Nhiều ý kiến cho rằng thủ tục bồi thường cho bảo hiểm xe máy bắt buộc (viết đầy đủ là Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe máy) là phức tạp so với các nước trên thế giới. Ông nghĩ sao?
Thực ra, các thủ tục giấy tờ mà Việt Nam đang áp dụng để đòi bồi thường cho bảo hiểm xe thì ở nước ngoài về cơ bản tương tự như vậy.
Vấn đề mấu chốt là người dân Việt Nam ngại công an, ngại tiếp xúc với bộ máy chính quyền để thực hiện các thủ tục đó.
Vì sao họ ngại, chắc hẳn đều có lý do mà chúng ta cần thấu hiểu.
Tất nhiên, cũng có trường hợp các thủ tục đều được hoàn tất dễ dàng, nhưng phải chăng chỉ là cá biệt. Tuy nhiên, nếu hầu hết dư luận đều phản ứng tiêu cực và cho rằng các thủ tục bồi thường hiện hành là nhiêu khê thì tất cả chúng ta cũng cần phải xem lại.
Có điều những sự tắc trách, phiền hà không phải hoàn toàn do các công ty bảo hiểm gây ra. Vì vậy, việc dư luận đổ hết lên đầu công ty bảo hiểm là không công bằng.
Ông Hà Vũ Hiển
Không chỉ riêng bảo hiểm, xã hội Việt Nam đang vận động theo một cách rất riêng so với thế giới nên khi áp dụng các chuẩn mực của thế giới vào Việt Nam sẽ tạo nên những "xộc xệch" không ở chỗ này thì chỗ khác.
Một chính sách nếu không đi vào được cuộc sống thì chỉ có thể vì chính sách không theo kịp cuộc sống hoặc ngược lại, cuộc sống không theo kịp chính sách.
Dù vì bất cứ lý do nào thì trước mắt chính sách cần phải được xem xét, điều chỉnh lại, vì cuộc sống khó điều chỉnh hơn hoặc cần nhiều thời gian để điều chỉnh hơn.
Vì thế tôi ủng hộ ý kiến của ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) là cần phải đơn giản hóa các thủ tục thêm nữa. "Giời không chịu đất thì đất phải chịu giời thôi".
Nhiều ý kiến gửi đến Báo Đầu tư Chứng khoán cho rằng tỷ lệ bồi thường 6% của bảo hiểm xe máy bắt buộc chẳng khác nào "rút ruột tiền của người tham gia bảo hiểm"? Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Theo quan điểm của tôi, tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy trong năm 2019 chỉ ở mức 6% là tỷ lệ khá phản cảm dưới con mắt của người dân.
Việc nới lỏng các thủ tục để tăng tỷ lệ bồi thường lên 20 - 30% đồng thời với số người tham gia bảo hiểm tăng từ 30% hiện nay lên 50 - 60% nên là mục tiêu đặt ra cho toàn ngành. Theo tôi, từ những mục tiêu đó mà điều chỉnh chính sách cho thích hợp.
Cũng có ý kiến cho rằng cần loại bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc, chuyển sang thành tự nguyện. Quan điểm của ông thế nào?
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới nói chung và xe máy nói riêng đã và đang được cả thế giới thực hiện.
Vì vậy, theo tôi không có lý do gì để loại bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc. Đây là 1 chính sách văn minh.
Không bỏ nhưng cần phải điều chỉnh! Đồng thời, phải có sự phối hợp đồng bộ của các ngành khi xử lý tai nạn xảy ra vì đó không phải việc riêng của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Tại sao một chính sách văn minh như vậy, với các thủ tục đòi bồi thường tương tự được thực hiện suôn sẻ ở nhiều nước trên thế giới nhưng khi áp dụng ở Việt Nam thì dư luận lại phản ứng dữ dội?
Trước câu hỏi này, nhiều người làm trong ngành bảo hiểm thường đưa ra cách giải thích là do người dân Việt Nam không hiểu vấn đề, không chịu đọc luật, không tìm hiểu các quy định của nhà nước về loại hình bảo hiểm này...
Đây là cách giải thích đơn giản và dễ dàng nhất. Tuy nhiên tôi không thích cách giải thích này vì nó còn phiến diện.
Nhưng người dân, bằng sự quan sát và những trải nghiệm trong thực tế, sẽ có những góc nhìn riêng mà những người làm chính sách không thể phớt lờ nếu như họ không muốn các chính sách mà họ đưa ra không đi vào cuộc sống.
Xin nhắc lại rằng, không chỉ tôi mà còn có một số người làm trong ngành bảo hiểm cũng cho rằng các thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm ở nước ta so với các nước khác không khác nhau là mấy. Tôi biết điều đó vì bản thân tôi cũng làm việc trong ngành bảo hiểm.
Nếu bỏ qua vấn đề bảo hiểm sang một bên thì khi xảy ra tai nạn giao thông, dù muốn hay không những người trong cuộc cũng phải "giải quyết" nó.
Tuy nhiên phải thừa nhận một điều là việc giải quyết tai nạn giao thông ở Việt Nam không chỉ đơn thuần dựa trên luật giao thông mà nó còn dựa trên những "lệ làng" riêng của nó.
Luật Giao thông Việt Nam thì cũng đầy đủ, văn minh chẳng kém gì các quốc gia trên thế giới, nhưng cũng chưa vượt qua được rào cản mang tên "lệ làng".
Những cái "lệ" đó khiến những người trong cuộc ngại phải va chạm với cảnh sát giao thông, với chính quyền. Bất đắc dĩ họ mới phải nhờ đến cảnh sát giao thông và chính quyền can thiệp hay xác nhận. Thay vào đó, đối với va chạm nhỏ, họ có xu hướng tự thỏa thuận giải quyết, và nếu không thỏa thuận được sẽ có những hướng khác nhau mà điển hình là những xô xát, đánh nhau...
Trong khi đó, "bảo hiểm xe máy" là loại hình bảo hiểm trách nhiệm. Trách nhiệm thế nào thì phải căn cứ vào luật, tức là trách nhiệm theo luật định. Trách nhiệm theo luật định ra sao thì phải có cơ quan có chức năng phân định lỗi. Chức năng ấy không phải của người dân, của người gây tai nạn cũng như người bị nạn, cũng không phải của "ông bảo hiểm" mà là của cảnh sát giao thông hoặc tòa án.
Vì vậy, thủ tục của loại bảo hiểm này phức tạp hơn các loại hình bảo hiểm khác cũng là điều dễ hiểu, bởi nó dính đến các "cơ quan chức năng".
Ông có nghĩ đây là cơ hội để toàn ngành bảo hiểm có dịp soi lại mình và vươn tới một hình ảnh đẹp đẽ hơn trong mắt người dân Việt Nam?
Tôi cho rằng, đây là lúc để ngành bảo hiểm nghiêm túc nhìn nhận lại để khắc phục những khiếm khuyết và cần phải thấu hiểu, chủ động tích cực giúp đỡ khách hàng nhiều hơn trong hoàn cảnh này nếu không muốn bị "nghĩ oan" là chỉ muốn "ăn theo" sự phiền hà của những bên khác.
Chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Đức Thắng Có nhiều ý kiến cho rằng ở nhiều quốc gia trên thế giới, khi xẩy ra tai nạn giao thông, người dân không phải ngược xuôi tìm kiếm đủ các loại giấy tờ như ở Việt Nam. Việc thu thập các giấy tờ chứng minh tai nạn và thiệt hại sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm phụ trách, người tham gia chỉ có trách nhiệm hỗ trợ. Tuy nhiên, ở các nước mà tôi có thông tin thì điều này hoàn toàn không như vậy! Theo thông tin mà tôi thu thập được từ các nước Anh, Ấn Độ, Thái Lan…, mọi người tham gia bảo hiểm xe máy (bắt buộc và tự nguyện) khi muốn thanh toán tiền bồi thường đều phải thực hiện các bước theo hướng dẫn khi tai nạn xảy ra. Cụ thể: Giữ bình tĩnh khi tai nạn xảy ra, an toàn là trên hết; Kiểm tra xem có ai bị thương, gọi số điện thoại khẩn cấp để báo cứu thương, cảnh sát (các nước chỉ có duy nhất 1 số khẩn cấp); Tuyệt đối không di chuyển phương tiện, trừ trường hợp cần thiết để cứu người bị nạn; Chụp ảnh hiện trường càng nhiều càng tốt; Trao đổi thông tin bảo hiểm/đăng ký xe với người có liên quan; Không thừa nhận bất kỳ trách nhiệm pháp lý, cho dù bằng lời nói hoặc bằng văn bản; Thu thập báo cáo tai nạn từ cảnh sát, báo cáo y tế...; Hoàn thành biểu mẫu yêu cầu bồi thường theo mẫu do công ty bảo hiểm cung cấp, nộp các giấy tờ cần thiết cho công ty bảo hiểm để được xác minh và bồi thường. Hầu hết các nước quy định, khi xảy ra tai nạn, người tham gia bảo hiểm xe máy phải thông báo cho công ty bảo hiểm trong vòng 24 giờ và nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị thanh toán trong vòng 7 ngày. Như vậy, rõ ràng không hề có chuyện doanh nghiệp bảo hiểm đi làm thay cho khách hàng các thủ tục bồi thường. Lẽ đương nhiên, ở các nước phát triển, cảnh sát họ luôn hỗ trợ cung cấp các giấy tờ cần thiết khi công dân yêu cầu (theo luật định). Không có chuyện gây khó dễ để kiếm chác. Tôi ủng hộ việc Bộ Tài Chính yêu cầu đơn giản hóa các thủ tục yêu cầu bồi thường để giúp khách hàng thuận tiện hơn trong việc thanh toán. Đặc biệt, đề nghị cơ quan cảnh sát giao thông tạo thuận lợi hơn cho người dân khi họ cần bản sao của biên bản tai nạn. Cuối cùng, tôi mong rằng việc cung cấp các thông tin chuyên môn (bảo hiểm) ra công luận cần được chuẩn xác hơn. |