Trong “cuộc chiến” giảm phí, mở rộng điều khoản, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài luôn không cân sức với doanh nghiệp nội địa.
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, gần 67% thị phần bảo hiểm xe cơ giới năm 2015 nằm trong tay các công ty bảo hiểm bao gồm Bảo Việt, Bảo Minh, PTI, PVI và PJICO. Hơn 20 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác chia nhau hơn 30% thị phần còn lại. Các chuyên gia ngành bảo hiểm cho rằng, trong các nghiệp vụ bảo hiểm, bảo hiểm xe cơ giới vẫn luôn là mảng có tỷ trọng lớn nhất và tiềm năng tăng trưởng bền vững nhất.
Theo đó, đây là sản phẩm bảo hiểm với các điều khoản đơn giản, nội dung cơ bản nên các đại lý dễ bán hàng. Ngoài ra, do số lượng khách hàng lớn nên các công ty bảo hiểm có khả năng ước tính tỷ lệ tổn thất tốt hơn đối với các nghiệp vụ khác. Chính vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm muốn tăng trưởng nhanh thì phải khai thác sản phẩm này.
Trong các nghiệp vụ bảo hiểm, bảo hiểm xe cơ giới vẫn luôn là mảng có tỷ trọng lớn nhất và tiềm năng tăng trưởng bền vững nhất.
Bên cạnh hoa hồng đại lý, mấu chốt chính trong việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm để phát triển bảo hiểm xe cơ giới chính là mức phí và chất lượng dịch vụ sau bán hàng. Để có mức phí thấp, cần phải quản lý chi phí tốt, trong đó bao gồm: khả năng giám định tổn thất, kỹ năng thương lượng với khách hàng và garage, việc lựa chọn garage sửa chữa và phụ tùng thay thế, khả năng phòng tránh trục lợi bảo hiểm từ nhiều hướng (khách hàng, garage, đại lý và nhân viên).
Các công ty bảo hiểm nước ngoài thường muốn cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, họ chưa thành công trong mảng bảo hiểm xe cơ giới là bởi họ khó có thể cạnh tranh về hoa hồng hay mức phí với các công ty bảo hiểm nội địa. Điều này cũng khiến DN bảo hiểm nước ngoài thiếu tính thu hút đối với các đại lý bảo hiểm, đặc biệt là những nhân viên bán xe ô tô và các nhân viên tín dụng.
Đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thừa nhận, với những quy định và kiểm soát nghiêm ngặt từ công ty mẹ liên quan đến việc tuân thủ, các công ty nước ngoài không thể, cũng như không dám xé rào cạnh tranh về hoa hồng hay giảm phí bảo hiểm. Điều này khiến họ khó có thể tăng trưởng doanh thu một cách nhanh chóng. Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không có mạng lưới nhân viên giám định tổn thất đông đảo hay khả năng “biến hóa” như các công ty trong nước nên khó có thể quản lý chi phí bồi thường tốt như mong muốn.
“Vậy nên, nếu không giải được những bài toán hóc búa này thì việc phải rút khỏi mảng bảo hiểm xe cơ giới cũng là chuyện đương nhiên”, vị đại diện trên cho biết.
Hơn 2 năm trước, khi thay đổi thương hiệu, một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đang mạnh về bán buôn tuyên bố sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường bán lẻ với mảng bảo hiểm xe cơ giới. Khi đó, thị trường chờ đợi một làn gió mới thổi vào phân khúc bảo hiểm xe cơ giới vốn chỉ quen mặt với một số thương hiệu. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường bảo hiểm xe cơ giới, có lẽ mục tiêu của thương hiệu trên đã không thành công như mong đợi.
Về mặt lý thuyết, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới luôn được xem là mảng nghiệp vụ “màu mỡ”, bởi nó không chỉ dễ khai thác, có tiềm năng doanh thu rất lớn mà còn là nghiệp vụ đang đem lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Chính vì thế, đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang đổ xô khai thác thị trường này. Tuy nhiên, sau một thời gian, số doanh nghiệp phải bỏ cuộc không hiếm, những doanh nghiệp quyết tâm với mảng này vẫn tiếp tục phải đầu tư và cân đối để tránh cảnh chịu thua lỗ.
Thực tế, để đầu tư thành công vào nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải đáp ứng đồng thời 3 yếu tố then chốt: mức phí hợp lý để đảm bảo cạnh tranh, mạng lưới dịch vụ đủ rộng để có thể đáp ứng các yêu cầu của khách hàng và đặc biệt, số lượng khách hàng phải lớn để có thể bù đắp các khoản chi phí đầu tư ban đầu, chi phí bồi thường.
“Quá trình đầu tư phát triển bảo hiểm xe cơ giới là một quá trình đầu tư dài hơi nên bắt buộc các doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn các nguồn lực”, đại diện PTI nhìn nhận.