Giới đầu tư hoang mang, bất chấp lời xoa dịu từ Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall trái chiều vào thứ Năm (15/7) khi các nhà đầu tư chưa thể trút bỏ hoàn toàn lo lắng về lạm phát
Giới đầu tư hoang mang, bất chấp lời xoa dịu từ Fed

Thứ Năm, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell bước vào phiên điều trần thứ hai trước Quốc hộ Mỹ.

Ông Powell một lần nữa khẳng định, ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục đánh giá sự phục hồi kinh tế trước khi thay đổi các chính sách tiền tệ và lạm phát tăng chỉ là tạm thời. Chủ tịch Fed cũng nói với các nhà lập pháp tại Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ rằng, ông dự đoán tình trạng thiếu hụt nguồn cung và lạm phát cao sẽ giảm bớt trong thời gian tới.

Bất chấp những lời trấn an từ Fed, có vẻ nhiều nhà đầu tư vẫn lo lắng rằng lạm phát tiếp tục kéo dài có thể dẫn đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.

Trước đó, Chủ tịch Fed trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ vào ngày 14/7 cũng có động thái xoa dịu lo ngại của nhà đầu tư về việc sớm rút lại các chính sách nới lỏng của ngân hàng trung ương, ngay cả khi đang đối mặt với vấn đề lạm phát.

Mặt khác, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 10/7 là 360.000 người, mức thấp nhất trong 16 tháng, tuy nhiên tình trạng thiếu công nhân và tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng vẫn đang là vấn đề lớn trên thị trường lao động Mỹ, Bộ Lao động Mỹ cho biết hôm thứ Năm.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đã bắt đầu vào tuần này với bốn ngân hàng lớn nhất của Mỹ, bao gồm Wells Fargo, Bank of Americ, Citigroup và JPMorgan Chase. 4 ngân hàng trên công bố báo cáo với tổng lợi nhuận vượt bậc, đạt 33 tỷ USD song cũng cảnh báo mức độ nhạy cảm của ngành đối với việc lãi suất thấp.

Cổ phiếu công nghệ là nguyên nhân chính kéo thị trường đi xuống trong phiên đêm qua. Amazon giảm 1,3%, trong khi Alphabet giảm 0,9%, Apple giảm 0,4%, Nvidia giảm 4,4%, Facebook giảm 0,9.

Kết thúc phiên 15/7, chỉ số Dow Jones tăng 53,79 điểm (+0,15%), lên 34.987,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 14,27 điểm (-0,33%), xuống 4.360,03 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 101,82 điểm (-0,70%), xuống 14.543,13 điểm.

Chứng khoán châu Âu trượt dốc trong phiên ngày thứ Năm khi giới đầu tư ngày càng cảnh giác với tình hình dịch bệnh lây lan phức tạp trên khắp khu vực, nhiều nước báo cáo số ca nhiễm mới cao nhất trong vòng nhiều tháng. Ngoài ra, lãi suất trái phiếu tăng cũng cho thấy sự thận trọng của thị trường.

Kết thúc phiên 15/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 79,17 điểm (-1,12%), xuống 7.012,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 159,32 điểm (-1,01%), xuống 15.629,66. Chỉ số CAC 40 tại giảm 65,02 điểm (-0,99%), xuống 6.493,26 điểm.

Tại châu á, chứng khoán Nhật Bản giảm do nhà đầu tư thận trọng trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh và sự gia tăng các trường hợp nhiễm mới Covid-19, trong bổi cảnh chỉ còn một tuần nữa sẽ diễn ra Thế vận hội Tokyo.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng và xe điện, khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực với doanh số bán lẻ tốt hơn dự kiến ​​trong tháng 6.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, được thúc đẩy bởi các ngân hàng và công ty bất động sản trước hy vọng nhận được hỗ trợ chính sách nhiều hơn, sau khi tăng trưởng kinh tế trong quý II không như kỳ vọng.

Chứng khoán Hàn Quốc đã tăng nhờ những phát biểu ôn hòa từ Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Kết thúc phiên 15/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 329,40 điểm (-1,15%), xuống 28.279,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 36,09 điểm (+1,02%), lên 3.564,59 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 208,81 điểm (+0,75%), lên 27.996,27 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 21,41 điểm (+0,66%), lên 3.286,22 điểm.

Giá vàng đêm qua tăng nhẹ trong bối cảnh lãi suất trái phiếu Mỹ giảm, số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu tăng khiến các nhà đầu tư vẫn có xu hướng tìm đến kim loại quý trú ẩn.

Kết thúc phiên 15/7, giá vàng giao ngay tăng 2,10 USD (+0,11%), lên 1.829,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 4,00 USD (+0,22%), lên 1.829,00 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục giảm vào thứ Năm do kỳ vọng nguồn cung dầu tung ra thị trường tăng sau khi có những tín hiệu cho thấy các nước OPEC+ sắp đạt được thoả hiệp nâng sảng sản lượng

Kết thúc phiên 15/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,48 USD (-2,2%), xuống 71,65 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,29 USD (-1,7%), xuống 73,47 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục