Sự đổi ngôi của khối bảo hiểm nhân thọ

(ĐTCK) Thị phần cả tổng doanh thu và doanh thu khai thác mới của khối bảo hiểm nhân thọ trong những tháng đầu năm 2016 có sự thay đổi mạnh mẽ.
Các yếu tố thị trường đang khá thuận lợi cho khối doanh nghiệp bảo hiểm triển khai kế hoạch kinh doanh Các yếu tố thị trường đang khá thuận lợi cho khối doanh nghiệp bảo hiểm triển khai kế hoạch kinh doanh

Theo số liệu thống kê từ Bản tin bảo hiểm toàn cầu, trong 2 tháng đầu năm 2016, Bảo Việt vươn lên đứng đầu thị trường cả về thị phần phí bảo hiểm khai thác mới (18,51%) và thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm (27,7%). Vị trí này trước đó thuộc về Prudential Việt Nam.

Một số vị trí khác về tổng doanh thu phí bảo hiểm 2 tháng đầu năm cũng có sự thay đổi như AIA Việt Nam vươn lên vị trí thứ tư, trước Dai-ichi Life Việt Nam. Ấn tượng hơn là sự tăng trưởng của PVI Sun Life khi doanh nghiệp này vượt qua nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thị trường sớm hơn, vươn lên vị trí thứ sáu về thị phần tổng doanh thu.

Thực tế, nhờ có những lợi thế riêng biệt nên PVI Sun Life ngay từ khi hoạt động đã đạt được kết quả kinh doanh khả quan, đặc biệt trong mảng bán buôn (bán bảo hiểm cho các doanh nghiệp). Kết quả kinh doanh của hãng bảo hiểm này có vẻ không bị ảnh hưởng sau những thay đổi về tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, cũng như một vài thay đổi về nhân sự cấp cao.

Tương tự, việc thay đổi nhân sự cấp cao không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Generali Việt Nam trong những tháng đầu năm 2016, khi kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định.

Tuy nhiên, đối với Hanwha Life, hoạt động kinh doanh có dấu hiệu chững lại. Trước đó, hãng bảo hiểm này cũng có những thay đổi về nhân sự cấp cao điều hành kinh doanh.

Nhóm 3 doanh nghiệp Manulife Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam và AIA Việt Nam được nhận định là những doanh nghiệp dễ có sự “đổi ngôi” về thị phần nhất, vì thị phần luôn theo nhau sát nút.

Số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, thứ hạng thị phần tổng doanh thu của 3 doanh nghiệp trên là: Manulife Việt Nam đứng thứ ba, Dai-ichi Life Việt Nam đứng thứ tư và AIA Việt Nam đứng thứ năm thị trường. Nhưng cũng như Prudentila Việt Nam và Bảo Việt, thị phần khai thác mới của Dai-ichi Life Việt Nam và AIA Việt Nam biến đổi liên tục trong từng quý.

Trước đó, theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2015, thị phần tổng doanh thu của Manulife Việt Nam là 11,80%, Dai-ichi Life Việt Nam là 9,29% và AIA Việt Nam là 9,13%.

2 tháng đầu năm 2016, AIA Việt Nam vượt qua Dai-ichi Life Việt Nam, với thị phần tổng doanh thu là hơn 10% (số liệu từ Bản tin tài chính toàn cầu).

Tất nhiên, mọi sự thay đổi về thị phần hiện nay chỉ là tạm thời, bởi theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, doanh thu những tháng đầu năm chưa khẳng định được gì nhiều về sự bền vững của thị phần. Tuy nhiên, dù thị phần này có thể thay đổi ở những tháng hay quý tiếp theo của năm 2016, thì cũng phải nhìn nhận rằng, thời gian qua, Bảo Việt là một nhân tố đáng chú ý của thị trường vì những nỗ lực và khả năng vươn lên. Một nhân tố khác cũng gây sự chú ý không kém cho thị trường là PVI Sun Life như đã nêu trên.

Những biến chuyển trong kết quả kinh doanh cũng như thị phần doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong những tháng đầu năm 2016 hứa hẹn tạo ra nhiều sự thay đổi cho khối nhân thọ, không chỉ là thị phần, mà có thể sẽ có những chiến lược kinh doanh mới mẻ.

Ngoài sự thay đổi về sản phẩm thì kênh phân phối cũng là một trong những mục tiêu quan trọng. Cùng với các chiến lược đẩy mạnh kênh phân phối bancassurance, bảo hiểm trực tuyến trong thời đại kỹ thuật số cũng đang được các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn.

Trao đổi với ĐTCK, tổng giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nói rằng, các yếu tố thị trường đang khá thuận lợi cho khối doanh nghiệp bảo hiểm triển khai kế hoạch kinh doanh. Vấn đề còn lại của doanh nghiệp là nắm bắt cơ hội và triển khai các hướng đi đúng với khả năng của doanh nghiệp và nhắm trúng nhu cầu của khách hàng.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục