Bảo hiểm cơ giới và những bước chuyển

(ĐTCK) Như Báo ĐTCK đã thông tin, bắt đầu từ tháng 5/2015, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô được các DN bảo hiểm phi nhân thọ điều chỉnh theo quy định mới của Bộ Tài chính.
Việc tăng mức trách nhiệm bảo hiểm tai nạn được nhiều DN đồng tình
Việc tăng mức trách nhiệm bảo hiểm tai nạn được nhiều DN đồng tình

Dù chưa có thống kê chính thức, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, việc khai thác khách hàng mới được đại lý báo về cho các DN bắt đầu có những khó khăn nhất định vì khách hàng phản ứng mức phí mới.

Thực tế, những vấn đề này cũng đã được các DN bảo hiểm dự đoán trước khi quy định điều chỉnh biểu phí chính thức được thực thi. Khách hàng có thể có những dao động nhất định, nhưng theo các DN bảo hiểm, đây không phải là điều quá lo lắng vì quy định được áp dụng chung cho các DN triển khai bảo hiểm xe cơ giới. Nếu các công ty đều thực hiện nghiêm túc quy định của cơ quan chức năng thì thị trường sẽ sớm đi vào ổn định.

Tuy nhiên, điều các DN bảo hiểm thực hiện nghiêm túc quy định mới e ngại nhất là sẽ có một vài DN “phá rào” bằng nhiều cách khác nhau có thể xảy ra.

Theo phản ánh của một vài DN được đại lý báo về, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh này đã bắt đầu xảy ra, đã có đại lý của công ty bảo hiểm bán phá giá bằng nhiều hình thức khác nhau. Hiện các công ty vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường trước khi đưa ra những phản ứng chính thức cũng như phản ánh với cơ quan chức năng.

Không chỉ có thay đổi là áp dụng mức phí mới cho bảo hiểm vật chất xe, năm 2015 có thể coi là năm có nhiều biến chuyển của bảo hiểm xe cơ giới.

Được biết, tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh triển khai chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới” được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 5 vừa qua cũng có nhiều ý kiến đề xuất với các cơ quan chức năng nên tăng mức trách nhiệm đối với thiệt hại về người lên 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn để đảm bảo khả năng chi trả viện phí; đối với những vụ tổn thất nhỏ (dưới 30 triệu đồng) nên để DN bảo hiểm và khách hàng tự giải quyết mà không cần xác nhận của cơ quan công an để giảm thời gian bồi thường, hỗ trợ khách hàng nhanh chóng….

Theo quy định hiện tại, mức trách nhiệm đối với thiệt hại về người là 70 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn; mức trách nhiệm đối với thiệt hại về tài sản là 40 triệu đồng/1 vụ tai nạn do xe mô tô, xe máy gây ra và 70 triệu đồng/1 vụ tai nạn do xe ô tô  gây ra. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, mức bồi thường quá khiêm tốn so với điều kiện giá cả chi phí thuốc men viện phí…

Mức bồi thường này cần phải được tăng cao hơn mới có thể phần nào bù đắp những tổn thất của người tham gia giao thông chẳng may gặp tai nạn.

Trao đổi với ĐTCK về ý kiến nên tăng mức trách nhiệm đối với thiệt hại về người đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, đại diện một DN bảo hiểm phi nhân thọ nói rằng, cũng đã đến lúc cần tăng lên và có thể còn phải tăng lên cao hơn nữa trong thời gian tới, chứ bồi thường như mức quy định hiện nay là quá thấp.

Thực tế, ở nhiều nước trên thế giới, sản phẩm này không có giới hạn bồi thường tối đa mà do tòa án quyết định, chẳng hạn dựa trên chi phí y tế thực tế và thu nhập bị mất đi do nạn nhân bị thương hay qua đời. Ở Việt Nam, hiện tại chưa thể thực hiện được như vậy, nên ý kiến tăng mức trách nhiệm đối với thiệt hại về người có vẻ khả thi hơn.

“Tất nhiên, nếu nâng mức trách nhiệm lên thì khả năng các DN bảo hiểm cũng sẽ phải tăng phí bảo hiểm - tuy nhiên không nhất thiết phải tăng phí tương đương như mức tăng của trách nhiệm tối đa, bởi vì tỷ lệ tổn thất của sản phẩm này là dưới 50%, nhưng các loại chi phí khai thác cũng nhiều”, vị đại diện trên chia sẻ.

Trao đổi với ĐTCK, đề xuất tăng mức trách nhiệm bồi thường (nếu có tăng phí bảo hiểm) được nhiều DN bảo hiểm đồng tình. Tuy nhiên, về ý kiến đối với những vụ tổn thất nhỏ (dưới 30 triệu đồng) nên để DN bảo hiểm và khách hàng tự giải quyết không cần xác nhận của cơ quan công an để giảm thời gian bồi thường, hỗ trợ khách hàng nhanh chóng…., đại diện một DN bảo hiểm e ngại việc khó khả thi và có thể vô tình làm tăng tình trạng trục lợi bảo hiểm.

“Phải thống kê lại lịch sử bồi thường có bao nhiêu vụ bồi thường dưới 30 triệu đồng, bởi đây không phải số tiền nhỏ (nếu nhiều vụ như vậy xảy ra). DN bảo hiểm ủng hộ việc giảm bớt các thủ tục để người bị tai nạn nhận bồi thường nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc cái lợi và cái hại”, vị đại diện trên nhìn nhận.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục