10 năm trước, tức vào đầu năm 2009, Ngân hàng TMCP Ðại Dương (OceanBank, nay là Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Ðại Dương) do Hà Văn Thắm là Chủ tịch HÐQT bắt đầu triển khai chủ trương chi lãi ngoài hợp đồng cho khách hàng (còn gọi là tiền chăm sóc khách hàng) để huy động vốn.
Hành vi chi lãi suất vượt trần gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền hơn 1.300 tỷ đồng. Hà Văn Thắm hiện đang chấp hành hình phạt tù chung thân vì các tội danh Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây thiệt hại nghiêm trọng, Tham ô tài sản, Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng, Lạm dụng chức vụ quyền hạn.
Theo bản án phúc thẩm năm 2018 đang có hiệu lực thi hành, Hà Văn Thắm - người điều hành Oceanbank là nhân vật giữ vai trò chính và phải liên đới chịu trách nhiệm dân sự bồi thường số tiền hơn 700 tỷ đồng. Mở rộng vụ án, cơ quan điều tra đã khởi tố một loạt vụ án nhận tiền lãi ngoài xảy ra tại một số doanh nghiệp nhà nước như Viện Dầu khí Việt Nam, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Liên doanh - Việt Nga (Vietsovpetro)…
Ở giai đoạn 2 vụ án, cơ quan tố tụng đã làm rõ về những khoản tiền chi - nhận lãi ngoài và phân định trách nhiệm cụ thể với các cá nhân sai phạm. Tuy nhiên, có rất nhiều khoản tiền chênh lệch do những lời khai bất nhất từ phía người đưa và người nhận.
Ðơn cử trong vụ án Lạm dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga, bà Nguyễn Thị Minh Thu - nguyên Tổng giám đốc Oceanbank khai nhận có 5 lần đưa tiền cho bị cáo Võ Quang Huy (nguyên Chánh kế toán Vietsovpetro) số tiền 5 tỷ đồng và 30.000 USD. Ðối chất tại tòa, bị cáo Huy không chối bỏ số lần nhận tiền nhưng chỉ thừa nhận cầm 4,1 tỷ đồng.
Bà Thu khai mỗi lần chuyển tiền có bà Nguyễn Thị Kiều Liên - nguyên Phó tổng giám đốc Oceanbank kiêm Giám đốc chi nhánh Vũng Tàu đi cùng, nhưng khi đưa tiền thì bà Liên đi ra ngoài. Do chỉ có lời khai từ một phía và việc buộc tội phải căn cứ vào chứng cứ, lời khai nên tòa án có căn cứ buộc tội ông Huy chiếm đoạt số tiền 4,1 tỷ đồng.
Tương tự, trong vụ án xảy ta tại Lọc hóa dầu Bình Sơn, bà Nguyễn Thị Minh Thu khai cụ thể những lần đưa tiền nhưng có khoản tiền 40.000 USD chi cho Nguyễn Hoài Giang (nguyên Chủ tịch HÐTV) thì không nhớ chính xác chi vào ngày nào.
Bên cạnh đó, tiền là do Oceanbank chi ra và có chuyển đến các địa chỉ cụ thể, nhưng có những khoản tiền vênh không được làm rõ. Ðại diện ủy quyền của ông Hà Văn Thắm đề nghị làm rõ 3 vấn đề: Tài sản bị chiếm đoạt là gì, chủ sở hữu tài sản là ai, tòa án buộc các bị cáo hoàn trả tài sản cho ai?
Theo đó, các bị cáo bị quy kết chiếm đoạt, chiếm hưởng phải trả lại cho Oceanbank. Nhưng trong bản án giai đoạn 1, ông Thắm phải gánh toàn bộ số tiền phải bồi thường cho Oceanbank là hơn 700 tỷ đồng. Việc khấu trừ nghĩa vụ của 2 bản án với nhau là không đúng quy định vì việc xét xử là độc lập.
Luật sư Vũ Ngọc Chi (Ðoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, trong các vụ án kinh tế hình sự, cơ quan tố tụng phải xác định khoản tiền chiếm đoạt, vì đó là căn cứ để xác định tội danh, khung hình phạt. Do đó, việc tách phần dân sự trong vụ án kinh tế hình sự là không phù hợp. Mặt khác, việc khấu trừ nghĩa vụ trong các bản án khác nhau là khả thi với điều kiện là phải xác định đúng chủ sở hữu tài sản. Trường hợp chủ sở hữu tài sản không đồng ý thực hiện nghĩa vụ, cơ quan thi hành án có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế.