Hiện các công ty được chọn tham gia đề án thí điểm này đã ngừng triển khai mới, mà đang tập trung vào công tác tổng kết giai đoạn thí điểm và thực hiện trách nhiệm đã cam kết đối với các hợp đồng bảo hiểm đang còn hiệu lực.
Trao đổi với ĐTCK về thông tin các doanh nghiệp bảo hiểm dừng triển khai bảo hiểm nông nghiệp vì quá lỗ, đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, việc ngừng triển khai không phải vì lỗ, mà để tổng kết giai đoạn thí điểm. Bởi đây là chương trình bảo hiểm có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, nên không thể tiếp tục hỗ trợ từ nguồn ngân sách khi chưa có quyết định cho triển khai tiếp của Chính phủ.
“Muốn triển khai tiếp thì phải đợi sau khi tổng kết chương trình thí điểm báo cáo Chính phủ về những kết quả đã đạt được cũng như những vấn đề chưa phù hợp, cần điều chỉnh”, vị đại diện này nói và thông tin thêm rằng, chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã được tái bảo hiểm ra nước ngoài, nên mặc dù phát sinh chi bồi thường lớn, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đủ khả năng chi trả vì đã có các nhà tái bảo hiểm nước ngoài gánh chịu một phần. Và đây là một trong những thành công của chương trình thí điểm.
Theo báo cáo của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, năm 2013, trong các nghiệp vụ bảo hiểm, bảo hiểm nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất về doanh thu phí bảo hiểm gốc (dưới 2%). Trong khi đó, bảo hiểm nông nghiệp là nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao nhất là 295% (tỷ lệ bồi thường năm 2012 là 38%). Năm 2013, nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại cao nhất cũng là bảo hiểm nông nghiệp (122%).
Tỷ lệ bồi thường cao khi triển khai nghiệp vụ bảo hiểm này không phải là điều quá bất ngờ đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, bởi trước khi Đề án Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp được triển khai, đã có một số doanh nghiệp bảo hiểm (kể cả các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài) rất nhiệt tham gia rồi cũng phải rời bỏ sân chơi này, vì chịu không nổi lỗ. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, kỹ thuật canh tác lạc hậu, đa số nông dân Việt Nam vẫn chỉ dựa vào "ông trời" là lý do nhiều doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp đành bỏ cuộc, còn các nhà tái bảo hiểm không ai dám nhận tái bảo hiểm trong lĩnh vực này.
Còn đối với chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp vừa qua, những vấn đề phát sinh dẫn đến tỷ lệ bồi thường tăng cao cũng đã được các doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận và báo cáo kịp thời cho các cơ quan chức năng, để có phương án điều chỉnh kịp thời.
Đại diện Bảo Việt cho biết, một số phương án khắc phục tình trạng thua lỗ trong bảo hiểm nông nghiệp đã được các công ty bảo hiểm áp dụng trong thời gian thí điểm và có thể áp dụng trong thời gian tiếp theo khi được Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai sản phẩm bảo hiểm này là: điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp, hài hòa lợi ích; tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro; hoàn thiện các quy trình quản lý nghiệp vụ để hạn chế trục lợi bảo hiểm …
Trục lợi bảo hiểm nông nghiệp cũng là vấn đề mới phát sinh khi cơ quan chức năng quyết định tái triển khai thí điểm nghiệp vụ này. Tình trạng này đã có thời điểm trở nên căng thẳng, khi một công ty bảo hiểm đã kiên quyết từ chối không cấp hợp đồng bảo hiểm cho một số hộ dân nuôi trồng thủy sản không đúng quy trình kỹ thuật, thậm chí cố tình bỏ bớt công đoạn nuôi thả vì “đã mua bảo hiểm”. Chính vì thế, cần có sự tổng kết để đưa ra quyết định có tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp nữa hay không và triển khai thì phải sửa đổi thế nào, để tránh tình trạng bồi thường khủng như hiện nay, ngoài việc điều chỉnh lại sản phẩm thì phương án phòng chống trục lợi bảo hiểm cũng là một vấn đề quan trọng cần nghiên cứu.
Trao đổi với ĐTCK về khả năng tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp sau khi hết thí điểm, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm chỉ nói rằng, đây là một trong những nội dung quan trọng trong công tác tổng kết chương trình thí điểm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.