Chữa bệnh xuyên quốc gia
“Mở hàng” cho hoạt động tích cực này trong năm 2016, Tổng công ty Bảo hiểm PVI (PVI) vừa chọn hệ thống bệnh viện Ramsay Sime Darby (RSD) ở Malaysia để ký thoả thuận hợp tác bảo lãnh viện phí, thời hạn 4 năm kể từ ngày 01/01/2016. RSD hiện đang quản lý 3 bệnh viện lớn và có uy tín lâu năm tại nước này.
Các bệnh viện Malaysia này sẽ là một phần trong mạng lưới bảo lãnh viện phí của PVI, với cam kết người mua bảo hiểm sẽ được hưởng dịch vụ y tế đạt chuẩn quốc tế. PVI cũng là một trong số ít doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường tiên phong trong việc ký bảo lãnh trực tiếp với các bệnh viện tại Malaysia, đồng thời là bệnh viện đầu tiên tại nước ngoài mà doanh nghiệp này hợp tác bảo lãnh viện phí.
Đây là một giải pháp chăm sóc y tế tốt cho người dân Việt Nam khi làm việc, đi du lịch hoặc chữa bệnh ở nước ngoài, bởi trước PVI thì không nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo lãnh viện phí xuyên biên giới. Ngay cả doanh nghiệp có mảng bảo hiểm sức khỏe lớn là Bảo hiểm Bảo Việt cũng mới cung cấp được một số ít địa bàn ngoài Việt Nam như Hongkong, Thái Lan, Singapore.
Quay lại với trường hợp của PVI, đại diện doanh nghiệp này cho biết, sau hợp đồng vừa ký nêu trên, PVI đang tiếp tục đàm phán để mở rộng mạng lưới cơ sở y tế hợp tác bảo lãnh viện phí sang các nước khác trong khu vực như Singapore hay Thái Lan.
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, nhu cầu khám chữa bệnh của một bộ phận người dân Việt Nam ở nước ngoài là khá lớn do khả năng cung cấp dịch vụ y tế ở một số lĩnh vực tốt hơn các cơ sở trong nước. Chẳng hạn, Malaysia và Singapore được biết đến với khả năng khám chữa các bệnh như tim mạch, ung thư; Thái Lan là khả năng điều trị vô sinh, chỉnh hình, nhãn khoa, nha khoa; Hàn Quốc nổi tiếng với dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.
Do vậy, việc chấp nhận bảo lãnh viện phí sẽ giảm rất nhiều thủ tục thanh toán cho người bệnh khi sử dụng dịch vụ y tế ở nước ngoài.
Chưa đại trà
Các thống kê cho thấy, ngày càng nhiều bệnh nhân từ Việt Nam sang các nước trong khu vực để chăm sóc sức khỏe. Về hình thức cũng khá đa dạng, không chỉ sang chữa bệnh thuần túy, mà hiện tại đang phát triển thêm xu hướng tham quan, nghỉ dưỡng kết hợp với điều trị hay phẫu thuật. Du lịch nghỉ ngơi kết hợp với các bài kiểm tra sức khỏe, an dưỡng, điều trị có thể khiến quá trình chữa bệnh bớt nặng nề hơn…
Trong khu vực Đông Nam Á, hai nước là Singapore và Thái Lan đang khá thành công với loại hình này. Vài năm trở lại đây, Malaysia nổi lên như một quốc gia tích cực thúc đẩy du lịch y tế với lượng khách ngày một gia tăng. Sức hút của Malaysia, chi phí dành cho việc điều trị, an dưỡng khá “dễ chịu”, dịch vụ y tế được chuyên nghiệp hóa như một ngành kinh doanh cần thu hút khách hàng, nên đây là địa chỉ khá cạnh tranh với Thái Lan và Singapore, hay các nước khác trong khu vực. Ở Malaysia, mỗi bác sĩ hay y tá đều được đào tạo như một nhân viên chăm sóc khách hàng.
Tất nhiên, với người dân Việt Nam, không phải ai cũng có khả năng sử dụng các dịch vụ y tế xuyên quốc gia. Xu hướng này còn khá mới mẻ với số đông người dân và chủ yếu được lựa chọn bởi những người có điều kiện kinh tế khá. Ngoài ra, việc bất đồng ngôn ngữ cũng là một rào cản khi tìm hiểu về dịch vụ khám chữa bệnh ở nước ngoài.
Một chi tiết cần phải lưu tâm với người sử dụng dịch vụ y tế xuyên quốc gia dù đã mua bảo hiểm (và được bảo lãnh viện phí), đó là chi phí. Mặc dù dịch vụ y tế tại các nước trong khu vực có thấp hơn một số quốc gia khác, song vẫn ở mức cao so với mức sống trung bình của người dân Việt Nam. Việc sử dụng bảo hiểm y tế giúp giảm chi phí này, nhưng phí bảo hiểm cũng sẽ cao hơn các gói bảo hiểm sức khỏe thông thường.
Theo các công ty bảo hiểm, dù có những hạn chế như trên, nhưng việc hợp tác với các bệnh viện nước ngoài sẽ tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho khách hàng Việt Nam. Bản thân các gói bảo hiểm hiện cũng được thiết kế khá đa dạng để phù hợp cho từng yêu cầu chăm sóc sức khỏe, theo mức phí từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.