Thực tế, công trái thường có đặc điểm là lãi suất thấp, kỳ hạn dài, vậy ai sẽ là người mua?
Muốn người dân mua công trái ngoại tệ, lãi suất phải hấp dẫn
Theo giới chuyên gia, cơ sở để Bộ Tài chính đưa ra ý tưởng phát hành công bằng ngoại tệ là do lãi suất USD đang rất thấp (0%). Chính vì vậy, nếu phát hành công trái bằng ngoại tệ, chi phí huy động vốn mà Nhà nước bỏ ra thấp hơn nhiều so với công trái nội tệ.
“Phát hành công trái ngoại tệ có nhiều lợi thế, hấp dẫn hơn để huy động ngoại tệ tiền mặt cất giữ trong dân và đang gửi tại ngân hàng. Đó là một nguồn lực lớn Chính phủ có thể huy động để phục hồi kinh tế”, ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.
Một lý do nữa khiến Bộ Tài chính cân nhắc phát hành công trái ngoại tệ là thời gian qua, với chính sách lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%, một lượng tiền gửi vẫn nằm im trong dân. Chính vì vậy, phát hành công trái ngoại tệ là cách để kích hoạt dòng vốn ngoại tệ đang nằm im này.
Tuy vậy, ý tưởng phát hành công trái ngoại tệ của Bộ Tài chính cũng gây ra nhiều tranh cãi, nghi ngờ về tính khả thi.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, tính khả thi của công trái ngoại tệ phụ thuộc rất lớn vào lãi suất và kỳ hạn.
“Hiện vẫn có một bộ phận người dân không gửi USD vào ngân hàng do lãi suất 0%. Nếu công trái ngoại tệ có mức lãi suất hấp dẫn và kỳ hạn công trái chỉ 3-5 năm, thì có thể sẽ thu hút được một lượng nhà đầu tư nhất định. Tuy vậy, nhìn chung, công trái ngoại tệ sẽ không hấp dẫn người dân, xét cả về lãi suất lẫn kỳ hạn”, TS. Nguyễn Đức Độ nhận xét.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trên thực tế, nhiều ngân hàng vẫn phải trả “lãi ngầm” cho người dân để huy động các khoản tiền gửi ngoại tệ lớn. Vì vậy, nếu công trái ngoại tệ có lãi suất xoay quanh 1% là không mấy hấp dẫn so với gửi tiền vào ngân hàng hiện nay, chưa nói đến rủi ro tỷ giá và nhà đầu tư sẽ không mặn mà.
Đương nhiên, Bộ Tài chính sẽ không phát hành công trái ngoại tệ với lãi suất cao vì như vậy có thể làm tình trạng đô-la hóa nền kinh tế quay trở lại. Chưa kể, Bộ Tài chính đang huy động trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp kỷ lục, nên không dại gì huy động công trái ngoại tệ với lãi suất cao.
Ngân hàng sẽ là nhà đầu tư chủ lực về công trái ngoại tệ?
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, trước khi phát hành công trái ngoại tệ, cần phải xác định được đối tượng mua là ai, lãi suất công trái như thế nào.
“Theo tôi, người dân sẽ không quan tâm tới công trái ngoại tệ. Có thể, Bộ Tài chính sẽ nhắm tới ngân hàng thương mại. Hiện nay, ngân hàng thương mại huy động lượng lớn ngoại tệ trong dân và bán cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để được mua với tỷ giá thấp. Do đó, ngân hàng thương mại có thể mua công trái ngoại tệ và sử dụng như một hình thức dự trữ thanh khoản, phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái”, ông Nghĩa nói.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, một đối tượng nữa có thể mua công trái ngoại tệ là NHNN. Theo đó, NHNN thông qua hình thức mua công trái ngoại tệ để bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế.
Trong giai đoạn nền kinh tế đang khủng hoảng, vòng quay đồng tiền giảm mạnh, ngân hàng trung ương phải là đơn vị chính mua công trái, dù công trái nội tệ hay công trái ngoại tệ. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc bơm tiền từ NHNN sẽ không gây ra lo ngại lạm phát. Sau khi kinh tế dần phục hồi, lạm phát có nguy cơ tăng trở lại, NHNN lại bán công trái, hút tiền về.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với phương án phát hành công trái ngoại tệ, Bộ Tài chính nhắm vào người dân hơn là các ngân hàng. Thực tế, dù nhắm tới đối tượng nào, thì phát hành công trái ngoại tệ cũng phải thận trọng, vì có nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Không nên động vào Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia
Ngoài ý tưởng phát hành công trái ngoại tệ của Bộ Tài chính, một số bộ, ngành cũng đề xuất phương án vay tiền từ Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia để triển khai các gói hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy vậy, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, đây là phương án không khả thi, không nên động vào Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia. Lý do là, nếu vay từ quỹ này, Chính phủ lại phải bán ngoại tệ lấy tiền đồng để đầu tư, như vậy không khác gì Chính phủ vay tiền đồng từ NHNN. Chưa kể, việc sử dụng Quỹ cũng phải tuân thủ các quy định chặt chẽ, không thể tùy tiện sử dụng, hao hụt Quỹ có thể ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.