Đây không phải là hợp đồng nhân thọ mệnh giá khủng đầu tiên và dự báo sẽ có nhiều hợp đồng như vậy tiếp tục được ký kết. Nhu cầu với hợp đồng bảo hiểm mệnh giá lớn ngày càng tăng.
Theo một số chuyên gia trong ngành bảo hiểm, số lượng khách hàng VIP của các công ty bảo hiểm sẽ được mở rộng nhanh chóng và khách hàng VIP sẽ tạo thành một phân khúc thị trường rõ ràng mà các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tập trung hướng đến. Phân khúc này đang xuất hiện những tín hiệu bùng nổ, đặc biệt là sau sự ra đi của một số người nổi tiếng vì những căn bệnh quái ác.
Sự kiện đó vô hình trung đã làm thức tỉnh nhận thức về vai trò của “tấm lá chắn của bảo hiểm” trong cuộc sống của rất nhiều người. Nhiều người bắt đầu nghĩ đến và tính toán về một kế hoạch tài chính vững chắc cho bản thân cũng như gia đình nếu chẳng may rủi ro xảy ra.
Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, năm 2015, phí bảo hiểm bình quân hợp đồng khai thác mới của bảo hiểm nhân thọ ước đạt 9,62 triệu/hợp đồng, tăng 12,42% so với cùng kỳ năm 2014. Phí bảo hiểm bình quân của một hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp là 9,60 triệu đồng/hợp đồng, một hợp đồng liên kết đầu tư là 12,53 triệu đồng, hợp đồng tử kỳ là 1,18 triệu đồng.
Báo Đầu tư Chứng khoán từng có khá nhiều bài viết nhận định về sự bùng nổ của những hợp đồng bảo hiểm có mệnh giá bảo vệ từ 5 tỷ đồng, 7 tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng và đến nay, sự phát triển của phân khúc khách hàng này đã không còn là điều quá ngạc nhiên với các công ty bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm dường như đang đón nhận một lượng khách hàng có nhu cầu bảo vệ lớn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, việc phát triển phân khúc khách hàng có nhu cầu bảo vệ với mệnh giá “khủng” đi kèm các điều kiện dịch vụ chăm sóc đặc biệt… cũng được các công ty bảo hiểm nhân thọ khá cân nhắc. Có nhiều lý do để các công ty bảo hiểm cần phải rất cẩn trọng khi quyết định ký những hợp đồng như vậy. Ngoài nguyên tắc cơ bản, mệnh giá cao đương nhiên rủi ro cũng rất cao, thì những hợp đồng lớn như vậy theo quy định các công ty bảo hiểm cũng phải tái bảo hiểm. Như vậy, phần giữ lại thực tế cũng không cao, trong khi chi phí dịch vụ cho những khách hàng như vậy khá lớn.
Những hợp đồng bảo hiểm mệnh giá rất cao khi mới xuất hiện ở thị trường Việt Nam cũng có những nghi ngại về vấn đề rửa tiền. Tại hội nghị tập huấn về phòng chống rửa tiền do một ngân hàng thương mại tổ chức trước đó, đã có những cảnh báo, tội phạm rửa tiền thường nhắm vào hệ thống tài chính – ngân hàng để biến số tiền có nguồn gốc bất minh thành tiền sạch.
Rửa tiền qua các hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đang có nguy cơ cao. Các cơ quan chức năng cũng từng nhận định, dù số hợp đồng bảo hiểm có dấu hiệu rửa tiền bị phát hiện còn rất ít, nhưng nguy cơ rửa tiền qua các hợp đồng bảo hiểm là không nhỏ.
Dù vậy, đây cũng không phải là yếu tố khiến các công ty bảo hiểm nhân thọ lo ngại, bởi việc kiểm soát “đầu vào” trước khi cấp đơn bảo hiểm được các công ty bảo hiểm thực hiện khá nguyên tắc. Bởi với những hợp đồng chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi bị hủy, cũng thường bị đưa vào diện nghi vấn rửa tiền. Tuy nhiên, khả năng này cũng rất thấp, thông thường, khách hàng hủy hợp đồng là do bị tăng phí bảo hiểm sau khi có kết quả về khám sức khỏe.
Hơn nữa, ngoài quy định riêng rất nghiêm ngặt của từng công ty bảo hiểm, các cơ quan chức năng cũng có những quy định bắt buộc phải thực hiện đối với những hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn, có số phí bảo hiểm đóng cao ở một mức nhất định là phải báo cáo lên Cục Phòng chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước để thẩm định kiểm tra.
“Thực tế, ngoài việc kiểm soát vấn đề rửa tiền, điều khiến các công ty bảo hiểm lo ngại còn là vấn đề trục lợi bảo hiểm với những hợp đồng có mệnh giá lớn và hiệu quả thực tế mà những hợp đồng này mang lại”, một chuyên gia trong ngành chia sẻ.