Bảo hiểm nhân thọ và câu chuyện thông tin trung thực

(ĐTCK) Về nguyên tắc, khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm, nhân viên bảo hiểm phải tìm hiểu rõ những thông tin cần thiết về khách hàng và phổ biến cho họ những điều kiện để được tham gia bảo hiểm. 
Bảo hiểm nhân thọ và câu chuyện thông tin trung thực

Phía khách hàng cũng có nghĩa vụ cung cấp chính xác thông tin về độ tuổi và tình trạng sức khỏe của mình. Nhưng vì nhiều lý do, khách hàng đã không lưu ý điều khoản này và đây chính là nguyên nhân nảy sinh nhiều rắc rối, kiện tụng về sau.

Thị trường bảo hiểm đang xôn xao về câu chuyện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bị tòa phúc thẩm xử thua kiện và phải bồi thường hơn 700 triệu đồng cho một khách hàng. Vụ việc được đưa ra tòa cũng bởi  nguyên tắc thông tin trung thực đã không được khách hàng thực hiện đầy đủ.

Câu chuyện có nhiều tình tiết lắt léo bên trong, nhưng cuối cùng công ty bảo hiểm vẫn phải bồi thường cho khách hàng vì những lập luận như: công ty bảo hiểm khi ký hợp đồng phải kiểm chứng thông tin khách hàng cung cấp, nếu không kiểm chứng công ty phải chịu trách nhiệm và hồ sơ bệnh án của khách hàng được công ty bảo hiểm thu thập không có giá trị pháp lý…

Vụ việc này là câu chuyện không hiếm gặp trong ngành bảo hiểm nhân thọ. Một chuyên gia trong ngành nói rằng, pháp luật yêu cầu bên tham gia bảo hiểm (khách hàng) phải trung thực, luật không bắt buộc công ty bảo hiểm phải kiểm tra và chịu trách nhiệm với kết quả đó nếu bản thân khách hàng khai gian.

Khi phát hiện có sự không trung thực trong cung cấp thông tin, việc của các công ty bảo hiểm là phải chứng minh được khách hàng đã không trung thực (như tìm hồ sơ bệnh án…). Tuy nhiên, việc tìm ra được hồ sơ bệnh án của khách hàng tại các cơ sở y tế đôi khi là lại “nhiệm vụ bất khả thi” với các công ty bảo hiểm vì không phải cơ sở y tế hay bệnh viện nào cũng sẵn sàng hợp tác với lý do phải bảo mật thông tin  khách hàng. Chính vì thế, rất nhiều công ty bảo hiểm đã bị buộc phải bồi thường trong tình huống khách hàng cố tình gian lận.

Chính vì đây là vấn đề hay gặp phải của ngành bảo hiểm nên cũng có những câu hỏi được đặt ra: Tại sao các công ty bảo hiểm không yêu cầu Hiệp hội hay Bộ Tài chính có tiếng nói về chuyện bảo hiểm cần được cung cấp hồ sơ bệnh án để làm rõ các thông tin khi có khách hàng tử vong? Trong trường hợp yêu cầu xem hồ sơ bệnh án là bất khả kháng thì tại sao công ty bảo hiểm không kiểm tra sức khỏe tất cả khách hàng trước khi ký hợp đồng? Những câu chuyện như vậy có lẽ không chỉ có ở thị trường Việt Nam, vậy bảo hiểm thế giới họ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực bảo hiểm nói rằng, thực ra việc cần phải có một cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan khi cần xác minh thông tin khách hàng đã được các công ty bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Bộ Tài chính và các phía y tế trao đổi bàn bạc nhiều lần, nhưng đến nay vấn đề vẫn chưa được giải quyết vì vướng luật về bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân.

Có thể cực chẳng đã các công ty bảo hiểm sẽ phải kiểm tra sức khỏe cho toàn bộ khách hàng mà không dựa trên cách tính xác suất rủi ro, nhưng việc làm này đương nhiên sẽ làm tăng chi phí và chi phí này sẽ phải được tính vào giá thành sản phẩm bảo hiểm và khách hàng chính là người chịu thiệt. Tuy nhiên, ngay cả việc khám sức khỏe cho tất cả khách hàng muốn tham gia bảo hiểm cũng không thể loại trừ được việc khai không trung thực vì nếu khách hàng đã có ý định gian dối ngay từ đầu thì việc khám sức khỏe theo tiêu chuẩn bình thường cũng khó có thể phát hiện được.

Để giải quyết những vấn đề này, các công ty bảo hiểm nhân thọ ở những thị trường phát triển thường có những đội điều tra riêng hoặc thuê thám tử điều tra nếu thấy nghi ngờ. Vì thị trường Việt Nam chưa thể thực hiện được những điều này nên các công ty bảo hiểm vẫn đang phải trông chờ sự phối hợp giữa Hiệp hội Bảo hiểm, Bộ Tài chính và Bộ Y tế để có một cơ chế cung cấp thông tin bệnh án cho doanh nghiệp.

“Thực ra, cũng đã có những hướng dẫn cho phép các bệnh viện và cơ sở y tế trong trường hợp cụ thể có thể cung cấp thông tin bệnh nhân. Tuy nhiên, đây không phải là quy định bắt buộc nên các công ty bảo hiểm vẫn phải chờ vào sự linh động của bệnh viện”, đại diện một công ty bảo hiểm chia sẻ. Chính vì những khó khăn này, các công ty bảo hiểm vẫn mong mỏi các cơ quan chức năng sẽ xem xét kỹ vấn đề này và trong một số trường hợp, nên luật hóa yêu cầu bệnh viện cung cấp thông tin trung thực về bệnh nhân với công ty bảo hiểm thì phải thông qua Quốc hội để điều chỉnh những luật có liên quan.  

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục