Tăng, giảm trái chiều
Giữa tháng 10/2021, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại MB ghi nhận tăng nhẹ 0,05% tại một vài kỳ hạn theo cả hai biểu lãi suất dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức kinh tế.
Lãi suất tiết kiệm tại MB hiện dao động từ 2,5 - 6,9%/năm, tương ứng với tiền gửi có kỳ hạn 1 - 60 tháng. Cụ thể, tại kỳ hạn 1- 5 tháng lãi suất 2,5 - 3,3%năm; 6 - 11 tháng lãi suất 4,3 - 4,7%/năm; 12 - 36 tháng là 4,9 - 6,2%/năm.
Còn biểu lãi suất huy động vốn của Sacombank tại một số kỳ hạn vừa được điều chỉnh khá mạnh, tăng khoảng 0,4% - 0,6%/năm kể từ ngày 19/10.
Khung lãi suất tăng hiện nằm trong khoảng 3,1% - 6,1%/năm dành cho khách hàng cá nhân khi gửi tiền từ kỳ hạn 1- 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Trong khi đó, so với đầu tháng 10, phạm vi lãi suất của ngân hàng chỉ từ 2,7% - 5,7%/năm.
Đáng chú ý, lãi suất đối với kỳ hạn 2 - 5 tháng đã được điều chỉnh lên mức 3,2% - 3,4%/năm, tăng tới 0,6%/năm so đầu tháng 10… Ngoài ra, lãi suất Sacombank dành cho hình thức tiết kiệm online cũng điều chỉnh tăng tại đa số kỳ hạn.
Mức tăng lãi suất dao động trong khoảng từ 0,2 - 0,6%/năm tuỳ kỳ hạn. Đặc biệt sau điều chỉnh, khung lãi suất tiết kiệm online cao hơn tại quầy đến 0,5 điểm phần trăm với các kỳ hạn tương ứng.
Mức lãi suất cao nhất tại Sacombank nay là 6,6%/năm dành cho tiền gửi online có kỳ hạn 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ, tăng khoảng 0,4 điểm phần trăm so với tháng trước đó.
Trong khi đó, tại Eximbank, NCB, Nam A Bank giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng còn 5,1%/năm, 12 tháng còn 5,7%/năm, trên 12 tháng còn 6%/năm kể từ ngày 6/10.
Lãi suất tiết kiệm tại NCB giảm nhẹ từ 0,05 - 0,2% ở hầu hết kỳ hạn cuối tháng 9/2021. Kỳ hạn 3 tháng giảm 3,9%/năm xuống 3,8%/năm; 6 tháng xuống 6,1%/năm, còn kỳ hạn 12 tháng giảm còn 6,35%/năm.
Nam A Bank giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên kể từ ngày 4/10. Kỳ hạn 6 tháng lãi suất tiết kiệm giảm từ 6%/năm xuống còn 5,6%/năm, kỳ hạn 9 tháng giảm từ 6%/năm xuống còn 5,9%/năm.
Kỳ hạn 12 tháng giảm từ 6,2%/năm xuống còn 6,1%/năm, kỳ hạn 36 tháng giảm từ 6,6%/năm xuống còn 5,9%/năm. Mức lãi suất cao nhất được Nam A Bank áp dụng hiện nay là 6,7%/năm cho kỳ hạn từ 13 - 18 tháng. Nam A Bank cũng gia tăng tiện ích cho tiết kiệm online cao hơn tại quầy…
ACB hạ lãi suất ở tất cả các kỳ hạn 0,1%. Cụ thể, kỳ hạn 3 tháng còn 3,3%/năm, kỳ hạn 9-12 tháng ở điều kiện thường lần lượt là 4,9%/năm và 5,6%/năm. Trong khi đó, bốn ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank gần như không có thay đổi lãi suất tiết kiệm.
Một phần, do lãi suất tiết kiệm của 4 ngân hàng có vốn nhà nước vốn dĩ đã giảm xuống mức thấp. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng tại các ngân hàng này vẫn đồng nhất là 3,1%/năm, các kỳ hạn 3 - 6 tháng dao động 3,4 - 4%/năm.
Lãi suất các kỳ hạn dài tại các ngân hàng này vẫn có sự phân nhóm: Vietcombank, BIDV và Agribank giữ nguyên mức lãi suất huy động cao nhất là 5,5%/năm và áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng. Hiện chỉ còn Vietinbank giữ lãi suất kỳ hạn dài cao hơn ba ngân hàng còn lại, là 5,6%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng.
Tiết kiệm chuyển hướng?
Theo Ngân hàng Nhà nước, kể từ tháng 3 đến nay, tiền gửi của dân cư tăng trưởng thấp, thậm chí có những tháng tăng trưởng âm. Tiền gửi của dân cư trong tháng 8 giảm gần 986 tỷ đồng so với cuối tháng 7.
Trong tháng 6/2021, mức tăng trưởng tiền gửi dân cư đã xuống thấp nhất trong 10 năm qua. Trước đó, tăng trưởng tiền gửi đã từng đạt mức rất cao (trên 10%) vào những năm trước.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất tiền gửi hiện nay rất thấp. Theo đó, lãi suất đầu vào của các ngân hàng bình quân hiện nay ước khoảng 5 - 5,5%/năm, nếu lạm phát khoảng 3% thì người gửi tiền mới có lãi suất dương.
Tuy nhiên trong thời gian qua, khi lãi suất mới giảm 0,5 - 1,5%, tăng trưởng tiền gửi đã chậm lại, chỉ còn 4,8% trong khi cùng kỳ năm ngoái là hơn 6%.
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm thấp khiến dòng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng ngày càng chậm lại. Theo Ngân hàng Nhà nước, 8 tháng đầu năm 2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,34% lên hơn 12,7 triệu tỷ đồng.
Trong đó, tiền gửi của khách hàng tại các TCTD tăng 4,17% so với đầu năm lên hơn 10,4 triệu tỷ đồng. Còn tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,293 triệu tỷ đồng; tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt hơn 5,14 triệu tỷ đồng; so với đầu năm lần lượt tăng trưởng 2,95% và 5,46%.
Đặc biệt, so với cuối tháng 7/2021, tiền gửi của dân cư trong tháng 8 sụt giảm gần 1.000 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh hơn 59.000 tỷ đồng.
Trước đó trong tháng 7/2021, người dân cũng chỉ gửi ròng vỏn vẹn 1.250 tỷ đồng vào ngân hàng. Như vậy, trong hai tháng 7 và 8, người dân gần như không gửi thêm tiền vào ngân hàng.
Còn riêng trên địa bàn TP.HCM, tổng huy động vốn trên địa bàn đến cuối tháng 7/2021 tăng 0,66% so tháng 6; tháng 8 chỉ tăng 0,42% so với tháng tháng 7 và tháng 9 ước đạt 3,045 triệu tỷ đồng, tăng 1,19% so với cuối quý II/2021 và tăng 4,71% so với cuối năm trước.
Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng dân cư chiếm 36,8%, chỉ tăng 0,5% so với cuối năm trước; tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân chiếm 54,2%, tăng 5,7% so với cuối năm; phát hành giấy tờ có giá chiếm tỷ trọng 9%, tăng đến 17,85% so với cuối năm trước.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm thì các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản...) tăng và không loại trừ sự dịch chuyển dòng vốn.
Bởi thực tế, nếu so với lợi suất thu về từ các kênh đầu tư khác thì lãi suất tiền gửi hiện thấp hơn nhiều. Vì vậy, để kỳ vọng giảm sâu lãi suất huy động để giảm thêm lãi suất cho vay như kỳ vọng trong thời gian tới là rất khó.
Hiện mức tăng huy động cũng thấp hơn nhiều so với tín dụng, tăng trưởng tín dụng đạt 7,42% trong khi tăng trưởng tiền gửi chỉ ở mức 4,8% cho thấy ảnh hưởng của việc giảm lãi suất tới xu hướng gửi tiền của người dân.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích tài chính của SSI, VCBS lại đưa ra nhận định, mặt bằng lãi suất huy động khả năng sẽ giảm nhẹ và ổn định trong quý IV để giúp ngân hàng có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.