Bảo hiểm hàng hải từng là một trong những nghiệp vụ mang lại doanh thu khá cao cho các DN bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng những năm gần đây, các chủ tàu gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh trực tiếp với các hãng tàu nước ngoài, giá cước vận chuyển giảm, trong khi các quy định ràng buộc, tiêu chuẩn đối với thuyền viên trên tàu tăng lên…, nên nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải cũng bị tác động không nhỏ.
Tình trạng nợ phí bảo hiểm của các chủ tàu khiến một số công ty bảo hiểm e ngại khai thác mảng nghiệp vụ này. Đặc biệt, đội tàu “già” phát triển nhanh, nhưng không đồng bộ với khả năng quản lý của các chủ tàu, dẫn đến tỷ lệ tổn thất bảo hiểm ở mức cao.
Tuy nhiên, vì đây là nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống và khá ổn định (mua bảo hiểm hàng hải, trong đó có bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu chuyên chở bằng đường biển, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu là quy định bắt buộc), nên dù khó khăn, nhiều DN bảo hiểm vẫn đang tìm cách khắc phục, khơi thông nghiệp vụ này. Những DN có thế mạnh và có thị phần lớn về bảo hiểm hàng hải là Bảo Việt, Bảo Minh, PVI , PTI, BIC…
Được biết, nhằm chia sẻ khó khăn với các hãng vận tải biển, các DN bảo hiểm thường đưa ra chính sách hỗ trợ như giảm phí bảo hiểm, giảm mức khấu trừ, nâng cao chất lượng giải quyết bồi thường.
Cụ thể, trong kế hoạch kinh doanh năm 2016, Bảo hiểm Bảo Minh đưa ra mục tiêu đẩy mạnh khai thác bảo hiểm hàng hải. Theo đó, DN bảo hiểm này sẽ tập trung khai thác các nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa, nhất là ở các địa bàn trọng điểm như: TP. HCM, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vũng Tàu… và những đơn vị có kinh doanh tàu và hàng hóa. Mở rộng khai thác hàng xá qua cân thông qua điều chỉnh mức phí/khấu trừ theo từng cảng riêng biệt, nhưng sẽ thường xuyên kiểm soát công tác giao nhận, giám sát để đề phòng tổn thất và công tác bồi thường đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, áp dụng mô hình B2B (business to business) vào các kênh phân phối đối với nghiệp vụ hàng hải (trừ nghiệp vụ tàu sông và tàu cá). Bên cạnh đó, tăng cường khai thác bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, nhưng chú trọng công tác quản lý nghiệp vụ nhằm tránh lỗ và tập trung đào tạo nhân sự nghiệp vụ hàng hải cho các công ty thành viên.
Hay Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã xây dựng nhiều ưu đãi cho các chủ tàu là thành viên Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam. Chẳng hạn, miễn phí toàn bộ dịch vụ cứu hộ PAN (cẩu kéo phi kỹ thuật) cho tất cả các thành viên của Hiệp hội trong phạm vi lên đến 100 km, tính từ các trung tâm thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng…. Bên cạnh đó, khi chủ tàu tham gia mua bảo hiểm tại PTI trong thời gian từ nay đến hết 30/6/2016, với tổng doanh thu phí bảo hiểm từ 50 triệu đồng trở lên, sẽ được nhận các quà tặng: kỳ nghỉ dưỡng tại resort 5 sao trị giá 40 triệu đồng, voucher mua hàng tại các trung tâm điện máy, voucher mua sắm tại Big C trị giá đến 15 triệu đồng...
Trao đổi với ĐTCK, đại diện PTI đánh giá, mặc dù tình hình kinh doanh có những khó khăn, nhưng việc mua bảo hiểm của các DN vận tải biển sẽ không giảm, do rủi ro mà các DN này có thể gặp phải thường gây ra hậu quả rất lớn. Ví dụ, sự cố tràn dầu, đâm va vào cảng, đâm va vào các tàu khác… Vì vậy, đa phần các DN vận tải biển vẫn sẽ mua bảo hiểm, nhưng có thể đàm phán với mức phí ưu đãi hơn.
“Phân khúc bảo hiểm hàng hải có vẻ sắp sôi động trở lại, nhưng nếu các DN bảo hiểm đua nhau cạnh tranh theo kiểu giảm mạnh phí bảo hiểm, thì sẽ có rất nhiều nguy cơ”, một chuyên gia trong ngành nói.