Hủy án, trả án kinh tế nhiều, do đâu?

(ĐTCK) Thực tế cho thấy, tình trạng hủy án để điều tra, xét xử lại từ đầu, hay trả án điều tra bổ sung đối với các vụ án hình sự, dân sự hay kinh tế đều khiến vụ việc bị kéo dài, gây mệt mỏi, tốn kém cho đương sự, mà nguyên nhân phổ biến vẫn do việc thu thập, xử lý chứng cứ và vi phạm tố tụng.
Án kinh tế bị hủy, sửa nhiều một phần do các tranh chấp có tính chất phức tạp như tranh chấp kinh tế có yếu tố nước ngoài, tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất... Án kinh tế bị hủy, sửa nhiều một phần do các tranh chấp có tính chất phức tạp như tranh chấp kinh tế có yếu tố nước ngoài, tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất...

Trong phiên tòa xét xử bị cáo Đoàn Vũ Thanh Nghĩa (sinh năm 1969, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lừa đảo cổ phiếu OTC, các nạn nhân đều thấy “oải” vì theo đuổi tố tụng nhiều năm mà chưa có kết quả, cơ hội đòi lại tiền vẫn như “bóng chim, tăm cá”.

Cơ quan điều tra khởi tố vụ án từ năm 2008. Từ đó đến nay, vụ án nhiều lần được đưa ra xét xử ở các cấp sơ thẩm, phúc thẩm, song đều bị trả hồ sơ. Lần xét xử mới nhất vào ngày 18/10/2016, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiếp tục hủy án để điều tra, xét xử lại do bị cáo tiếp tục kêu oan, bị hại cũng kháng cáo vì cho rằng bỏ lọt tội phạm. Điều này đồng nghĩa với việc vụ án lại trở về vạch xuất phát.

Vụ án lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 130 tỷ đồng tại Dự án Vân Canh do Lê Thị Kim Oanh (hay còn gọi là Oanh “Xã Đàn”, sinh năm 1968, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) sau 7 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, mới đây, vào tháng 3/2017 mới kết thúc ở giai đoạn sơ thẩm.

Ngoài các vụ án trên, có thể kể ra nhiều vụ án kinh tế đáng chú ý khác cũng bị trả hồ sơ nhiều lần như: vụ Nguyễn Đình Bang phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị trả hồ sơ 6 lần để điều tra bổ sung, vụ nguyên Tổng giám đốc Intimex Hà Nội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhiều lần đưa ra xét xử song đều bị hủy án…

Hay như vụ án lừa đảo tại Dự án Thanh Hà Cienco 5, mệt mỏi vì vụ án kéo dài, hàng chục bị hại phải ủy quyền cho 2 đại diện tham gia vào quá trình tố tụng. Sau 7 năm theo đuổi, những khách hàng mua nhà tại dự án này mới “thở phào nhẹ nhõm” trước khả năng thu hồi số tiền đã bỏ ra.

Mới đây, ngày 22/4/2017, Liên ngành Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân hai cấp TP.Hà Nội đã tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa 2 ngành giai đoạn 2013-2016 trong công tác truy tố, xét xử các loại án.

Theo báo cáo cuộc họp, số lượng án hủy vì lỗi tố tụng còn chiếm tỷ lệ lớn vì các lý do như: vi phạm thời hạn gửi bản án, các văn bản tố tụng, thời hạn đưa vụ án ra xét xử… Nguyên nhân khách quan do công tác hướng dẫn văn bản pháp luật chưa rõ ràng. Văn bản trong các lĩnh vực còn nhiều, tản mát, lại thường xuyên sửa đổi, bổ sung, không được cập nhật kịp thời.

Mặt khác, luật không quy định số lần hoãn phiên tòa, hoặc thời hạn hoãn phiên tòa không tính vào thời hạn chuẩn bị xét xử, nên dẫn đến tình trạng hoãn phiên tòa nhiều lần, kéo dài thời gian giải quyết.

Án kinh tế bị hủy, sửa nhiều một phần do các tranh chấp có tính chất phức tạp như: tranh chấp kinh tế có yếu tố nước ngoài, tranh chấp hợp đồng tín dụng có nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, tranh chấp hợp đồng bảo lãnh liên quan đến quyền sử dụng đất...

Nhiều vụ án số người tham gia tố tụng đông, phải thu thập chứng cứ nhiều nơi, nhưng do thời gian giải quyết vụ án ngắn, dẫn tới thiếu sót trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và vi phạm thời hạn giải quyết. Nhiều vụ án, các đương sự cố tình không hợp tác, không cung cấp đầy đủ chứng cứ theo yêu cầu của tòa án…

Luật sư Vũ Ngọc Chi (Giám đốc Công ty luật Tam Anh) cho rằng, nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng án kinh tế bị hủy, trả đến từ việc thu thập, xử lý chứng cứ và vi phạm tố tụng.

Về vi phạm tố tụng, chẳng hạn, Luật Tố tụng dân sự quy định quy trình tống đạt văn bản giấy tờ, nhưng trong nhiều trường hợp, đương sự không nhận được quyết định, tống đạt bị thất lạc, dẫn đến đương sự không thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình. Khi đương sự kháng cáo thì cấp phúc thẩm không thể giải quyết, buộc phải hủy án.

Về chứng cứ, nhiều vụ án hình sự, việc điều tra, xét xử không làm rõ số tiền, vật chứng…, khiến toà phải xử đi xử lại. Mặt khác, tính chất của án kinh tế thường phức tạp, liên quan đến nhiều nơi, phải trưng cầu các đơn vị chuyên môn…, dẫn đến vụ án phát sinh nhiều vấn đề, cần nhiều thời gian giải quyết. 

Tuy nhiên, theo Luật sư Vũ Ngọc Chi, một số quy định của Luật Tố tụng dân sự 2015 đã bổ sung, khắc phục một số vấn đề trên, chẳng hạn: lồng ghép quy trình tiếp cận, công khai chứng cứ, hòa giải, không chấp nhận hoãn phiên tòa lần thứ 2 nếu không phải sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan…

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục