Bảo hiểm phi nhân thọ “nóng” trước mùa đại hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa đại hội cổ đông đang đến gần và với khối phi nhân thọ, việc đảm bảo hiệu quả kinh doanh, tăng vốn điều lệ… là những vấn đề được quan tâm.
Đảm bảo hiệu quả kinh doanh là vấn đề "nóng" trong mùa đại hội bảo hiểm năm nay Đảm bảo hiệu quả kinh doanh là vấn đề "nóng" trong mùa đại hội bảo hiểm năm nay

Vẫn nóng chuyện tăng vốn

Theo quy định mới về kinh doanh bảo hiểm, vốn pháp định của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tăng lên so với trước đây. Cụ thể, Điều 35 - Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023) nêu rõ, đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, mức vốn điều lệ tối thiểu là 400 tỷ đồng. Trong đó, kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh) và bảo hiểm sức khỏe, mức vốn điều lệ tối thiểu là 400 tỷ đồng; kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh, vốn điều lệ tối thiểu 450 tỷ đồng; kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh, vốn điều lệ tối thiểu 500 tỷ đồng. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, mức vốn điều lệ tối thiểu là 400 tỷ đồng.

Đối với doanh nghiệp tái bảo hiểm: Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe, vốn điều lệ tối thiểu là 500 tỷ đồng; Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe, vốn điều lệ tối thiểu 900 tỷ đồng; Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm cả 03 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe, vốn điều lệ tối thiểu 1.400 tỷ đồng.

Như quy định trước đây (Điều 10 - Nghị định 73/2016/NĐ-CP), khi kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định tại Điểm b, Điểm c của điều khoản này) và bảo hiểm sức khỏe, mức vốn pháp định tối thiểu là 300 tỷ đồng; kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại Điểm a của điều khoản này và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: mức vốn pháp định tối thiểu là 350 tỷ đồng; kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại Điểm a của điều khoản này, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: mức vốn pháp định tối thiểu là 400 tỷ đồng. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe tối thiểu là 300 tỷ đồng...

Quy định mới cũng nêu rõ, những doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động trước ngày 1/7/2023 có số vốn điều lệ thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu quy định nêu trên thì trước ngày 1/1/2028 phải hoàn thành bổ sung đủ vốn điều lệ và ký quỹ theo quy định.

Theo báo cáo của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), đến hết năm 2022, toàn thị trường có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm đang hoạt động. Nếu theo quy định về mức vốn điều lệ mới thì có khoảng 10 doanh nghiệp bảo hiểm từ nay đến trước ngày 1/1/2028 sẽ phải hoàn thành bổ sung đủ vốn điều lệ và ký quỹ theo quy định từ 400 tỷ đồng trở lên tùy theo loại hình kinh doanh. Được biết, các doanh nghiệp có vốn điều lệ cao nhất khối phi nhân thọ (từ 1.000 tỷ đồng trở lên) có thể kể đến là Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), Bảo hiểm Quân đội (MIC), Bảo hiểm HD, Liberty...

Việc mặt bằng lãi suất tiết kiệm tiếp tục duy trì ở mức thấp được cho là sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm nay.

Trên thực tế, việc tăng vốn để đáp ứng nhu cầu mới là vấn đề bức thiết không chỉ với doanh nghiệp chưa đáp ứng quy định, mà cả doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn. Đơn cử, tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI), mặc dù đang đứng trong tốp 5 về doanh thu bảo hiểm lớn nhất thị trường, nhưng chỉ xếp thứ 9 về quy mô vốn điều lệ so với các công ty phi nhân thọ khác.

Theo đánh giá của Ban lãnh đạo PTI, với quy mô vốn điều lệ nhỏ, PTI sẽ khó có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn do không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư về mức vốn điều lệ tối thiểu. Bên cạnh đó, quy mô vốn nhỏ cũng hạn chế khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Chính vì vậy, tăng vốn điều lệ sẽ giúp tăng cường năng lực tài chính, giúp Công ty có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn, đặc biệt là trong đấu thầu bảo hiểm…

Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2023, PTI đã trình 2 phương án tăng vốn nhưng không được thông qua. Các tờ trình tăng vốn bị cổ đông DB (Hàn Quốc chiếm 37% tỷ lệ sở hữu) phủ quyết. Được biết, PTI dự kiến tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2024 vào cuối tháng 3 hoặc sang tháng 4 năm nay và phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc chào bán cổ phiếu, phát hành thêm cổ phiếu tiếp tục được trình cổ đông xem xét thông qua.

Hay như MIC, doanh nghiệp này có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 1.726,7 tỷ đồng lên 2.014,7 tỷ đồng bằng việc chào bán cổ phiếu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP), thời gian dự kiến triển khai trong quý I/2024.

Tại Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), mục tiêu đến năm 2025, vốn điều lệ Công ty sẽ tăng lên mức 1.500 tỷ đồng. Tùy vào thực tế hoạt động, tình hình tài chính, Ban lãnh đạo Bảo Minh sẽ xây dựng phương án và trình cổ đông thông qua hàng năm, các hình thức tăng vốn có thể kể đến như chia từ lợi nhuận sau thuế, từ lợi nhuận tích lũy, từ các cổ đông phát hành tăng vốn... Hiện tại, vốn điều lệ của Bảo Minh là hơn 1.200 tỷ đồng.

Thận trọng mục tiêu lợi nhuận

Theo dự báo, kinh tế thế giới năm 2024 sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và Việt Nam khó tránh khỏi tác động. Đặc biệt, việc mặt bằng lãi suất tiết kiệm tiếp tục duy trì ở mức thấp được cho là sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm nay. Điều này phần nào lý giải tâm lý thận trọng của nhiều doanh nghiệp khi lên kế hoạch kinh doanh năm 2024.

Chẳng hạn, báo cáo tổng kết của một doanh nghiệp phi nhân thọ có thị phần doanh thu thuộc nhóm lớn nhất thị trường cho biết, do lãi suất huy động giảm sâu nên doanh nghiệp này dự kiến doanh thu đầu tư tiền gửi năm 2024 sẽ sụt giảm khoảng 80 tỷ đồng, tương đương giảm khoảng 30% so với năm 2023. Theo đó, kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho năm 2024 chỉ tăng 6% so với năm 2023.

Hay tại Bảo hiểm BIDV (BIC), theo bản công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 mới nhất, hãng bảo hiểm này đặt mục tiêu tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 5.570 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc là 5.450 tỷ đồng; mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ là 530,4 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất là 540 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm Công ty mẹ BIC đạt gần 5.000 tỷ đồng (trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt trên 4.600 tỷ đồng), tăng gần 30% so với năm 2022. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt gần 580 tỷ đồng (trong đó, lợi nhuận riêng trước thuế đạt gần 560 tỷ đồng), tăng trưởng 50% và hoàn thành 120% kế hoạch năm.

Theo kế hoạch, BIC dự kiến tổ chức đại hội cổ đông thường niên vào ngày 4/4/2024 và sẽ chính thức thông qua kế hoạch kinh doanh cũng như lợi nhuận của năm 2024.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục