Bất cập quy định liên quan tới lao động nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính phủ đã đưa ra các khung pháp lý cơ bản để tạo điều kiện cho người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây, đã phát sinh nhiều bất cập trong quy định về lao động, bảo hiểm và thuế đối với người lao động nước ngoài được điều chuyển trong tập đoàn đến Việt Nam làm việc.
Người lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc ngày càng trở nên phổ biến Người lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc ngày càng trở nên phổ biến

Lao động và bảo hiểm

Việc người lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc đã trở nên rất phổ biến, đặc biệt trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến hết năm 2023, có khoảng 136.800 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP, người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục.

Trên thực tế, các tập đoàn đa quốc gia thường điều động nhân sự giữa các công ty trong cùng tập đoàn mà không nhất thiết phải từ công ty mẹ sang công ty con có vốn đầu tư trực tiếp, miễn sao có thể tối ưu hóa được nguồn nhân lực chất lượng cao, tiết kiệm chi phí cho tập đoàn và đáp ứng được nhu cầu kinh doanh. Ví dụ, công ty mẹ ở Nhật Bản điều chuyển nhân viên từ công ty con tại Singapore sang công ty con ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc giới hạn phạm vi điều chuyển nội bộ của Nghị định 152 đã khiến các trường hợp nêu trên không được coi là di chuyển nội bộ. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với một số thách thức và có thể phải ký thêm hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài được điều chuyển trong cùng tập đoàn và phát sinh thêm chi phí về bảo hiểm bắt buộc tại Việt Nam.

Bà Hường Nguyễn, Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Nishimura & Asahi

Bà Hường Nguyễn, Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Nishimura & Asahi

Trong nhiều trường hợp, người lao động nước ngoài và công ty nước ngoài vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm bắt buộc tại nước ngoài theo quy định tại nước đó cũng như để đảm bảo lợi ích an sinh xã hội cho người lao động trong tương lai. Thực tế này làm phát sinh việc đóng trùng bảo hiểm ở hai quốc gia, gây tốn kém cho người lao động nước ngoài, công ty Việt Nam và công ty nước ngoài. Trong khi đó, hiện tại, mới chỉ có hiệp định bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc có hiệu lực để giảm tác động của việc đóng trùng.

Để phù hợp với thực tiễn, định nghĩa về “di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp” nên được mở rộng ra toàn bộ trường hợp điều chuyển người lao động giữa các công ty trong tập đoàn, hoặc khi người lao động nước ngoài vẫn duy trì quan hệ lao động với công ty nước ngoài và không giao kết hợp đồng lao động với công ty Việt Nam, từ đó họ sẽ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc tại Việt Nam.

Thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP, thực hiện hợp đồng lao động và di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là hai trong số các hình thức để người lao động nước ngoài được phép làm việc tại Việt Nam.

Trong trường hợp người lao động nước ngoài sang Việt Nam làm việc theo diện thực hiện hợp đồng lao động, Nghị định 152 yêu cầu sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động, người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam. Trước ngày dự kiến làm việc của lao động, người sử dụng lao động phải gửi hợp đồng lao động đã ký kết tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, đối với trường hợp làm việc theo hình thức di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, pháp luật về lao động không đưa ra yêu cầu bắt buộc về việc phải ký kết hợp đồng lao động.

Trong khi đó, quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện chỉ chấp nhận các khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ: hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, quy chế tài chính, quy chế thưởng là chi phí được trừ.

Do vậy, theo cách hiểu của một số cơ quan thuế, nếu không có hợp đồng lao động ký kết với doanh nghiệp, các khoản chi phí liên quan đến nhân sự phái cử như tiền lương, thưởng, tiền thuê nhà, tiền học cho con, chi phí thuế thu nhập cá nhân... đều không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nguyên tắc khấu trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp từ luật, nghị định, cho đến thông tư đều xuyên suốt một nguyên tắc là chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và có đầy đủ chứng từ hợp lệ. Nếu khoản chi cho nhân sự phái cử đáp ứng được các nguyên tắc này thì vẫn nên được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, cơ quan thuế cần dựa vào bản chất của giao dịch và các chứng từ thể hiện thỏa thuận phái cử và hoàn trả chi phí giữa công ty Việt Nam và công ty nước ngoài như lệnh điều động/thư phái cử… để xem xét vấn đề khấu trừ chi phí cho doanh nghiệp, thay vì loại chi phí với lý do không có hợp đồng lao động. Đồng thời, pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp cũng nên được sửa đổi để ghi nhận các tài liệu chứng minh chi phí được trừ liên quan đến người lao động phái cử nhằm phù hợp với pháp luật lao động và thực tiễn.

Thuế nhà thầu nước ngoài

Thông thường, các chuyên gia được phái cử từ nước ngoài sang Việt Nam làm việc sẽ nhận được hai phần thu nhập: một phần do công ty tại Việt Nam chi trả trực tiếp vào tài khoản của cá nhân tại Việt Nam nhằm đảm bảo chi tiêu của cá nhân tại Việt Nam; phần còn lại do công ty tại nước ngoài chi trả vào tài khoản của cá nhân tại nước ngoài nhằm đảm bảo chi tiêu cho gia đình người lao động tại nước ngoài. Phần thu nhập thứ hai này do công ty ở nước ngoài chi trả hộ và sẽ được công ty tại Việt Nam hoàn trả.

Liên quan đến việc công ty tại Việt Nam hoàn trả chi phí tiền lương, tiền công của nhân viên phái cử cho công ty nước ngoài, một số công văn của Tổng cục Thuế đã hướng dẫn rõ: nếu khoản tiền mà công ty nước ngoài nhận được là khoản tiền thu chi hộ, không phát sinh thu nhập thì công ty nước ngoài không chịu thuế nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, gần đây, một số doanh nghiệp dù đáp ứng các điều kiện như trong hướng dẫn của Tổng cục Thuế vẫn bị truy thu thêm thuế nhà thầu nước ngoài, với lý do khoản bồi hoàn chi phí mà công ty nước ngoài nhận từ công ty Việt Nam từ thỏa thuận thu chi hộ bị coi là thu nhập của công ty nước ngoài và không có hợp đồng lao động ký kết giữa nhân sự phái cử và công ty Việt Nam.

Việc thu thuế nhà thầu nước ngoài đối với khoản hoàn trả chi phí thu chi hộ từ công ty Việt Nam là không đúng với nguyên tắc đánh thuế nhà thầu, vì việc công ty nước ngoài thực hiện chi trả hộ không nhằm mục đích kinh doanh và cũng không làm phát sinh thu nhập tại Việt Nam.

Thuế thu nhập cá nhân

Thông tư 111/2013/TT-BTC khi hướng dẫn về nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công chỉ đưa ra hai trường hợp: trong trường hợp cá nhân nhận thu nhập từ tổ chức chi trả thu nhập tại Việt Nam, tổ chức chi trả thu nhập có nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân; trong trường hợp cá nhân nhận thu nhập từ tổ chức chi trả thu nhập tại nước ngoài, cá nhân có nghĩa vụ trực tiếp kê khai thuế với cơ quan thuế. Yếu tố về đơn vị chịu chi phí không phải là yếu tố để xác định nghĩa vụ kê khai, khấu trừ theo Thông tư 111.

Như đề cập ở trên, thông thường, các chuyên gia được phái cử từ nước ngoài sang Việt Nam làm việc sẽ nhận được hai phần thu nhập, một phần do công ty tại Việt Nam chi trả và phần còn lại do công ty tại nước ngoài chi trả hộ và sẽ được công ty Việt Nam hoàn trả lại.

Trên thực tế, một số cơ quan thuế yêu cầu công ty tại Việt Nam phải kê khai khấu trừ thuế cho cả phần thu nhập mà công ty nước ngoài chi trả hộ công ty Việt Nam. Ngược lại, cũng có một số cơ quan thuế coi thu nhập mà công ty Việt Nam chi trả và thu nhập mà công ty nước ngoài chi trả hộ công ty Việt Nam là hai nguồn thu nhập khác nhau và yêu cầu cá nhân phải trực tiếp kê khai thuế đối với thu nhập do công ty nước ngoài chi trả với cơ quan thuế và không chấp nhận việc cá nhân ủy quyền cho công ty Việt Nam quyết toán thuế thay cho chuyên gia.

Để tránh rủi ro thuế cho công ty Việt Nam cũng như chuyên gia nước ngoài do cách xử lý không nhất quán của các cơ quan thuế, thiết nghĩ, nghĩa vụ kê khai thuế trong trường hợp công ty Việt Nam bồi hoàn chi phí tiền lương của người lao động phái cử cho công ty nước ngoài cần được đưa vào thông tư, nghị định hoặc Luật Thuế Thu nhập cá nhân.

Các bất cập trên nếu không được giải quyết sẽ là một rào cản đáng kể và đi ngược lại với chủ trương, chính sách thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Hường Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục