Theo đó, với mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc gần 40%, đạt gần 2.400 tỷ đồng, kết thúc năm 2015, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã vươn lên vị trí thứ 4 về thị phần. Trong khi Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) lùi xuống vị trí thứ 5 với hơn 2.200 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc.
Không thua kém về mức độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc khi cũng đạt trên 40%, Bảo hiểm Quân đội (MIC) từ vị trí thứ 7 về thị phần, đã vươn lên giữ vị trí thứ 6, ước đạt hơn 1.400 tỷ đồng.
Đáng kể nhất là Bảo hiểm Viễn Đông (VASS), từ vị trí thứ 14 trong năm 2014, đã vươn lên giữ vị trí thứ 8 về thị phần trong năm 2015 với kết quả đạt hơn 1.290 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc, tăng trưởng lên tới hơn 160%. Trong khi đó, Bảo hiểm Samsung Vina (SVI) tụt xuống vị trí thứ 9, sau nhiều năm liền ở vị trí thứ 6.
Những doanh nghiệp trên cùng với kết quả kinh doanh của 27 DNBH còn lại trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ cũng đã tạo ra mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm năm 2015 khả quan là gần 15%, đạt tổng cộng hơn 31.300 tỷ đồng (theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm).
Lý giải về kết quả khá ấn tượng kể trên, lãnh đạo MIC cho biết, đó là nhờ việc quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp kinh doanh quan trọng, đẩy mạnh công tác phát triển kinh doanh, ký hợp tác với PwC Việt Nam trong việc tư vấn xây dựng mô hình tổ chức KPI, cùng với đó là mở rộng mạng lưới và kênh phân phối, cùng nhiều dịch vụ bảo hiểm trải nghiệm cho khách hàng.
Đáng chú ý, doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tăng trưởng hơn 131%, bảo hiểm hàng hải tăng 139%, bảo hiểm tài sản kỹ thuật tăng 119%, bảo hiểm con người tăng 128%, doanh thu bancassurance tăng hơn 36% so với năm 2014.
Không chỉ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc và vươn lên vị trí 6, lợi nhuận năm 2015 của MIC cũng tăng trưởng 32% so với năm 2014, đạt trên 50 tỷ đồng và là DNBH nhiều năm liền có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc.
Ghi nhận từ VASS cho thấy, con số tăng trưởng ngoạn mục tới hơn 160% kể trên đến từ sự quyết tâm cao của toàn hệ thống, kiện toàn bộ máy tổ chức, cũng như các chính sách bán hàng hợp lý.
Thực tế cho thấy, những cuộc đổi ngôi giữa các DNBH trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ là chuyện bình thường. Ngay ở hai vị trí dẫn đầu cũng thường có sự thay đổi, nhưng năm 2015 là năm thứ 2 liên tiếp PVI dẫn đầu thị trường với hơn 6.600 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc.
Trong năm 2016, câu chuyện đổi ngôi được dự báo sẽ vẫn có diễn biến mới, khi mà các DNBH hàng đầu tiếp tục lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu cao ở mức 2 con số và về đích vượt kế hoạch đề ra, trong khi số khác vẫn ậm ạch qua nhiều năm và chủ yếu tập trung vào mục tiêu làm sao có lãi.
Vị trí thứ 3 được dự báo sẽ là cuộc cạnh tranh đáng chú ý giữa Bảo Minh (BMI) và PTI, khi mà hai vị trí đầu tiên hiện đang được nắm giữ khá chắc bởi Bảo hiểm PVI và Bảo hiểm Bảo Việt do khoảng cách về doanh thu so với 2 vị trí đầu là khá xa.
Năm 2016, PTI đặt mục tiêu doanh thu bảo hiểm gốc tăng 23%, tương đương 2.930 tỷ đồng, trong khi BMI vẫn quyết tâm giữ vị trí thứ 3 như hiện tại, với tổng doanh thu mục tiêu đạt 3.600 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm trước. Giả sử PTI hoàn thành vượt mức kế hoạch, BMI tăng trưởng chậm lại thì kịch bản trên nhiều khả năng sẽ xảy ra.
Hay như vị trí thứ 6 vẫn chưa hẳn “chắc chân” đối với MIC khi trong năm 2016, các doanh nghiệp đứng sau là BIC và VASS đang tràn đầy khí thế với quyết tâm tăng trưởng cao, bên cạnh mục tiêu hiệu quả.