Nghị định 79/2014/NÐ-CP ngày 31/7/2014 và Nghị định 23/2018/NÐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ đã quy định rõ, nhà chung cư là một trong những cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, nên phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Ðối với các căn hộ, người mua có thể là chủ sở hữu, người thuê hoặc người được ủy quyền. Còn với những không gian chung như trung tâm thương mại, shop house... thì ban quản lý tòa nhà sẽ là đơn vị đứng ra mua bảo hiểm.
Tuy nhiên, để quy định này thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, đặc biệt là với các chủ căn hộ chung cư, có lẽ sẽ cần nhiều giải pháp và thời gian hơn.
Ghi nhận tại một số chung cư ở Hà Nội và TP.HCM, trừ một số chung cư mà chủ đầu tư đã có ràng buộc rõ ràng trách nhiệm mua bảo hiểm của chủ căn hộ chung cư trong hợp đồng mua bán, tỷ lệ các chủ căn hộ mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là rất hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu nằm ở ý thức của người dân đối với việc mua bảo hiểm vẫn còn thấp.
Mặc dù đã có nhiều vụ cháy nổ chung cư diễn ra trong những năm gần đây, tuy nhiên, với rất nhiều người dân, tỷ lệ rủi ro đó vẫn chưa đủ thôi thúc họ mua bảo hiểm.
Bên cạnh đó, khác với các doanh nghiệp, tổ chức, việc kiểm tra sự tuân thủ của mỗi chủ căn hộ chung cư đối với việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là vô cùng khó khăn.
Một nguyên nhân phổ biến khác là người dân chưa thực sự hiểu rõ lợi ích của bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Khi mua bảo hiểm, chủ căn hộ chung cư sẽ được bồi thường khi có rủi ro xảy ra với căn hộ theo hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp bảo hiểm.
Ngoài ra, theo Nghị định 23/2018/NÐ-CP, tổng số phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thực tế thu được của các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm tài chính trước liền kề sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm trích nộp 1% vào ngân sách nhà nước để phục vụ cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy như hỗ trợ trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy và bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; hỗ trợ lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trong nhiều hoạt động khác…
Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng, tỷ lệ phí của bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc còn tương đối cao so với các sản phẩm bảo hiểm tự nguyện nhà của các doanh nghiệp bảo hiểm (với mức quyền lợi tương đương).
Thời gian qua, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã điều chỉnh giảm mức phí này, nhưng đồng thời thu hẹp quyền lợi bảo hiểm.
Chính vì thế, cơ quan quản lý nhà nước nên nghiên cứu, xem xét để tối ưu hóa phí bảo hiểm, hoặc cho phép các tổ chức, cá nhân mua các sản phẩm bảo hiểm tự nguyện với mức quyền lợi tương đương.
Thực tế, trước khi có quy định mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, đã có những ý kiến liên quan đến mua bảo hiểm cháy, nổ với từng đối tượng cụ thể.
Chẳng hạn, nên bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm cháy, nổ đối với mọi tài sản, mà chỉ nên bắt buộc đối với các tài sản của Nhà nước để không phải dùng ngân sách nhà nước khôi phục, bù đắp khi rủi ro xảy ra, còn tài sản của cá nhân thì phải tự chịu trách nhiệm.
Tương tự, tài sản của doanh nghiệp được gắn liền với trách nhiệm của người được giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản đó…, nên cần bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với các hoạt động kinh doanh.
Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, quan trọng nhất vẫn là khâu tuyên truyền để cả người dân và doanh nghiệp hiểu rõ các quyền lợi của những loại hình sản phẩm, cũng như ý thức phòng ngừa rủi ro cháy, nổ.
Bởi lẽ, mục đích của bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là đề phòng rủi ro cho tài sản người khác, chứ không chỉ tài sản của doanh nghiệp.
“Quy định bắt buộc chỉ nhằm đảm bảo quyền lợi chung cho các bên, nhiều sản phẩm bảo hiểm dù quy định bắt buộc phải mua, nhưng thực tế việc tham gia vẫn còn hạn chế vì khó giám sát. Tuy nhiên, vẫn có những hộ dân hay doanh nghiệp mua bảo hiểm vì hiểu rõ quyền lợi và ý thức phòng ngừa rủi ro cao, chứ không phải mua để đối phó”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.