Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều chủ xe máy phản ánh chưa thấy có ca bồi thường nào liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chủ xe máy và cho rằng, sản phẩm này không mang lại giá trị gì.
“Bảo hiểm xe máy đang đắt hàng như tôm tươi, nhưng người dân mua để đối phó là chính chứ không mặn mà. Nhiều người than thở bảo hiểm xe máy chưa có ca nào được đền cả. Khi có sự cố gọi đường dây nóng cũng không được”, chị Như, một đại lý bảo hiểm tại TP.HCM chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán.
Tương tự, anh Trần Minh Hùng, người dân ngụ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội bộc bạch “Giống như tôi, trong số 62 triệu chủ xe máy, tôi nghĩ phần lớn mua bảo hiểm xe máy bắt buộc là vì sợ hãi, sợ bị phạt, chứ chưa có ý thức bảo vệ, vì hầu hết đều chưa thấy ca chi trả nào được công bố từ nhà bảo hiểm. Không thấy giá trị gì. Chả khác nào bị móc túi dù chỉ vài chục ngàn đồng mỗi năm”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện cũng không thể tìm thấy số liệu mới nào về số trường hợp được chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy cũng như số tiền chi trả.
Số liệu mới nhất mà phóng viên mà phóng viên có được là cập nhật từ năm 2017 từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).
Cụ thể, theo đơn vị này, giai đoạn 10 năm (2008 - 2017), số lượt xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trên 110,3 triệu lượt, trong đó có khoảng 93,5 triệu lượt xe máy; đã giải quyết bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 101.214 vụ tai nạn xe máy.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: "Trong các trường hợp mua bảo hiểm xe máy bắt buộc, đến nay tỷ lệ người làm hồ sơ bồi thường là bao nhiêu?", thì đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp bảo hiểm là Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cũng chỉ trả lời chung chung.
IAV cho biết, hiện Hiệp hội chưa có số liệu thống kê về tỷ lệ người làm hồ sơ bồi thường bảo hiểm xe máy, nhưng theo số liệu năm 2019, các công ty bảo hiểm đã giải quyết bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (cả xe ô tô và xe máy) ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Qua đó, góp phần ổn định tài chính cho chủ xe cơ giới và người thứ ba; khắc phục kịp thời phần nào sự cố tai nạn giao thông.
Liên lạc một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ giữ thị phần lớn về mảng bảo hiểm xe máy để tìm hiểu con số này, phóng viên ghi nhân được rất hiếm có thống kê chi tiết mà hầu hết là con số bồi thường chung (cả ô tô và xe máy) chứ không bóc tách các loại phương tiện, hoặc số liệu chi tiết hơn như số vụ bồi thường...
Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, năm 2019, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm ô tô và xe máy) chiếm tỷ trọng khoảng 18% doanh thu bảo hiểm xe cơ giới của Công ty.
"Trong đó, riêng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy chiếm tỷ trọng 2% doanh thu xe cơ giới và số tiền bồi thường trên doanh thu của nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới khoảng 38%. Năm 2019, Công ty bồi thường trên 500 vụ liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc chủ xe mô tô”, nguồn tin từ Bảo hiểm Bảo Việt cho hay.
Trong khi đó, Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) mới thống kê được số tiền bồi thường trách nhiệm dân sự chủ xe máy là 42 tỷ đồng trong năm 2019, nhưng chưa thống kê được số ca bồi thường.
Còn Tổng công ty Bảo hiểm PVI thì chỉ cung cấp tổng chi bồi thường cho xe cơ giới nói chung năm 2019 là gần 800 tỷ đồng.
Một số công ty bảo hiểm khác cho biết, đang chờ thống kê, vì lâu nay chưa tổng hợp số liệu này bao giờ, chỉ tính chung chung con số cho nghiệp vụ bảo hiểm xe bắt buộc, xe tự nguyện (cho cả ô tô lẫn xe máy).
"Bán bảo hiểm kèm 'hướng dẫn sử dụng' sẽ nâng cao uy tín ngành
Ông Phan Quốc Tuấn, Giám đốc Viện Phát triển nguồn nhân lực bảo hiểm (HDI Institute).
Thực tế, chi trả bảo hiểm xe máy là có. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, kể từ khi cảnh sát giao thông ra quân tổng kiểm tra các phương tiện tham gia giao thông trên toàn quốc, trong đó có kiểm tra bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới, đến giờ chắc các công ty bảo hiểm cũng thu được kha khá phí bảo hiểm loại hình này.
Việc kiểm tra là của Nhà nước, tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, nếu nhà bảo hiểm không xem đây là cơ hội truyền thông về tác dụng của loại hình bảo hiểm này, mà lại xem đây là cơ hội tận thu thì thật đáng tiếc.
Không nên bán hàng theo kiểu không cần bên mua có biết giá trị sản phẩm hay không. Các bài viết bán hàng trên mạng xã hội không có bài nào đính kèm tác dụng hay giá trị của sản phẩm mà toàn là nội dung “không mua bị phạt” và đăng kèm hình ảnh cảnh sát giao thông thổi xe. Nó gây cho người đọc cảm giác vừa phản cảm vừa ức chế. Người dân đổ xô đi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe với nỗi ấm ức, chẳng biết nó là cái gì mà không có nó lại bị phạt?
Thậm chí, có khách hàng mua đại một cái thẻ bảo hiểm mà trong đó chẳng ghi gì về thông tin xe của mình, cứ tưởng có tờ giấy có chữ ký và đóng dấu đỏ là xong.
Thay vì chỉ mải bán, sao công ty bảo hiểm không đưa ra những thông điệp truyền thông ý nghĩa của sản phẩm để lực lượng nhân viên kinh doanh của họ chia sẻ? Nếu làm như vậy thì người mua rất vui vì biết được ý nghĩa của sản phẩm và lý do vì sao nhà nước bắt buộc phải mua.
Chúng ta cứ thử nghĩ, nếu status bán hàng nào cũng đính kèm hướng dẫn sử dụng thì uy tín của các công ty nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung sẽ lên cao cỡ nào? Người dân sau đợt kiểm tra này, họ vẫn tiếp tục duy trì mua đều đặn vì đã hiểu công dụng của sản phẩm.
Đằng này, mỗi status bán hàng đính kèm một lời đe dọa, một lời cảnh báo…, thử hỏi sao người mua không phản ứng? Nếu bạn đi mua một sản phẩm nào đó (dù là bắt buộc) mà bạn bị người bán đe dọa, cảnh báo không mua sẽ bị phạt mà không hề được hướng dẫn sử dụng thì bạn có vui không?
"Phải tăng cường công tác truyền thông"
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Việt Nam, thành viên của Tổ chức GAMA International Hoa Kỳ (tổ chức quy tụ nhiều nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia hàng đầu trong ngành bảo hiểm, dịch vụ tài chính và đầu tư Hoa Kỳ và thế giới)
Để người dân có được nhận thức rõ ràng và đồng thuận về vai trò của bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe gắn máy thì cần truyền thông cho người dân biết đây là loại hình bảo hiểm gì, phân biệt với loại hình bảo hiểm tự nguyện; cần có sự hướng dẫn rõ ràng, minh bạch, dễ tiếp cận, thân thiện từ doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp loại sản phẩm bảo hiểm này về các thủ tục thanh toán bồi thường khi phát sinh sự kiện bảo hiểm theo điều khoản của sản phẩm.
Cơ quan chức năng có liên quan (cảnh sát giao thông) cần chủ động hỗ trợ, phải xem việc cung cấp giấy tờ có liên quan (để người dân nộp thanh toán bảo hiểm) là việc đương nhiên phải hỗ trợ công dân, bỏ ngay cơ chế xin - cho, gây nhũng nhiều, phiền hà.
Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm là Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài Chính) cần giám sát chặt chẽ việc kinh doanh loại hình bảo hiểm này, đảm bảo đúng theo quy định pháp luật từ khâu bán đến chi trả, minh bạch bồi thường, quản lý hoạt động.
Ngoài ra, cần phát huy vai trò và minh bạch hoạt động của Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới trong việc thực hiện 7 nhiệm vụ được giao theo Nghị định 103/2008-NĐ/CP. Bằng hoạt động của Quỹ, góp phần nâng cao nhận thức nhân dân về loại hình bảo hiểm bắt buộc, đẩy mạnh hoạt động hạn chế tổn thất do tai nạn.