Tư vấn bảo hiểm sai bị phạt, chuyên gia muốn tăng chế tài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ quan soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 98 dự kiến bổ sung quy định xử phạt doanh nghiệp và đại lý bảo hiểm tư vấn sai. Báo Đầu tư Chứng khoán có cuộc phỏng vấn chuyên gia Trần Nguyên Đán, người có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm, thành viên Hội Luật gia Việt Nam xung quanh vấn đề này. Kim Lan thực hiện.
Hiện tại, mức xử phạt trong vi phạm hoạt động bảo hiểm nói chung tối đa đối với doanh nghiệp là 200 triệu đồng. Hiện tại, mức xử phạt trong vi phạm hoạt động bảo hiểm nói chung tối đa đối với doanh nghiệp là 200 triệu đồng.

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, theo đó sẽ bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm nếu sai phạm trong tư vấn bảo hiểm sẽ bị xử phạt hành chính. Ông có góp ý gì cho dự thảo này?

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị phạt từ 80-100 triệu đồng nếu cung cấp không đúng các thông tin về quy tắc, điều kiện, điều khoản và các tài liệu tóm tắt, minh họa quyền lợi, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.

So với quy định cũ, các hành vi như cung cấp tài liệu giới thiệu sản phẩm hay tài liệu minh họa không rõ ràng và chính xác chỉ bị xử phạt cảnh cáo, thì đây là một bước tiến. Tuy nhiên, sau hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ được chỉ ra trong thời gian qua, tôi cho rằng mức phạt này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Hiện tại, mức xử phạt trong vi phạm hoạt động bảo hiểm nói chung tối đa đối với cá nhân là 100 triệu đồng và doanh nghiệp là 200 triệu đồng cũng là mức thấp. Các doanh nghiệp bảo hiểm hàng năm thu về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu thì mức phạt 100-200 triệu đồng chỉ như “muối bỏ biển”.

Nếu như mức tối đa không thể vượt quá 200 triệu đồng đối với doanh nghiệp hay 100 triệu đồng đối với cá nhân thì mức phạt cần tính theo từng trường hợp.

Chẳng hạn, doanh nghiệp hay cá nhân tư vấn bảo hiểm sai 100 trường hợp thì phải nhân với số tiền phạt 100 triệu đồng/trường hợp, không thể đánh đồng doanh nghiệp tư vấn sai 100 trường hợp cũng chỉ bị phạt 100-200 triệu đồng như doanh nghiệp sai một vài trường hợp.

Đồng thời, cần có thêm quy định cả cá nhân môi giới bảo hiểm cũng phải chịu trách nhiệm, bị xử phạt song song cùng doanh nghiệp bảo hiểm.

Việc tư vấn bảo hiểm sai, không trung thực thời gian qua đã để lại nhiều hệ lụy. Nếu tác hại quá lớn, quá nhiều người bị ảnh hưởng thì có thể chuyển sang xem xét hình sự với tội danh lừa dối khách hàng theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.

Một vấn đề nữa là chưa có quy định phạt ngân hàng nếu triển khai sai hoạt động bancassurance. Tôi được biết, Ngân hàng nhà nước đã thanh tra các ngân hàng về mọi hoạt động, bao gồm cả hoạt động bán bảo hiểm. Do đó, cần công khai rộng rãi kết quả thanh tra cũng như các ngân hàng bị xử phạt do bán sai, bán ẩu bảo hiểm.

Đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2022 có khoảng 3.000 đại lý bảo hiểm vi phạm quy định về bán bảo hiểm với vi phạm nổi cộm là tư vấn chưa đầy đủ cho khách hàng, tuyên truyền, quảng cáo sai về doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ…

Tuy nhiên, theo thông tin báo chí đã đăng tải cũng như tôi tìm hiểu được, từ năm 2013 tới hết năm 2023, Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) mới chỉ xử phạt 29 doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm vi phạm với số tiền gần 3 tỷ đồng.

Như vậy, các cơ quan quản lý cần phải làm gì?

Theo tôi, cần làm tròn vai của nhà quản lý giám sát thị trường bảo hiểm đã được Chính phủ giao phó. Khi xử phạt hành chính hay áp dụng các hình thức xử phạt khác như thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm, tước giấy phép doanh nghiệp vi phạm…, Bộ Tài chính, Cục quản lý - Giám sát bảo hiểm cần công khai thông tin này rộng rãi. Điều này sẽ giúp lấy lại niềm tin từ người tham gia bảo hiểm, cũng như gia tăng tính minh bạch trên thị trường.

Ông Trần Nguyên Đán.

Ông Trần Nguyên Đán.

Trước đó, theo kết luận thanh tra tại 4 công ty bảo hiểm nhân thọ, các công ty này mắc sai phạm chủ yếu là bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng, nhất là khâu tư vấn của giao dịch viên, nhân viên môi giới.

Một số vi phạm điển hình có thể kể tới là nhân viên không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục, hồ sơ yêu cầu; doanh nghiệp bảo hiểm không đảm bảo chất lượng tư vấn, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm…

Kinh nghiệm xử lý vi phạm này ở các thị trường phát triển ra sao?

Các nước châu Âu sẽ phạt rất nặng nếu xảy ra sai phạm ở kênh bancassurance. Đơn cử, ở Anh, năm 2016, có những vụ sai phạm mà các ngân hàng bị phạt lên đến hàng tỷ bảng vì liên quan đến việc bán bảo hiểm không đúng nhu cầu của khách hàng.

Về phương thức xử phạt đối với các hành vi sai phạm khi bán bảo hiểm qua ngân hàng, có thể học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường tiên tiến như áp dụng xử phạt theo tỷ lệ doanh thu, lợi ích kiếm được. Chẳng hạn, nếu doanh thu thu từ việc bán bảo hiểm ẩu đạt 1.000 tỷ đồng thì có thể xem xét mức phạt lên tới 100% doanh thu, tức là phạt tới 1.000 tỷ đồng, thậm chí cao hơn.

Quy mô thị trường bancassurance toàn cầu dự báo đạt 1.665 tỷ USD trong năm 2024, tăng trưởng với tốc độ bình quân 5,9% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2027. Mô hình bancassurance được triển khai rộng rãi trên thế giới, nhưng sau quãng thời gian phát triển nóng tại Việt Nam để lại nhiều hệ lụy. Lỗi không đến từ mô hình, sản phẩm, mà đến từ con người, từ cách triển khai, cách vận hành.

Về giải pháp, trước tiên, tôi cho rằng, bancassurance không độc quyền thì mới tốt. Bởi khi đó, trong một danh sách các nhà bảo hiểm mà ngân hàng đã ký kết hợp tác, khách hàng được tư vấn và có quyền được lựa chọn công ty bảo hiểm.

Bởi vậy, cần để cho việc kinh doanh bancassurance thuần túy là gia tăng dịch vụ cho khách hàng của ngân hàng và nhận được phần hoa hồng từ những phần gia tăng đó, thay vì bán bất chấp, bám vào lợi ích của khoản phí trả trước khổng lồ.

Tiếp theo, cần ràng buộc tỷ lệ K2 (phí thu năm thứ 2) của kênh bancassurance. Trong quá khứ, có ngân hàng tỷ lệ hủy bỏ hợp đồng sau năm đầu tiên lên đến trên 80%. Như vậy, các công ty bảo hiểm càng bán thì càng lỗ, bởi ngay từ đầu đã không ràng buộc tiêu chí này, phí thu năm đầu phải trả cho ngân hàng, chi hoa hồng.

Điều này cũng khiến phần lớn công ty bảo hiểm bị “sa lầy” trong các hợp tác độc quyền. Do đó, cần phải coi K2 là một trong các tiêu chuẩn của việc hợp tác khai thác bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Ông có thể nói cụ thể hơn vì sao bancassurance không độc quyền mới tốt?

Bancassurance phát triển rất tốt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có khoản phí upfront (trả trước) quá lớn, khiến cho thị trường trở nên “méo mó”. Bởi thế, cần ưu tiên chất lượng phục vụ, thay vì những con số “hớt váng”.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục