Bảo hiểm cháy nổ lại nóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bảo hiểm cháy nổ là loại hình bảo hiểm bắt buộc với nhiều doanh nghiệp, nhưng liên tiếp các vụ cháy vừa qua vẫn chưa thấy tên nhà bảo hiểm nào được nhắc tới.
Không dễ mua bảo hiểm cho dịch vụ có rủi ro cao. Ảnh: Dũng Minh Không dễ mua bảo hiểm cho dịch vụ có rủi ro cao. Ảnh: Dũng Minh

Bảo hiểm có quyền từ chối bán

Các dịch vụ kinh doanh karaoke là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần phải mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 - Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và Khoản 1, Điều 1 - Nghị định 97/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 23/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, do điều kiện phòng cháy chữa cháy thực tế của đa phần cơ sở kinh doanh karaoke còn nhiều bất cập nên loại hình kinh doanh này không dễ mua được bảo hiểm cháy nổ từ các công ty bảo hiểm.

Khi vụ cháy gây rúng động tại quán karaoke ở An Phú, Bình Dương xảy ra vào tối ngày 6/9/2022, một trong những câu hỏi được quan tâm là hãng bảo hiểm nào bán bảo hiểm cháy nổ cho cơ sở kinh doanh này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, chưa có công ty bảo hiểm nào lên tiếng tính đến thời điểm này.

“Không phải dễ dàng có thể mua được bảo hiểm cháy nổ nếu không đáp ứng đủ các điều kiện khắt khe về phòng cháy chữa cháy”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói, đồng thời cho hay, nếu cơ sở kinh doanh karaoke trên đã mua bảo hiểm cháy nổ và khi cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân của vụ cháy thuộc trường hợp được bồi thường theo hợp đồng, không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thì việc bồi thường cho người bị thiệt hại trước tiên sẽ do công ty bảo hiểm chi trả theo quy định tại Chương II - Nghị định 23/2018, trong hợp đồng bảo hiểm sẽ quy định cụ thể trường hợp nào được bảo hiểm. Sau đó, tiếp tục xem xét việc bồi thường của cơ sở kinh doanh karaoke đối với các thiệt hại nằm ngoài phạm vi chi trả của công ty bảo hiểm. Còn trong trường hợp công ty bảo hiểm từ chối chi trả hoặc cơ sở kinh doanh karaoke không mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định thì cơ sở kinh doanh karaoke phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Nghị định 23/2018 quy định, các cơ quan, tổ chức và cá nhân sở hữu các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ đều phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ này. Các cơ sở kinh doanh thuộc diện này có thể kể tới đó là các học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường dạy nghề, trường phổ thông và trung tâm giáo dục có khối lớp học có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc có sức chứa từ 300 chỗ ngồi trở lên; nhà thi đấu thể thao trong nhà có thiết kế từ 200 chỗ ngồi trở lên; sân vận động có sức chứa từ 5.000 chỗ ngồi trở lên; vũ trường, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đông người có khối tích từ 1.500 m3 trở lên; công trình công cộng khác có khối tích từ 1.000 m3 trở lên...

Tuy nhiên, cũng theo nghị định này, công ty bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy nổ khi cơ sở kinh doanh chưa có nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định pháp luật; cơ sở kinh doanh không có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đã quá 1 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; cơ sở kinh doanh đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Tiếp tục siết chặt các nghiệp vụ rủi ro cao

Đã qua rồi thời kỳ chạy đua tăng trưởng bảo hiểm bất chấp để rồi nhận về tỷ lệ bồi thường cao quá nửa số tổng doanh thu. Những năm gần đây, để giảm tỷ lệ bồi thường, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đều rất thận trọng với các nghiệp vụ có tỷ lệ rủi ro cao.

Ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Bảo hiểm BIDV (BIC) chia sẻ, mảng bảo hiểm tài sản của BIC năm 2021 ít chịu thiệt hại lớn nhờ các chính sách siết chặt khai thác đối với các nhóm nghiệp vụ có rủi ro cao.

Được biết, những ngành nghề sản xuất gỗ, giấy thuộc nhóm rủi ro Cat 3-4 vì có rủi ro cháy cao. Đây là những nhóm nghiệp vụ các doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra rất gắt gao trước khi cấp đơn bảo hiểm, thậm chí một số doanh nghiệp còn hạn chế cấp đơn cho những nghiệp vụ này.

Ngoài việc từ chối nhận tái tục cấp đơn bảo hiểm mới cho các nhóm nghiệp vụ Cat 4-5, nghiệp vụ cháy nổ có tỷ lệ và tần suất tổn thất cao, một số công ty bảo hiểm còn tăng cường kiểm soát việc tái tục nhóm nghiệp vụ xe cá nhân và xe kinh doanh (taxi, container…), gần đây nhất là kiểm soát chặt việc phát triển và cấp đơn cho bảo hiểm con người (chủ yếu là bảo hiểm sức khỏe) vì tỷ lệ bồi thường bắt đầu tăng trở lại.

Thực tế, bảo hiểm cháy nổ là nghiệp vụ đang mang lại doanh thu hàng ngàn tỷ mỗi năm, nên chủ trương thắt chặt tái tục với những nghiệp vụ có rủi ro và tần suất bồi thường cao như bảo hiểm cháy nổ sẽ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mất đi một nguồn doanh thu đáng kể.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, với các nghiệp vụ rủi ro cao, hầu hết công ty bảo hiểm đều phải đàm phán với nhà tái trước khi nhận bảo hiểm nhằm đảm bảo khi tổn thất không may xảy ra cũng không quá ảnh hưởng đến khả năng tài chính. Tuy nhiên, với những nghiệp vụ rủi ro quá lớn, không doanh nghiệp bảo hiểm nào dám “liều mình” nhận bảo hiểm bởi tỷ lệ bồi thường cao không chỉ ảnh hưởng tới xếp hạng tín nhiệm, mà còn bị nhà tái nâng phí ở những mùa tái tục sau.

Đại diện Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho hay, việc đàm phán hợp đồng tái tục mùa mới với nhà tái sẽ không dễ dàng do ảnh hưởng của vụ bồi thường lớn tàu Âu Lạc (Aulac Fortune) và Vinapco. Được biết, tàu Aulac Fortune gặp sự cố cháy nổ ngày 8/1/2019 gây tổn thất lên tới gần 500 tỷ đồng...

Theo báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong 6 tháng đầu năm 2022, bảo hiểm cháy nổ đạt doanh thu 4.612 tỷ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm tỷ trọng 13,7% trong tổng doanh thu, tỷ lệ bồi thường 21,6%. Trong đó, doanh thu bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt 3.516 tỷ đồng, tăng 26% và chiếm tỷ trọng 10,4%; giá trị bồi thường 612 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ bồi thường 17,4%.

Mặc dù rủi ro cao, nhưng đây cũng là nghiệp vụ có đóng góp doanh thu trọng yếu, nên các doanh nghiệp bảo hiểm luôn muốn tìm giải pháp khơi thông phân khúc này. Dẫu vậy, hiện nay, “nút thắt” mua bảo hiểm cho dịch vụ rủi ro cao như bảo hiểm cháy nổ bắt buộc còn chưa có hướng tháo gỡ, khi bên mua đa phần không đáp ứng được yêu cầu cơ bản về phòng chống cháy nổ hoặc chưa ý thức được trách nhiệm phải mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định, còn bên cung cấp dịch vụ cũng không dám bán cho các cơ sở kinh doanh có nguy cơ cao.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục