Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thường cuối năm cầu vốn của khách hàng tăng so với các quý trước, do đó ngân hàng cũng tăng tốc huy động.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động

Lãi suất huy động bắt đầu tăng

Eximbank vừa tăng 0,1 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và tăng 0,1 - 0,2 %/năm lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng.

Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,5%/năm, trong khi kỳ hạn 6 tháng giảm còn 5%/năm và 9 tháng giảm còn 5,4%/năm.

Trong khi đó, theo biểu lãi suất tiết kiệm chương trình "Rước lộc vàng – Rinh tiền tỷ của, VietBank áp dụng từ ngày 1/11, lãi suất cao nhất là 6,3%/năm cho kỳ hạn từ 15 - 36 tháng. Còn kỳ hạn từ 6 - 12 tháng dao động mức 5,4 - 5,9%/năm; 1 - 3 tháng là 3,9 - 4%/năm.

Đồng thời, để khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm theo chương trình trên, VietBank còn "treo" giải trúng sổ tiết kiệm lên đến 1 tỷ đồng và 100% nhận quà tặng khi gửi tiết kiệm.

Còn nếu khách hàng gửi tiết kiệm online, lãi suất VietBank cao nhất hiện được ghi nhận ở mức là 6,6%/năm và được áp dụng cho các kỳ hạn từ 13 - 36 tháng.

Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm tại VietBank chưa phải là mức cao nhất trên thị trường hiện nay, bởi VietABank đang niêm yết lãi suất tiết kiệm online cao nhất 7%/năm (lãi cuối kỳ) cho kỳ hạn từ 15 - 36 tháng. Còn kỳ hạn từ 6 - 12 tháng dao động 6,2 - 6,7%/năm.

Trong khi đó, nếu khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy, VietABank trả mức lãi suất cao nhất là 6,9%/năm cho kỳ hạn từ 15 - 36 tháng; kỳ hạn 6 - 12 tháng là 6 - 6,5%/năm.

Đối với kỳ hạn ngắn từ 1 - 6 tháng, VietABank trả lãi suất tiết kiệm mức dao động từ 3,75 - 6%/năm gửi tại quầy và 4 - 6,2%/năm nếu gửi online.

Còn tại SCB, lãi suất tiết kiệm cuối kỳ tại quầy cao nhất là 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 - 26 tháng; kỳ hạn 6 - 12 tháng dao động 5,7 - 6,8%/năm. Nếu gửi online được cộng thêm biên độ khoảng 0,5%.

BaoVietBank cũng điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,9%/năm, tăng 0,15%; lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên 6,35%/năm, tăng 0,1%.

Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm tại VietCapitalBank kỳ hạn 1 - 5 tháng khi gửi online, lãi suất 3,85%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng 6,05%/năm. Tương tự kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 6,25%/năm.

Lãi suất huy động kỳ hạn 18 - 60 tháng tại NCB 6,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm 0,15%/năm xuống 6,25%/năm. Các kỳ hạn ngắn khác cũng giảm 0,1-0,15%/năm mới đây. Trong khi đó, kỳ hạn 24 tháng, 18 tháng, lãi suất tăng 0,4 điểm phần trăm lên 6%/năm và 5,9%/năm.

Với Sacombank, khách hàng gửi tại quầy kỳ hạn 36 tháng được hưởng lãi suất ở mức 6,1%/năm, tăng 0,4 điểm phần trăm so với khảo sát hồi đầu tháng 10/2021.

SHB lại tăng lãi suất tiền gửi 0,4%, lên mức 6,1%/năm với kỳ hạn 24 tháng cho các khoản dưới 2 tỷ đồng.

So với khối cổ phần, lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng có vốn nhà nước thấp hơn.

Cụ thể, Vietcombank vừa giảm nhẹ 0,1% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng còn 3%/năm, kỳ hạn 3 tháng xuống 3,3%/năm.

Với kỳ hạn 12 tháng gửi tại quầy, cả Vietcombank, Agribank và BIDV đang có lãi suất cao nhất là 5,5%/năm, trong khi VietinBank nhỉnh hơn một chút, ở mức 5,6%/năm.

Lãi suất cho vay sẽ tăng trở lại?

Theo nhận định của một lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính, trước áp lực lạm phát dự báo tăng trong thời gian tới và cầu về tín dụng sẽ tăng những tháng cuối năm, làm tăng áp lực về nguồn vốn.

Bên cạnh đó, nếu không thể giảm lãi suất huy động mà lại tiếp tục giảm lãi suất cho vay thì ngân hàng cũng không thể giữ được biên lợi nhuận tối thiểu vốn đã “mỏng” hơn nhiều so với trước đây. Do đó, nhiều khả năng lãi suất huy động và cả cho vay sẽ tái tăng trở lại.

Thực tế, dù vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, nhưng trước sức hấp dẫn của các kênh đầu tư khác, trong khi lãi suất gửi tiết kiệm thấp, cùng với ảnh hưởng của Covid, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đang chậm lại.

Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, do tác động của đại dịch Covid-19, vốn huy động của các ngân hàng tăng chậm trong quý III/2021.

Theo đó, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 7/2021 tăng 0,66% so tháng 6; tháng 8 chỉ tăng 0,42% so với tháng tháng 7.

Tính chung trong quý III/2021, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM ước đạt 3,045 triệu tỷ đồng, tăng 1,19% so với cuối quý II/2021 và tăng 4,71% so với cuối năm trước.

Còn theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước , tính đến cuối tháng 8/2021, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng đạt hơn 5,293 triệu tỷ, giảm 1.000 tỷ đồng so với cuối tháng 7/2021.

Từ tháng 3/2021 đến nay, tiền gửi của dân cư tăng trưởng rất thấp, không có tháng nào tăng trên 0,5%, thậm chí có những tháng tăng trưởng âm.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục