Bảo hiểm phi nhân thọ: Kế hoạch lợi nhuận phân hóa

(ĐTCK) Kế hoạch lợi nhuận năm 2024 của một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thuộc Top 10 về thị phần cho thấy triển vọng tăng trưởng có, sụt giảm có và tương đương năm 2023 cũng có.
Trong Top 10 năm 2023, thị phần của Bảo hiểm PVI duy trì vị trí dẫn đầu, Bảo hiểm Bảo Minh và Bảo hiểm BIDV tăng, Bảo hiểm Bưu điện giảm

Doanh thu tăng, lợi nhuận “đa dạng”

Đại hội cổ đông Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (mã chứng khoán BIC) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu đạt tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng công ty mẹ gần 5.600 tỷ đồng, tăng 16,7%; lợi nhuận hợp nhất trước thuế trên 600 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2023; tỷ lệ cổ tức 15% (hình thức chi trả cụ thể sẽ căn cứ vào tình hình kinh doanh thực tế năm 2024).

Năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm của riêng Công ty mẹ BIC đạt 4.774 tỷ đồng; doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 27,9%, đạt 4.602 tỷ đồng; tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 574 tỷ đồng; cổ tức 15% bằng tiền mặt, cao hơn 2% so với năm 2022.

Trong khi đó, theo tài liệu đại hội cổ đông Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh (mã chứng khoán BMI) dự kiến tổ chức ngày 24/4/2024, Hội đồng quản trị sẽ trình cổ đông kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 là 15%, gồm 5% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Bảo hiểm Bảo Minh đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 6.800 tỷ đồng, tăng 2,56%, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc là 5.824,5 tỷ đồng, tăng 4,7%; lợi nhuận trước thuế 377 tỷ đồng, tương đương mức thực hiện năm 2023; tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu là 10%.

Ban điều hành Bảo hiểm Bảo Minh nhận định, bên cạnh những khó khăn chung của thị trường, trong năm 2024, Tổng công ty còn đối mặt với một số khó khăn riêng, đặc biệt là việc cơ cấu lại nhóm nghiệp vụ bảo hiểm con người, trong đó nghiệp vụ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe không mang lại hiệu quả trong năm 2023. Vì vậy, kế hoạch kinh doanh năm 2024 được xây dựng một cách thận trọng, tập trung vào gia tăng chất lượng dịch vụ, giảm thiểu các rủi ro, kiểm soát công nợ và chi phí, đảm bảo đạt hiệu quả, không chạy theo doanh thu bằng mọi giá, theo sát và đạt được mục tiêu như chiến lược kế hoạch 5 năm đã đề ra.

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (mã chứng khoán PTI) cũng sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2024 vào ngày 24/4 tới, nhưng năm nay là năm thứ 3 liên tiếp, hãng bảo hiểm này lên phương án không chia cổ tức. Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của Bảo hiểm Bưu điện là đạt doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm 5.353,4 tỷ đồng, tăng 5,4%; lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng, giảm trên 30% so với mức thực hiện năm 2023.

Năm ngoái, doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm của Bảo hiểm Bưu điện hầu hết đều tăng trưởng âm, do doanh nghiệp chủ động đánh giá lại cơ cấu sản phẩm, áp dụng chính sách nghiệp vụ chặt chẽ và đẩy mạnh các dòng sản phẩm có hiệu quả với chi phí phân phối thấp, thay vì tập trung vào việc tăng trưởng doanh thu bằng mọi giá.

Cụ thể, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc năm 2023 của Bảo hiểm Bưu điện là 5.077 tỷ đồng, giảm 18,98% so với năm 2022, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 253 tỷ đồng, vượt 125,8% kế hoạch (năm 2022 lỗ sau thuế 347,4 tỷ đồng).

Thị phần thay đổi

Về cổ tức năm 2023, kế hoạch của Bảo hiểm BIDV là chia 15% bằng cổ phiếu, Bảo hiểm Bảo Minh dự kiến chia 5% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu, trong khi Bảo hiểm Bưu điện đưa ra phương án không chia cổ tức cả năm 2023 và 2024.

Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, thị phần doanh thu phí trong Top 10 khối bảo hiểm phi nhân thọ năm 2023 lần lượt là Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo hiểm Bưu điện, Bảo hiểm Quân đội (mã chứng khoán MIC), Bảo hiểm BIDV, Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), Bảo hiểm VietinBank (VBI), Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), Bảo hiểm Hàng không (VNI).

Năm 2023, Bảo hiểm PVI giữ vững vị trí số 1 về thị phần khi đạt tổng doanh thu 14.547 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 11.002 tỷ đồng, tăng 9,7%. Năm 2024, Bảo hiểm PVI đặt mục tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh, duy trì vị thế số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ về quy mô và hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chiếm lĩnh phân khúc bảo hiểm các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, các dịch vụ có quy mô vừa và nhỏ, phát triển kênh thương mại điện tử và kênh môi giới, tăng quy mô hệ thống bán lẻ, mở rộng thị trường tái bảo hiểm ra thế giới...

Bảo hiểm Bảo Việt duy trì vị trí thứ hai về thị phần doanh thu phí khi năm 2023 đạt 11.752 tỷ đồng, tăng 4,7%; lợi nhuận sau thuế đạt 275 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2022.

Bảo hiểm Bảo Minh hoàn thành kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) khi giành được vị trí thứ 3 về thị phần, đạt 7,82%.

Bảo hiểm Bưu điện đứng thứ 4 về thị phần doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ năm 2023. Hãng bảo hiểm từng có nhiều năm giữ vị trí thứ 3 về thị phần cho biết, với mục tiêu chiến lược là kiện toàn về quản trị và con người, doanh nghiệp không đặt ra bài toán tăng trưởng về doanh số trong giai đoạn này.

Bảo hiểm Quân đội có doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2023 là 4.678 tỷ đồng, giảm 10% so với kế hoạch ban đầu nên không đạt được mục tiêu tăng thứ hạng thị phần, vẫn ở vị trí thứ 5. Trong năm qua, doanh nghiệp đạt doanh thu phí bảo hiểm gốc 4.678 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 352 tỷ đồng, chia cổ tức ở mức 10%.

Kế hoạch năm 2024 của Bảo hiểm Quân đội là tăng tốc triển khai các nền tảng kinh doanh số, cải tiến chất lượng dịch vụ và quản trị hiệu quả, từng bước hướng đến mục tiêu đứng thứ 4 về thị phần trong khối bảo hiểm phi nhân thọ; mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 33% và 25%; tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu vẫn là 10%.

Với Bảo hiểm BIDV, doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2023 đạt 4.602 tỷ đồng, tăng 27,9% so với năm 2022, nên doanh nghiệp đã vươn lên vị trí thứ 6 thị trường về thị phần. Bảo hiểm BIDV sẽ nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng quy mô doanh thu phí bảo hiểm, phấn đấu lọt vào Top 5 nhà bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhất vào năm 2025, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục