Tín hiệu vui từ thị trường nhân thọ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Sau giai đoạn giảm tốc, việc doanh thu khai thác mới tăng trưởng trở lại trong quý III/2024 là một tín hiệu vui với khối bảo hiểm nhân thọ nói riêng và thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung, cho dù mức tăng còn rất khiêm tốn.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ bắt đầu chuyển biến Hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ bắt đầu chuyển biến

Doanh thu khai thác mới tăng trở lại

Báo cáo mới nhất về thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cho thấy những dấu hiệu chuyển biến khi doanh thu khai thác mới đã tăng trưởng trở lại.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong quý III/2024, doanh thu khai thác mới của khối bảo hiểm nhân thọ đạt hơn 5.934 tỷ đồng, nhích nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 5.874 tỷ đồng). Mức tăng dù còn rất khiêm tốn nhưng đây được xem là tín hiệu tích cực cho thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ nói riêng, nhất là sau cuộc khủng hoảng truyền thông vừa qua.

Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký IAV đánh giá, việc doanh thu khai thác mới tăng trưởng trở lại trong quý III/2024 cho thấy niềm tin, sự lạc quan đang dần quay lại với thị trường bảo hiểm nhân thọ, cho dù còn nhiều khó khăn phía trước để giữ vững đà tăng này.

Còn nhớ, thời điểm tháng 11/2023, tại một hội nghị của ngành bảo hiểm, đại diện Bộ Tài chính cho biết, năm 2023 là năm nhiều khó khăn, thách thức đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam. Kết thúc 10 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí của ngành này chỉ đạt 127.000 tỷ đồng, giảm 10,93% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là năm đầu tiên ngành bảo hiểm nhân thọ ghi nhận tăng trưởng âm trong 20 năm qua.

Trước đó, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường giảm lần đầu tiên vào quý II/2023. Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt là 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước (theo IAV), qua đó xác nhận 5 quý giảm liên tiếp.

“Tuy nhiên, đến quý III/2024, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đã tăng trưởng trở lại. Có được kết quả này là nhờ các doanh nghiệp đã liên tục triển khai các hoạt động hướng về khách hàng như đơn giản hóa các quy trình, giới thiệu các sản phẩm đa dạng phù hợp với các phân khúc khách hàng khác nhau, nâng cao quyền lợi bảo vệ, chăm sóc khách hàng…”, ông Dũng nói.

Tính đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đã đáp ứng các yêu cầu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. Đơn cử, FWD Việt Nam triển khai các tính năng mới gồm đăng ký mẫu giọng nói và ghi âm nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm nhằm nâng cao chất lượng tư vấn bảo hiểm và trải nghiệm khách hàng, gia tăng tính bảo mật, đảm bảo xác thực thông tin và bảo vệ quyền lợi khách hàng. Hay như MAP Life thực hiện thay đổi các sản phẩm hiện hữu (bao gồm quy tắc điều khoản, các tài liệu của bộ hợp đồng), bên cạnh mở rộng thêm phương thức thanh toán QR code và hoàn tất hệ thống ghi âm quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng (đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư)…

Kỳ vọng 2 tháng cuối năm

Dù doanh thu phí mới đã tăng trưởng trở lại sau thời gian dài giảm tốc, nhưng theo Phó tổng thư ký IAV, trong bối cảnh nền kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn và người tiêu dùng còn thận trọng trong chi tiêu, các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao trải nghiệm khách hàng ở mọi “điểm chạm”, hướng đến những kết quả tốt hơn trong quý IV/2024 và những năm kế tiếp.

Mặt khác, tuy tăng trưởng dương trong quý III nhưng tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu phí của khối bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa tăng trở lại bởi đã giảm mạnh trong 2 quý trước đó.

Số liệu tổng hợp của IAV cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 106.504 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 56,4%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 16,3%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 12,7%; sản phẩm bán kèm chiếm tỷ trọng 12,4%. Các sản phẩm bảo hiểm còn lại (sản phẩm bảo hiểm trọn đời, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ, sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ, sản phẩm bảo hiểm hưu trí, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ) chiếm tỷ trọng 2,2%.

Tính đến cuối tháng 9/2024, số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là 11.699.249 hợp đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, được ưa chuộng và chiếm tỷ trọng cao nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (56,9%) và sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (24,3%).

Với khối nhân thọ, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới 9 tháng ước đạt 17.998 tỷ đồng, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dẫn đầu là Bảo Việt Nhân thọ với 2.927 tỷ đồng, tiếp theo là Prudential với 2.785 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 2.772 tỷ đồng, Manulife với 1.889 tỷ đồng và FWD với 1.120 tỷ đồng.

Như vậy, Bảo Việt Nhân Thọ đã vượt qua Prudential để tạm đứng đầu về doanh thu khai thác mới 9 tháng đầu năm 2024, trong khi các vị trí khác trong tốp 5 được giữ nguyên. Số liệu thống kê 6 tháng năm 2024 của IAV cho thấy, vị trí dẫn đầu từng thuộc về Prudential. Trong khi đó, gương mặt mới của tốp 5 là FWD dường như ngày càng “chắc chân” với doanh thu khai thác mới đạt trên nghìn tỷ đồng sau 9 tháng. Thị phần doanh thu này có thể thay đổi bởi “cuộc đua” doanh thu trong quý cuối năm còn có nhiều bất ngờ.

Thời gian qua, nhiều công ty bảo hiểm đã tung ra các chiến dịch thúc đẩy hoạt động bán hàng như chiến dịch ra mắt sản phẩm Sống khỏe mỗi ngày của Manulife, chiến dịch đầu tư bền vững Quỹ PruLink Tương lai xanh của Prudential, hay sắp tới đây là sự kiện AIA Vitality Fest 2024 Bền nội lực - Vững trên từng phép tính…

Quý cuối cùng của năm cũng là giai đoạn nước rút để phân định thứ hạng và thu hẹp khoảng cách thị phần giữa các nhà bảo hiểm dẫn đầu. Thực tế, mục tiêu nắm giữ thị phần cao nhất luôn là điều quan trọng đối với các “ông lớn” trong ngành bảo hiểm, bởi ngoài là yếu tố then chốt giúp thu hút, tuyển dụng đại lý, phát triển đội ngũ…, thì còn tác động tới chiến lược đầu tư trong dài hạn từ tập đoàn mẹ ở nước ngoài.

Tuy vậy, bối cảnh của thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện đã thay đổi. Các doanh nghiệp bảo hiểm đều phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm mới (2022), bao gồm các nghiệp vụ bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, điều kiện tham gia bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia bảo hiểm… Điều này giúp hạn chế việc các nhà bảo hiểm chạy theo tăng trưởng “nóng”, do đó không dễ để thị trường bảo hiểm nhân thọ nhanh chóng tăng trưởng cao như giai đoạn trước đó.

Theo số liệu thống kê không chính thức từ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, dù doanh thu khai thác phí mới trong tháng 10/2024 giữ được mức tăng nhẹ, nhưng tính chung 10 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Đây là một thách thức lớn đối với toàn ngành, nhất là trong giai đoạn chạy nước rút 2 tháng cuối năm. Song, nhìn xa hơn, sau giai đoạn chấn chỉnh và hoàn thiện các quy trình, nghiệp vụ, các doanh nghiệp có thể sẽ phục hồi nhanh hơn và kinh doanh minh bạch, an toàn, hiệu quả vẫn là điều tất yếu phải hướng đến, bởi điều đó có lợi cho cả doanh nghiệp, khách hàng và thị trường trong dài hạn.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục