Mức độ ảnh hưởng chậm hơn các ngành khác
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp bảo hiểm thuộc khối phi nhân thọ, dịch Covid-19 quay trở lại Việt Nam vào tháng 7/2020 lại tiếp tục gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng.
“Bên cạnh các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, đáng kể ở mức nguy cấp như các lĩnh vực hàng không, du lịch, dịch vụ ăn uống…, hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói chung cũng bị ảnh hưởng nhưng mức độ đến chậm hơn", ông Trần Hoài An – Tổng giám đốc BIC chia sẻ.
Trên thực tế thì những doanh nghiệp nhóm đầu ngành phi nhân thọ vẫn có mức tăng trưởng khá tốt, nếu nhìn vào các con số.
Cũng theo ông An cho biết, trong 6 tháng, BIC ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 12%, lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng trưởng 30% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Bên cạnh đó, tại PTI, tính đến hết tháng 8/2020, tổng doanh thu đạt 3.800 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 2 nghiệp vụ chiếm tỉ trọng lớn là bảo hiểm xe cơ giới và con người tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 thị trường. Bảo hiểm xe cơ giới đạt 1.800 tỷ đồng, tăng trưởng 6% , bảo hiểm con người đạt 1.300 tỷ đồng.
Tại PJICO, 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu bảo hiểm gốc ước đạt 2.563 tỷ đồng, hoàn thành 88,3% kế hoạch năm, tăng trưởng 19,8% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu ước đạt 2.988 tỷ đồng, hoàn thành 86,2% kế hoạch năm, tăng trưởng 16,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ước đạt 168 tỷ đồng, hoàn thành 92,9% kế hoạch năm, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ.
Đáng nói, trong 8 tháng năm 2020, PJICO ghi nhận một số chỉ tiêu lạc quan như năng suất lao động bình quân 2,06 tỷ đồng/người/năm, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 20,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 30% so với bình quân năm 2019.
Tại Bảo hiểm PVI, dù không chia sẻ con số kết quả kinh doanh nhưng hãng này cũng cho biết hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã có sự phát triển tích cực hơn trong nửa đầu năm tài chính 2020, đặc biệt là bảo hiểm xe máy, sức khỏe và tai nạn cá nhân mà nguyên nhân là các biện pháp phong tỏa cộng đồng và hạn chế di chuyển do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Còn tại Bảo hiểm BSH, trong 6 tháng, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Công ty vẫn đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, lọt vào Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ có doanh thu cao nhất thị trường, với tốc độ tăng trưởng doanh thu tăng 50,3% so với cùng kỳ năm ngoái - theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
Tính riêng về nghiệp vụ xe cơ giới, BSH hiện đang đứng thứ 6 trên toàn thị trường xét về quy mô doanh thu, cạnh tranh về quyền lợi và phí so với nhiều đối thủ khác trên thị trường 32 công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Chưa có kết quả cập nhật chính thức 9 tháng đầu năm trên quy mô toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nhưng kết quả trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm ngoái (theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam).
Kỳ vọng khởi sắc cuối năm
Với các giải pháp kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, đến nay dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát trên toàn quốc. Lãnh đạo một số công ty bảo hiểm cũng coi đây là những tín hiệu tích cực cho thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Kinh tế, sản xuất của toàn xã hội được phục hồi, đặc biệt các ngành dịch vụ, du lịch dự báo sẽ khởi sắc trở lại là những điều kiện quan trọng để doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng vào những đột phá về tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn 3 tháng cuối năm.
Cùng với việc tăng trưởng doanh thu, chủ trương của các công ty bảo hiểm là hướng tới việc quản lý tốt các khoản chi phí hoạt động kinh doanh, bồi thường nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo hàng năm nâng cao khả năng sinh lời. Thậm chí coi đây là động lực để chuyển mình.
“Mặc dù dịch bệnh Covid-19 gây ra những khó khăn nhất định với hoạt động kinh doanh, nhưng lại là động lực để chúng tôi phải thay đổi, đẩy nhanh việc cải tiến hoạt động, đổi mới công nghệ, phương thức hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng..., gắn theo định hướng phát triển 5 năm tới là tăng cường hoạt động bán lẻ”, theo Tổng giám đốc BIC Trần Hoài An.
Còn ông Đoàn Kiên, Phó tổng giám đốc PTI cho hay, thị trường bảo hiểm những tháng cuối năm sẽ có nhiều khởi sắc, đặc biệt ở hai nghiệp vụ chiếm tỷ trọng cao nhất là bảo hiểm con người và bảo hiểm ô tô.
“Đại dịch COVID khiến người dân quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe do đó nhu cầu về sản phẩm bảo hiểm con người sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh và ổn định. Bên cạnh đó, thị trường ô tô được dự đoán tăng trưởng khoảng 40% so với nửa đầu năm cũng góp phần đem lại nguồn khách hàng mới giúp nghiệp vụ xe cơ giới lấy lại đà tăng trưởng của năm 2019”, ông Kiên phân tích.
Đối với nghiệp vụ hàng hải, theo ông Kiên cũng đón nhận những thông tin tích cực. Con số hơn 7.200 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp để xuất sang châu Âu chỉ sau 1 tháng Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và châu Âu (EVPTA) chính thức có hiệu lực cho thấy những cơ hội đang rộng mở đối với nghiệp vụ này.
Để đón nhận cơ hội này, các công ty bảo hiểm cũng cho biết vẫn đang tập trung hoàn thiện chất lượng dịch vụ sau bán hàng đặc biệt là trong công tác bồi thường, đồng thời đưa thêm các dịch vụ gia tăng để hỗ trợ khách hàng; đối với từng sản phẩm, từng kênh bán, đều có những điều chỉnh phù hợp.
“Với nghiệp vụ bảo hiểm ô tô, chúng tôi vừa mở rộng dịch vụ sửa chữa xe tại xưởng bất kể ngày cuối tuần hay ngày lễ, hỗ trợ sửa chữa xe lưu động, tư vấn kỹ thuật đối với các hư hỏng do PAN (hỏng kỹ thuật) trong các trường hợp xe chết máy, chết ắc quy dọc đường. Ngoài ra, các tổn thất về vật tư như kính, gương, đèn cũng sẽ được ưu tiên sửa chữa nhanh chóng”, ông Kiên nói.