Áp lực lạm phát gián tiếp làm tăng lãi suất huy động

0:00 / 0:00
0:00
Ông Trịnh Bằng Vũ cho rằng, các yếu tố bên ngoài sẽ tác động tiêu cực đến lạm phát trong nước, gián tiếp làm tăng lãi suất huy động khi cầu vốn trở lại.

Cầu vốn của khách hàng tăng trở lại trong quý I/2022 khi tín dụng toàn ngành tăng trưởng, trong đó có khách hàng cá nhân. Theo ông, liệu tín dụng cho vay cá nhân có tiếp tục gia tăng trong những tháng tới khi thị trường mở rộng cửa?

Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Cho vay khách hàng cá nhân (Ngân hàng Shinhan Việt Nam)

Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Cho vay khách hàng cá nhân (Ngân hàng Shinhan Việt Nam)

Tín dụng cá nhân sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng tới trên cơ sở các nhu cầu về vay vốn tiêu dùng, mua xe, mua và sửa chữa nhà… của người dân được dự báo tiếp tục tăng trong các tháng còn lại của năm.

Tác động từ các yếu tố bên ngoài cũng như áp lực lạm phát trong nước có tác động lên lãi suất (cả huy động và cho vay) trong thời gian tới?

Nền kinh tế Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có độ mở cao, nên những biến động bên ngoài (như nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng nhập khẩu tăng giá, vấn đề đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng…) sẽ tác động nhất định đến cung - cầu ngoại tệ và tỷ giá hối đoái, chứ không tác động nhiều đến lãi suất.

Tuy nhiên, biến động tăng giá của các yếu tố bên ngoài (như xăng dầu) sẽ tác động tiêu cực đến lạm phát trong nước, theo đó, sẽ gián tiếp làm tăng lãi suất huy động do cơ chế lãi suất thực dương, từ đó sẽ làm tăng lãi suất cho vay.

Nhận định của ông về xu hướng lãi suất cho vay cá nhân (để mua xe, nhà, tiêu dùng) trong quý II/2022 cũng như trong nửa cuối năm nay?

Nói chung, tùy vào mỗi thời điểm, lãi suất cho vay cá nhân của các ngân hàng có xu hướng tăng hoặc giảm phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào như chi phí vốn, chi phí vận hành, chi phí quản lý… và các yếu tố đầu ra như lợi nhuận mục tiêu, trần tăng trưởng tín dụng...

Hiện nay, nhiều yếu tố đầu vào của các ngân hàng có xu hướng tăng như lãi suất huy động, chi phí quản lý, vận hành… Trong khi đó, áp lực về lợi nhuận và cơ chế trần tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước vẫn không thay đổi, nên lãi suất cho vay cá nhân có xu hướng tăng trong các tháng còn lại của năm.

Các ngân hàng đều đẩy mạnh tín dụng nhỏ lẻ (cho vay mua nhà, xe, tiêu dùng...), vì biên lãi ròng cao. Theo ông, tiêu chí được khách hàng cá nhân lựa chọn vay trong lúc này là thước đo về lãi suất, phụ phí hay chất lượng dịch vụ?

Theo tôi, khách hàng dựa vào tất cả các tiêu chí nói trên, nhưng có thể có sự khác nhau về mức độ ưu tiên tại mỗi tiêu chí, tùy vào phân khúc khách hàng phân loại theo mức thu nhập bình quân, trình độ, độ tuổi, nghề nghiệp, vùng miền… Tuy nhiên, lãi suất và sau đó là chất lượng dịch vụ vẫn là hai tiêu chí quan trọng nhất, được chú ý nhất.

Vân Linh thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục