Án kinh tế: Khắc phục xong hậu quả chưa phải là hết tội

(ĐTCK) Án lệ số 19 đã xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong tội Tham ô tài sản. Mặc dù bị cáo đã khắc phục số tiền chiếm đoạt, nhưng đây không được coi là tình tiết để miễn truy tố hình sự. 
Án kinh tế: Khắc phục xong hậu quả chưa phải là hết tội

Trong các vụ án kinh tế, giá trị tài sản chiếm đoạt là yếu tố quan trọng, bởi đây là cơ sở để cơ quan tố tụng căn cứ  xác định hậu quả thiệt hại, từ đó quy kết tội phạm và khung hình phạt, quyết định mức án đối với người phạm tội, cũng như trách nhiệm của các bên liên quan. Đây cũng là căn cứ để tòa án truy buộc các bị cáo khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

Với các tội nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, số tiền còn ảnh hưởng trực tiếp đến số phận pháp lý của những đối tượng phạm tội, khi án phạt cao nhất có thể là chung thân hoặc tử hình. Chẳng hạn, với tội danh tham ô tài sản, Bộ luật Hình sự 2015 quy định, giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên, người phạm tội có thể phải chịu mức án phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Do đó, việc xác định giá trị tài sản lâu nay luôn là nội dung gây tranh cãi nhất trong các vụ án kinh tế, đặc biệt là với tội danh tham ô tài sản.

Vừa qua, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành án lệ số 19 xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong tội  danh tham ô tài sản. Theo nội dung vụ án, các bị cáo Phan Thị Q. (kế toán), Võ Thị Kim T. (thủ quỹ) và Võ Thị Ánh N. (giao dịch viên) của phòng giao dịch một ngân hàng thương mại đã lợi dụng sở hở của ngân hàng để rút số tiền hơn 774 triệu đồng. Khoảng năm 2010, giám đốc chi nhánh ngân hàng phát hiện sai phạm của các giao dịch viên nên đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Định. Cơ quan điều tra vào cuộc và xác định, các bị cáo đã lợi dụng sơ hở trong quản lý của ngân hàng, nhiều lần trực tiếp làm thủ tục rút và chi tiền tiết kiệm từ quỹ để chiếm đoạt.

Trong đó, bị cáo Q. có trách nhiệm giao dịch với khách hàng, lập các chứng từ thu, chi tiền, mở sổ theo dõi nhật ký quỹ tiền mặt, hạch toán các khoản thu chi vào chương trình giao dịch trên máy tính, in phát hành sổ tiết kiệm và lập thẻ lưu tiết kiệm. Bị cáo T. có nhiệm vụ quản lý sổ tiết kiệm trắng chưa phát hành cho khách hàng, quản lý việc thu, chi tiền mặt. Hai bị cáo đã trực tiếp chi tiền từ quỹ của phòng giao dịch cho sổ tiết kiệm mang tên người khác tổng cộng 302 triệu đồng, không kiểm tra chứng minh nhân dân của khách hàng để đối chiếu.

Quá trình điều tra cũng làm rõ, bị cáo Võ Thị Ánh N. có hành vi tương tự, rút tổng số tiền 471 triệu đồng. Trong đó, 251 triệu đồng chuyển vào tài khoản bị cáo T., số tiền còn lại (220 triệu đồng) bị cáo đã chi trả cho sổ tiết kiệm khác, nhưng không chứng minh được người nhận tiền. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, bị cáo N. đã khắc phục xong số tiền này, nên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định không truy tố bị cáo về hành vi này.

Với hành vi chiếm đoạt 251 triệu đồng, tòa cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo N. mức án 3 năm tù về tội tham ô tài sản. Bản án phúc thẩm năm 2014 giảm án cho bị cáo, từ 3 năm tù giam thành 3 năm tù cho hưởng án treo.

Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị Giám đốc thẩm, đề nghị hủy 2 bản án trên để điều tra lại. Quyết định Giám đốc thẩm kết luận, số tiền 220 triệu đồng bị cáo đã khắc phục xong, ngân hàng đã thu hồi tiền, nhưng việc không truy tố bị cáo về hành vi này là bỏ lọt tội phạm. Do đó, Hội đồng thẩm phán quyết định hủy bản án phúc thẩm để điều tra lại.  Đây cũng là nội dung của án lệ số 19.

Một số chuyên gia pháp luật cho biết, việc khắc phục toàn bộ hậu quả không được coi là không phạm tội, mà chỉ là tình tiết giảm nhẹ. Đơn cử, trong vụ án Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt 14 tỷ đồng của Công ty cổ phần Bất động sản dầu khí Việt Nam (PVPLand), tòa án xác định phải áp dụng hình phạt cao nhất theo quy định pháp luật, nhưng bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ là khai báo thành khẩn và khắc phục toàn bộ thiệt hại nên tuyên bị cáo mức án chung thân về tội tham ô tài sản.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục