Việc xác định người chiếm đoạt, chiếm hưởng lợi ích trong các vụ án hình sự kinh tế là đặc biệt quan trọng để có thể thu hồi nguồn tiền, khắc phục hậu quả. Đối với những vụ án hành vi đơn lẻ, việc này không khó, tuy nhiên với những vụ án phức tạp, vấn đề hóc búa nhất liên quan đến phần trách nhiệm dân sự.
Trong 3 năm (từ năm 2011 - 2014), Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank) chi lãi ngoài trái quy định pháp luật hơn 1.576 tỷ đồng. Có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank và nhận các khoản tiền chi ngoài lãi suất hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do Ngân hàng chi trả.
Cơ quan điều tra đã có công văn gửi đến 362 tổ chức kinh tế, có 19 doanh nghiệp thừa nhận có nhận tiền lãi ngoài và nộp lại số tiền 3 tỷ đồng, 124 doanh nghiệp khẳng định không nhận tiền chi lãi ngoài, 249 doanh nghiệp chưa có văn bản trả lời.
Hành vi chi lãi ngoài được coi là vi phạm pháp luật, hàng loạt cựu lãnh đạo, cán bộ của Oceanbank phải dính vòng lao lý. Trách nhiệm hình sự phần nào đã rõ ràng nhưng phần bồi thường thiệt hại hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến gây tranh cãi.
Cơ quan tố tụng xác định trong số hơn 1.576 tỷ đồng, có 1.329 tỷ đồng là thiệt hại và chia theo tỷ lệ phần trách nhiệm đối với dàn lãnh đạo tiền nhiệm của Oceanbank gồm Hà Văn Thắm bồi thường 847 tỷ đồng, Nguyễn Xuân Sơn 200 tỷ đồng và Nguyễn Minh Thu 50 triệu đồng.
Không ít ý kiến cho rằng, cách thức khả dĩ nhất để khắc phục hậu quả trong vụ án này là thu hồi nguồn tiền từ hơn 55.000 khách hàng nói trên.
Luật sư Nguyễn Xuân Anh (bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm) đặt vấn đề, mặt dù xác định gần 1.329 tỷ đồng là thiệt hại nhưng tòa án sơ thẩm không buộc người chiếm hưởng tiền trái pháp luật hoàn trả, mà coi đây là số tiền đã mất để buộc Hà Văn Thắm và các bị cáo khác liên đới bồi thường. Như vậy, những người chiếm hưởng thực tế khoản tiền này nghiễm nhiên được hợp pháp hóa thu nhập này của họ.
“Trong trường hợp này, lẽ ra tòa án sơ thẩm phải buộc các tổ chức, cá nhân đã nhận lãi ngoài trái pháp luật phải bồi hoàn cho các cổ đông chứ không phải buộc các bị cáo phải bồi thường. Việc tòa án cấp sơ thẩm buộc các bị cáo bồi thường cho ngân hàng vừa không đúng đối tượng được hưởng, vừa không thống nhất và bình đẳng giữa những người tham gia tố tụng”, luật sư Xuân Anh nói thêm.
Theo luật sư, số tiền lãi ngoài, xét dưới góc độ trái pháp luật, có hai cách đánh giá. Ở góc độ dân sự, nếu khẳng định việc chi lãi vượt trần là vi phạm điều cấm của pháp luật thì giao dịch dân sự vô hiệu. Khi đó thì bên nhận hoàn trả lại cho bên giao.
Ở góc độ hình sự, nếu số tiền này là khoản tiền được chi ra trái pháp luật thì các tổ chức, cá nhân đang giữ khoản tiền đó đang có hành vi chiếm giữ tài sản một cách trái phép, không có căn cứ pháp luật. Khi đó, người chiếm giữ trái phép phải hoàn trả cho chủ sở hữu.
Luật sư cũng nêu vấn đề, trong quá trình xét xử, cơ quan điều tra khởi tố và đang làm rõ nhiều vụ án giao nhận tiền giữa các cán bộ ngân hàng và tổ chức, cá nhân nhận lãi ngoài. Trường hợp buộc các bị cáo phải bồi thường mà trong các vụ án sau xác định được các cá nhân, tổ chức phải bồi thường tiếp thì trả cho ai? Ai sẽ là người được hưởng các khoản bồi thường đó?
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Hà Văn Thắm từng có lời khai cho rằng, có khách hàng là người chủ động, đàm phán để Oceanbank chi lãi suất vượt trần. Khách hàng nhận tiền sai quy định mà không phải bồi hoàn, dẫn đến nguy cơ khách hàng có thể gây sức ép cho ngân hàng làm trái.
Đồng tình quan điểm này, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Thắm đề nghị tách phần dân sự của vụ án này để giải quyết trong giai đoạn sau khi các vụ án kia đã kết thúc để đảm bảo tính tuân thủ, nghiêm minh và công bằng của pháp luật.
Câu chuyện buộc khách hàng bồi hoàn lại số tiền nhận lãi ngoài đã từng được các cổ đông Công ty trách nhiệm hữu hạn VNT (chiếm 20% vốn điều lệ của Oceanbank) đặt ra.
Hội đồng xét xử đã có ý kiến rằng, yêu cầu này là có lý “nhưng thực tế khó khả thi vì nó diễn ra trên toàn quốc. Bởi lẽ, họ là đối tượng được Oceanbank “tặng thưởng”, “cảm ơn” thì không dễ gì để đòi lại.