Bảo hiểm nông nghiệp: Làm sao thoát thế “tiến thoái lưỡng nan”?

(ĐTCK) Tổng giá trị bồi thường luôn vượt xa tổng số phí trong bảo hiểm nông nghiệp.
Bảo hiểm nông nghiệp: Làm sao thoát thế “tiến thoái lưỡng nan”?

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là khi ít rủi ro thì nông dân không muốn tham gia, mà rủi ro nhiều thì DN bảo hiểm lại không dám nhận. “Cần có sự tham gia của Nhà nước, có các chính sách hỗ trợ để chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, DN bảo hiểm và người dân”, đó là thông điệp nổi bật tại Hội thảo “Giải pháp cho vay nông nghiệp - nông thôn có bảo hiểm lãi suất tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” vừa qua.

Bảo hiểm nông nghiệp: Làm sao thoát thế “tiến thoái lưỡng nan”? ảnh 1Sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh

 

Không thể bảo hiểm rủi ro thời tiết

Tại Hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đánh giá, tín dụng cho phát triển nông nghiệp - nông thôn của hệ thống ngân hàng đã có đóng góp quan trọng trong những thành tựu to lớn của nền sản xuất nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên, những thành tựu này chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, bởi những đòi hỏi khắt khe của thị trường trong quá trình hội nhập, các yêu cầu cao về kỹ thuật sản xuất, chế biến, nguồn gốc chất lượng sản phẩm.

“Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp nước ta luôn đối mặt với rủi ro và thách thức về tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh”, Thống đốc nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực vật An Giang chia sẻ, người nông dân phải đối diện với nhiều khó khăn về vốn; nguồn cung cấp vật tư dồi dào, ổn định, giá hợp lý; đầu ra sản phẩm; khoa học công nghệ. Công ty đã hỗ trợ được hai chuỗi là cung cấp đầu vào và thu mua lúa gạo, như thực hiện hỗ trợ 962 đồng/kg lúa cho nông dân bằng tiền mặt.

“Chúng tôi có khả năng bảo hiểm rủi ro về cây giống, nhưng không thể bảo hiểm được rủi ro về thời tiết. Rủi ro này ngân hàng phải tính để trừ vào rủi ro cho DN”, ông Thòn nói.

“Nhà nước cần có chính sách bảo hiểm nhằm chia sẻ rủi ro cho người dân trong quá trình chăn nuôi và trồng trọt. Trên thực tế, người nông dân vốn ít, tài sản thế chấp không nhiều, vay vốn chăn nuôi không may gặp rủi ro thì không thể tiếp cận vốn để tái sản xuất và ngân hàng cũng không thể cho vay thêm”, ông Trần Văn Phương, Giám đốc Phòng giao dịch Càng Long, Ngân hàng TMCP Đông Á - Chi nhánh Trà Vinh nêu quan điểm.

Trước năm 2011, BHNN đã được thực hiện ở ĐBSCL, nhưng chỉ ở dạng thí điểm và đa phần không thành công. Đến ngày 1/10/2011, BHNN được thực hiện thí điểm theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có ĐBSCL. Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng CTCP Bảo Minh và Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare) được lựa chọn tham gia thí điểm.

Qua 1 năm triển khai BHNN, tính tới ngày 9/5/2013, tổng giá trị đã giải quyết bồi thường lên tới 458,1 tỷ đồng và giá trị còn phải bồi thường là 41,2 tỷ đồng, vượt xa so với tổng số phí bảo hiểm là 199,4 tỷ đồng. Điều này khiến cho Bảo Minh, Bảo Việt tạm dừng ký hợp đồng bảo hiểm toàn vùng thí điểm trong khi chờ kiểm tra bóc tách các hợp đồng trục lợi bảo hiểm và giải quyết bồi thường các hợp đồng thiệt hại còn lại. Còn Vinare đã phải chịu một khoản lỗ rất lớn là 462 tỷ đồng và gặp nhiều khó khăn trong công tác thu xếp tái bảo hiểm.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cách làm thí điểm BHNN vừa qua chưa ổn, chưa làm trên diện rộng để tính toán đến các sản phẩm khác nhau. Đặc biệt, BHNN chưa gắn với chính sách tài khóa.

 

Kiến nghị nhiều giải pháp

Ở một góc độ khác, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank khuyến nghị: Thứ nhất, cho phép tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, khai thác chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu, sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.

Thứ hai, có chính sách cổ phần hóa DN nông nghiệp - nông thôn, trong đó cổ đông nông dân góp ruộng đất vào DN, được coi là “cổ phần kim cương”, trong trường hợp DN thua lỗ hoặc phá sản thì cổ phần này không mất ruộng đất.

Thứ ba, mở các nút thắt, tăng cường thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp - nông thôn.

Thứ tư, thực hiện chính sách cho thuê đất 100 năm, giúp nông dân và cả nhà đầu tư an tâm sản xuất - kinh doanh hơn.

Thứ năm, có cơ chế kích thích bảo hiểm và bảo hiểm từ thiện vốn vay nông nghiệp - nông thôn.

Thứ sáu, để kích thích phát triển nông nghiệp - nông thôn, nên ưu đãi thuế cho các DN kinh doanh cánh đồng mẫu lớn và các DN tham gia chuỗi giá trị sản xuất - kinh doanh nông nghiệp - nông thôn.

TS. Nguyễn Đức Hưởng cho biết, LienVietPostBank sẽ triển khai Đề án 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nông nghiệp - nông thôn có bảo hiểm lãi suất dành cho khu vực ĐBSCL giai đoạn 2013 - 2015. Số tiền lãi được bảo hiểm dự kiến đến hết năm 2015 là hơn 800 tỷ đồng. Các đối tượng cho vay và lĩnh vực cho vay của Đề án sẽ được Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đứng ra bảo hiểm miễn phí toàn bộ lãi suất tiền vay. Theo đó, PTI sẽ thay khách hàng vay vốn trả lãi suất cho Ngân hàng trong trường hợp khách hàng gặp khó khăn khách quan (thiên tai, bị tai nạn, thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong).

Để đảm bảo cho khoản bảo hiểm này, ngay trong ngày ký hợp đồng hợp tác bảo hiểm, PTI sẽ ký quỹ 10 tỷ đồng tại LienVietPostBank.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương cần nhanh chóng tháo gỡ những “nút thắt” về chính sách, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ. DN cần đặt hàng ký hợp đồng với nông dân bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm sản xuất với điều kiện sản phẩm đúng chất lượng, đúng hạn, đúng giá. Người nông dân cần hợp tác sản xuất để tạo vùng nguyên liệu chuyên canh có định hướng theo hợp đồng. Với mô hình liên kết “bốn nhà”, cần tôn trọng hợp đồng cả về số lượng, chất lượng sản phẩm và thời gian cung ứng.

PGS. TS. Hạ Thị Thiều Dao, Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM nhận định, sau quá trình thí điểm BHNN, cần thực hiện đánh giá rủi ro. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến bảo hiểm, tái bảo hiểm, hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm. Cần thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh, đặc biệt trong chất lượng giám định tổn thất và giải quyết bồi thường, quản lý rủi ro, tái bảo hiểm, phòng chống trục lợi bảo hiểm.     

>> Bảo hiểm nông nghiệp nặng gánh rủi ro

>> “Đất cằn” bảo hiểm nông nghiệp

>> Bảo hiểm nông nghiệp cũng phát sinh dấu hiệu trục lợi

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục