Cụ thể, viện phí cho các ca phẫu thuật, thủ thuật sẽ tăng thêm so với hiện hành từ 300.000 - 1,5 triệu đồng/ca, tiền khám thông thường sẽ tăng 3-4 lần so với hiện hành, tiền ngày giường sẽ tăng 1,5 lần…
Dù mức viện phí này trước mắt sẽ chỉ áp dụng với nhóm bệnh nhân bảo hiểm y tế, còn thời điểm áp dụng cho nhóm bệnh nhân không có bảo hiểm sẽ được xem xét quyết định sau, nhưng có thể chắc chắn rằng, việc tăng viện phí chung là không thể tránh khỏi.
Chính vì thế mà việc nghiên cứu tìm ra một giải pháp cho vấn đề viện phí đang là mối quan tâm của nhiều người. Nhiều dự báo được đưa ra rằng, sẽ có nhiều người tìm tới các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe tự nguyện, như một giải pháp “đảm bảo tài chính” nếu sức khỏe bản thân gặp vấn đề.
Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như vậy. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, thông tin tăng viện phí theo ghi nhận đang khiến các loại hình bảo hiểm sức khỏe được quan tâm hơn, nhưng “có lẽ sẽ không có hiện tượng doanh thu phí bảo hiểm của sản phẩm này tăng đột biến”.
Theo lý giải của vị lãnh đạo này, bảo hiểm sức khỏe mặc dù là nghiệp vụ có doanh thu phí chỉ xếp thứ hai sau bảo hiểm cơ giới, nhưng khách hàng mua bảo hiểm sức khỏe khá đặc thù là tầng lớp có thu nhập trung bình, khá trở lên.
“Khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm sức khỏe để được sử dụng dịch vụ chất lượng cao ở những bệnh viện tư. Trong khi đó, chi phí tăng viện phí chủ yếu cho những bệnh viện công”, vị lãnh đạo này lý giải về mức độ tác động không lớn của việc tăng viện phí tới nhu cầu khách hàng mua bảo hiểm sức khỏe.
Việc dự báo doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe không tăng, ngoài nguyên nhân từ phía khách hàng, còn có nguyên nhân từ sự thận trọng trong bán hàng của các công ty bảo hiểm.
“Chúng tôi chủ yếu bán cho khách hàng doanh nghiệp và qua môi giới. Tất nhiên, bảo hiểm sức khỏe vẫn được triển khai cho khách hàng cá nhân, nhưng thực tế, tỷ lệ trục lợi khá cao. Bán phí thấp thì e ngại trục lợi, trong khi bán phí cao thì không nhiều khách hàng tham gia, nên sẽ không đảm bảo nguyên tắc số đông bù số ít”, đại diện doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ.
Nhu cầu sẽ tăng theo thời gian
Dù luôn có những lo ngại về tình trạng trục lợi trong sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, nhưng các doanh nghiệp cũng phải nhìn nhận đây luôn là sản phẩm bảo hiểm nhận được sự quan tâm và bán tốt nhất, không chỉ đối với bảo hiểm phi nhân thọ.
“Sản phẩm bảo hiểm liên quan đến vấn đề chi phí sức khỏe và nằm viện luôn là những sản phẩm bán chạy nhất. Đặc biệt là những sản phẩm bảo hiểm liên quan đến bệnh hiểm nghèo”, đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về xu hướng phát triển các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong thời gian tới, lãnh đạo cấp cao một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thị phần lớn trên thị trường nói rằng, ở Việt Nam hiện nay, cùng với giáo dục thì y tế đang vấn đề người dân rất quan tâm.
“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và sẽ cho ra đời những sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đáp ứng nhu cầu cao cấp, đặc biệt hơn của khách hàng.Thu nhập tăng thì nhu cầu về các dịch vụ của người dân cũng tăng cao hơn”, vị lãnh đạo trên cho biết. Tất nhiên, cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, trục lợi bảo hiểm cũng luôn là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Chính vì thế, dù nhu cầu bảo hiểm và cơ hội để có sự tăng trưởng về doanh thu phí trong phân khúc bảo hiểm sức khỏe có tăng nhiều hơn, thì việc phát triển đưa ra thị trường những sản phẩm thuộc phân khúc này cũng vẫn phải được các công ty bảo hiểm nghiên cứu và tính toán rất kỹ lưỡng.
“Khi quyết định phát triển bất cứ sản phẩm nào, chúng tôi đều cân nhắc rất kỹ khả năng của đội ngũ đại lý và lợi ích của khách hàng, cũng như công ty phải duy trì được khả năng tài chính…”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chia sẻ và nói rằng, công ty ông sẽ tiếp tục tập trung phát triển mạnh những sản phẩm bảo hiểm có các quyền lợi về sức khỏe và y tế, đồng thời liên kết với những bệnh viện, trung tâm y tế hiện đại bởi nhận thấy nhu cầu cần được đáp ứng những dịch vụ y tế tốt và chất lượng ngày càng tăng cao.