép của Công ty Thiên Nam có mua bán hàng hóa.
Và hàng hóa là mặt hàng vàng thì không phải mọi hoạt động kinh doanh vàng đều là kinh doanh có điều kiện. Nếu xác định là sản phẩm tài chính thì không có mà xác định là mua bán hàng hóa thì không sai.
Thông tư 04 của Ngân hàng Nhà nước nói rõ sau ngày 8/3/2012 các sản phẩm tài chính phái sinh liên quan đến vàng phải báo cáo xin phép NHNN. Như vậy là NHNN thừa nhận trước đó không phải xin phép.
Với nội dung trên, đủ căn cứ xác định tôi không phạm tội Kinh doanh trái phép vì đã được minh định rõ ràng trong các quy định pháp luật.
Về hành vi trốn thuế
Tôi nhận quyết định khởi tố tội trốn thuế thì không còn ngỡ ngàng, bất ngờ như tội đầu tiên. Tôi biết ngay từ đầu, người ta đã áp đặt tôi tội trốn thuế.
(...mất tín hiệu)
Trong tất cả các bản cung, tôi đều nói rằng, vào ngày 25/12/2008, tôi hoàn toàn không biết rằng sau đó 6 tháng, Quốc hội sẽ có một Nghị quyết về miễn thuế thu nhập cá nhân.
Tôi không thể biết được chương trình làm việc của Quốc hội, không thể biết được nội dung mà Quốc hội sẽ thông qua, không thể biết rằng nội dung đó các đại biểu Quốc hội sẽ bấm nút đồng ý hay không đồng ý. Đây là một sự áp đặt.
Khi luận tội, VKS nói đây là hợp đồng trá hình. VKS căn cứ vào đâu để nói đây là hợp đồng trá hình. Hợp đồng này được ký kết giữa hai bên: tôi, vợ tôi, em tôi ký vào hợp đồng, không ai nói rằng ai đã ép buộc ai, không ai nói rằng đây là tôi ký trong điều kiện không đủ năng lực hành vi…
Hợp đồng này được ký, nếu có thua thiệt thì em gái tôi chịu chứ không phải là Công ty B&B. Việc này xảy ra từ năm 1999- 2010, khi em gái tôi đầu tư thua lỗ thì cá nhân tôi, em tôi đã phải bỏ tiền để bù đắp khoản thua lỗ này.
Không ai dại dột gì làm hợp đồng trá hình rồi phải bỏ tiền ra để bù đắp cho khoản thua lỗ không phải do mình gây ra.
Trong bất kỳ trường hợp nào, Công ty B&B có phải nộp thế không? Không cần giám định, công ty B&B sẵn sàng kê khai xem mình có phải nộp thế không. Tôi nói rằng, Công ty B&B không phải nộp thuế. Vì Thuế Thu nhập doanh nghiệp được xác định từ ngày 1-1 đến 31-12 hàng năm, tổng thu nhập chịu thuế phát sinh từ tất cả các hoạt động kinh doanh, trừ đi khoản thu nhập phát sinh không phải chịu thuế nhân với thuế suất.
Không cần giám định viên giám định, tôi nói ngay số thuế B&B sẽ nộp bằng 0. Bởi theo quy định của luật thuế, B&B được trích lập dự phòng rủi ro cho toàn bộ số trạng thái vàng mà công ty đã mở trong năm 2009. Trong trường hợp đó, B&B sẽ phát sinh lỗ khoảng 168 tỷ đồng.
Nếu Hội đồng xét xử tuyên án tôi về hành vi trốn thuế thì tôi kính mong Hội đồng xét xử yêu cầu cơ quan thuế, giám định viên giám định lại hoạt động của B&B để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp vì kết luận của giám định viên đã nêu các yếu tố loại trừ. Khi các yếu tố loại trừ này phát sinh thì kết luận giám định đó không còn giá trị hiệu lực. Nếu Hội đồng xét xử thấy cần phải buộc tội tôi về tội trốn thuế thì phải giám định lại toàn bộ hoạt động của công ty.
Tôi xin trích dẫn lại ba nội dung mà đại diện Viện Kiểm sát đã trích dẫn sai. Thứ nhất, Nghị quyết 32 của Quốc hội có giá trị tức thời. Thứ hai, sau đó Chính phủ có Nghị quyết và Bộ Tài chính có một thông tư hướng dẫn. Thông tư này có một nội dung rất quan trọng là nếu như các đơn vị nào trong 6 tháng đầu năm đã phải nộp thuế trước thì sẽ được Nhà nước thoái thu….
Ngày Công ty B&B chuyển tiền cho Hương không vi phạm bất kỳ một quy định nào của các văn bản có liên quan đến việc nộp và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Trong hai hành vi kinh doanh trái phép và trốn thuế, Viện Kiểm sát nêu rất nhiều điều luật nhưng không nêu nội dung các điều luật, không nêu chúng tôi vi phạm tại nội dung nào các điều luật. Đó là sai nguyên tắc cơ bản của hoạt động tố tụng.
Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giúp tôi, tôi đã làm sai tại điểm nào ở các quy định của pháp luật. Nếu Hội đồng xét xử chỉ ra được tôi sai ở khoản nào, ngay lập tức tôi nhận tội ngay mà không cần bất cứ tranh luận nào khác.