Áp lực lạm phát đè nặng, giới đầu tư bán tháo ồ ạt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall lao dốc trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (16/7), đánh dấu tuần giảm điểm đầu tiên sau chuỗi 3 tuần liên tiếp thắng lớn. Dữ liệu mới nhất cho thấy tâm lý người tiêu dùng bất ổn đã làm lu mờ báo cáo doanh số bán lẻ mạnh mẽ trong ngày cuối tuần.
Áp lực lạm phát đè nặng, giới đầu tư bán tháo ồ ạt

Ngày thứ Sáu khởi đầu tốt đẹp với báo cao doanh số bán lẻ tháng 6 mạnh mẽ. Doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng 0,6% trong tháng 6, cao hơn so với mức dự báo giảm 0,4%, Bộ Thương mại Mỹ cho biết. Không tính doanh số bán ô tô, doanh số bán lẻ của Mỹ tăng 1,3%, gần gấp ba lần so với kỳ vọng của Phố Wall.

Tuy nhiên, dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 6 dường như không làm được gì nhiều để dập tắt những lo ngại leo thang xung quanh lạm phát.

chỉ số niềm tin người tiêu dùng do đại học Michigan khảo sát và công bố giảm xuống mức 80,8 trong tháng 7 từ mức 85,5 của tháng, mức thấp nhất tính từ tháng 2/2021. Theo một cuộc khảo sát của Wall Street Journal, các nhà kinh tế kỳ vọng chỉ số sẽ đạt 86,3.

Cuộc khảo sát trên cho thấy người tiêu dùng ở Mỹ đang chuẩn bị tâm lý cho việc chi phí sinh hoạt tăng 4,8% trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2008. Niềm tin người tiêu dùng giảm sút dường như lấn át những con số lạc quan từ báo cáo về doanh số bán lẻ trong phiên ngày thứ Sáu.

Theo giới quan sát, lạm phát đang gây thêm áp lực lên mức sống, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, đối với các hộ gia đình có thu nhập cao, các khoản chi tiêu lớn cũng bị trì hoãn.

Mặt khác, kết quả kinh doanh lạc quan trong quý II của các doanh nghiệp cũng không thể giúp tâm lý thị trường yên tâm về triển vọng kinh tế hậu đại dịch.

Cũng vào thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc họp trực tuyến cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm phát triển các chiến lược giúp các nền kinh tế phục hồi sau khi trải qua cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra.

Kết thúc phiên 16/7, chỉ số Dow Jones giảm 299,17 điểm (-0,86%), xuống 34.687,85 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 32,87 điểm (-0,75%), xuống 4.327,16 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 115,90 điểm (-0,80%), xuống 14.427,24 điểm.

Kết thúc tuần, Dow Jones giảm 0,52%, S&P 500 giảm 0,97%, Nasdaq Composite giảm 1,87%

Chứng khoán châu Âu tiếp tục lao dốc trong phiên ngày thứ Sáu trong bối cảnh các trường hợp nhiễm Covid-19 do biến thể Delta gây ra ở châu lục này gia tăng mạnh trong những ngày gần gần đây.

Mặt khác, Tổng thống Joe Biden hôm 15/7 cho biết, Mỹ đang xem xét thời điểm có thể dỡ bỏ các hạn chế cho những người đến Mỹ từ các nước châu Âu. Tin tức này đã thúc đẩy cổ phiếu du lịch trong phiên cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 16/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 3,93 điểm (-0,06%), xuống 7.008,09 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 89,35 điểm (-0,57%), xuống 15.540,31. Chỉ số CAC 40 tại giảm 33,28 điểm (-0,51%), xuống 6.460,08 điểm.

Kết thúc tuần, FTSE 100 giảm 1,60%, DAX giảm 0,94%, CAC 40 giảm 1,06%.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm xuống gần mốc quan trọng 28.000 điểm khi cổ phiếu công nghệ suy yếu theo chân sự sụt giảm trên Phố Wall đêm qua.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, song ghi nhận tuần tăng điểm khi các nhà đầu tư hưởng ứng quyết định bất ngờ của ngân hàng trung ương về việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, được thúc đẩy bởi tin tức các công ty sắp niêm yết tại thị trường này sẽ được miễn các rào cản về đánh giá an ninh mạng.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, cũng do ảnh hưởng từ đà suy yếu từ nhóm cổ phiếu công nghệ.

Kết thúc phiên 16/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 276,01 điểm (-0,98%), xuống 28.003,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 25,29 điểm (-0,71%), xuống 3.539,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 8,41 điểm (+0,03%), lên 28.004,68 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 0,28 điểm (-0,28%), xuống 3.276,91 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 tăng 0,22%, Shanghai Composite tăng 0,43%, Hang Seng tăng 2,41%, KOSPI tăng 1,93%.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu giảm khá mạnh do áp lực chốt lời và sức ép từ đồng USD tăng giá, sau khi bà Yanet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cảnh báo lạm phát tại quốc gia này còn tăng mạnh trong các tháng cuối năm 2021.

Kết thúc phiên 16/7, giá vàng giao ngay giảm 17,20 USD (-0,94%), xuống 1.812,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 14,00 USD (-0,77%), xuống 1.815,00 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng nhẹ 0,24%, giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 0,19%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 16 chuyên gia trên phố Wall, có 9 người dự báo vàng sẽ tăng giá, có 3 người nhận định giá vàng giảm và như vậy, 4 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến, với 836 người tham gia, hơn 67% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 17% cho rằng giá vàng giảm và 16% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu ít thay đổi vào thứ Sáu, kết thúc một tuần giao dịch biến động khi dự báo nguồn cung sẽ ngày càng tăng ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng có thể dẫn đến nhu cầu trên thị trường nhiên liệu giảm.

Ả Rập Xê-út và UAE đã đạt được thỏa hiệp vào đầu tuần này, mở đường cho các nhà sản xuất OPEC+ hoàn tất thỏa thuận tăng sản lượng.

Mặt khác, số lượng giàn khoan của Mỹ tiếp tục tăng chậm, chỉ tăng hai giàn trong tuần này lên 380 giàn, song đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, theo Baker Hughes.

Trong khi đó, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng 300.000 thùng/ngày trong hai tuần qua, lên 11,4 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 9/7, mức cao nhất kể từ tháng 5/2020, theo dữ liệu từ chính phủ Mỹ.

Kết thúc phiên 16/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,16 USD (+0,2%), lên 71,81 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,12 USD (+0,2%), lên 73,59 USD/thùng.

Trong tuần, dầu WTI giảm 3,7%, dầu Brent giảm 2,6%.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 -22.67 -1.9% 191,064 tỷ
HNX 226.2 -2.63 -1.16% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 -0.48 -0.55% 623 tỷ