Mới đây, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ra quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm vụ án Phan Văn Anh Vũ (SN 1975, Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty Nova Bắc Nam 79) và đồng phạm. Vụ án này được Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử cuối tháng 1/2019. Các cơ quan tố tụng đang có những quan điểm trái chiều về việc xác định thiệt hại.
Xác định lại thời điểm tính thiệt hại
Trước đó, Viện kiểm sát nhân dân nêu quan điểm, bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng danh nghĩa 2 công ty bình phong để đề nghị các bộ, ngành và chính quyền địa phương cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của các dự án nhà, đất công sản có diện tích lên tới hàng ngàn mét vuông ở các vị trí đắc địa tại hai thành phố lớn là Đà Nẵng và TP.HCM, trái quy định của pháp luật.
Trong các năm 2009 - 2016, Phan Văn Anh Vũ được thuê, nhận chuyển nhượng 7 dự án, nhưng không sử dụng vào mục đích nghiệp vụ, mà chuyển nhượng dưới danh nghĩa cá nhân, hoặc chuyển nhượng, liên danh, liên kết với bên ngoài, gây thiệt hại nghiêm trọng. Hội đồng định giá xác định, tổng thiệt hại là 1.159 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm tuyên ngày 30/1/2019 tính thiệt hại ngay tại thời điểm giao đất, với số tiền hơn 135 tỷ đồng. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân đã kháng nghị với nhận định, bản án sơ thẩm xác định thiệt hại không đúng bản chất và trái quy định pháp luật.
Theo Viện kiểm sát nhân dân, kết quả điều tra xác định, Phan Văn Anh Vũ cùng đồng phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để được nhận 7 dự án nhà, đất công sản không phải qua đấu giá và được hưởng các ưu đãi khác nhằm hưởng lợi bất chính. Việc giao các dự án này là trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Tính đến thời điểm khởi tố vụ án, Phan Văn Anh Vũ là người trực tiếp quản lý, sử dụng các dự án trên và được hưởng lợi. Trong thời gian này, Nhà nước đã mất đi quyền quản lý, khai thác sử dụng các tài sản công. Hành vi phạm tội của Vũ cùng đồng phạm không phải là hành vi chiếm đoạt, mà là hành vi gây thiệt hại cho Nhà nước vì mục đích vụ lợi và được kéo dài từ thời điểm được giao tài sản đến thời điểm bị khởi tố.
Do đó, thiệt hại cần phải được tính tại thời điểm khởi tố là hơn 1.159 tỷ đồng mới phù hợp với thực tế. Việc bản án sơ thẩm chỉ tính thiệt hại ngay tại thời điểm giao đất với số tiền hơn 135 tỷ đồng là chưa đánh giá đúng bản chất của vụ án, hậu quả mà các bị cáo đã gây ra cho Nhà nước và xã hội.
Việc xác định thiệt hại còn là căn cứ để quy kết trách nhiệm bồi thường, khắc phục hậu quả.
Luật sư Vũ Ngọc Chi, Giám đốc Công ty TNHH Luật Tam Anh cho biết, có rất nhiều tội danh trong lĩnh vực kinh tế căn cứ vào số tiền thiệt hại để xác định cấu thành tội phạm và khung hình phạt. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện chưa có quy định rõ ràng về cách tính thiệt hại nên chưa có sự thống nhất về đường lối giữa các cơ quan tố tụng, đặc biệt là thời điểm tính thiệt hại là thời điểm định giá ban đầu, thời điểm khởi tố vụ án, thời điểm truy tố, hay thời điểm xét xử vụ án.
Từ trước đến nay, cơ quan tố tụng thường xác định thời điểm tính thiệt hại là khi khởi tố vụ án, vì thời điểm đó đã tính được căn cứ thiệt hại là gì. Đặc biệt, cơ quan tố tụng không tính trượt giá, vì trái với nguyên tắc có lợi và không làm xấu đi tình trạng của bị cáo khi xét xử phúc thẩm.
Cụ thể, trong vụ án Phan Văn Anh Vũ, một vấn đề khác là nếu Nhà nước thu hồi đất thì tài sản trên đất xử lý như nào? Từ khâu định giá, chuyển nhượng đến khâu huy động vốn khách hàng là quãng đường đi rất dài, có sự tham gia của nhiều bên. Câu hỏi đặt ra là ai bị thiệt hại? Nhà nước bị thiệt hại là đương nhiên, nhưng các nhà đầu tư cũng cần phải xác định là bị hại, do họ trực tiếp bỏ tiền mua căn hộ và giao dịch ngay tình.
Cần tổ chức định giá độc lập
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh nêu quan điểm, hiện tại vẫn chưa có sự thống nhất về thời điểm tính thiệt hại trong các vụ án hình sự liên quan đến kinh tế, nên vẫn xảy ra tình trạng mỗi nơi xác định một kiểu. Có nơi tính thời điểm giá trị thiệt hại lúc ban đầu, có nơi tính tại thời điểm định giá…
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng nhất là ở Việt Nam, việc định giá/giám định tư pháp trong tố tụng, được hiểu là do cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu định giá/giám định thiện hại thực hiện thông qua các Hội đồng giám định, "thường là cán bộ từ các sở/ban/ngành".
Với đặc thù trên nên việc định giá ở mức độ nào đó chưa thực sự bảo đảm tính độc lập; giá định ra có thể theo ý chí chủ quan của một trong các bên. Ở nước ngoài, việc định giá mang tính độc lập hoàn toàn, tổ chức định giá không ăn lương nhà nước, minh bạch và có tính hiệu lực pháp lý.
Theo luật sư, ở Việt Nam hiện chưa có cơ chế cho các tổ chức giám định tư pháp độc lập được hoạt động theo đúng quy định pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành như giám định xây dựng, tài chính, ngân hàng…
Xác định thiệt hại, yếu tố quan trọng trong vụ án hình sự
Hiện Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự không quy định cụ thể về thời điểm xác định thiệt hại trong vụ án hình sự. Nhìn chung, thiệt hại do hành vi phạm tội có nhiều loại như thiệt hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản...
Đối với thiệt hại về tài sản, có một số nguyên tắc, chẳng hạn thiệt hại là tài sản trong các vụ án trộm cắp, lừa đảo, tham ô tài sản. thì phải là tài sản vật chất cụ thể như tiền, vàng bạc kim khí, đá quý, hoặc vật có thể định giá được như nhà đất, xe cộ. Thiệt hại phải là hậu quả trực tiếp của hành vi phạm tội, không được suy diễn.
Khi phát hiện tội phạm và khởi tố, cơ quan điều tra phải xác định thiệt hại để có căn cứ đánh giá tội danh và có căn cứ đề nghị truy tố gửi sang Viện kiểm sát nhân dân để cơ quan này áp dụng khung hình phạt định lượng.
Trong một số trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng, bao gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, tùy từng giai đoạn của vụ án sẽ trưng cầu định giá để làm căn cứ xác định thiệt hại. Theo quy định tại Điều 69, Bộ luật Tố tụng hình sự, người định giá tài sản có trách nhiệm tìm hiểm, thu thập tài liệu để định giá theo nguyên tắc sát giá thị trường.
Nhiều tội phạm bị phát hiện khi hành vi phạm tội đã trôi qua 10 năm, 15 năm, nhưng vẫn còn thời hiệu truy tố. Tùy thuộc vào tài sản chiếm đoạt, cơ quan tố tụng sẽ xác định thiệt hại tại thời điểm hành vi phạm tội xảy ra hay tại thời điểm truy tố. Ví dụ, với hành vi trộm tiền thì số tiền chiếm hưởng được xác định tại thời điểm hành vi phạm tội diễn ra, không suy diễn đến tiền lãi hay là mất giá đồng tiền. Nhưng hành vi lừa đảo chiếm đoạt nhà đất thì phải xác định giá trị nhà đất đó tại thời điểm truy tố hoặc xét xử, đảm bảo sát giá thị trường.
Quá trình giải quyết vụ án, nhiều trường hợp, tòa án có thể trưng cầu định giá lại nếu việc định giá trước đó đã quá 6 tháng, không đảm bảo sát giá thị trường, hoặc khi có khiếu nại của các bên đương sự trong vụ án. Thực tế, trong các vụ án kinh tế, thường xuyên có yêu cầu định giá lại tài sản của các đương sự như bị cáo, bị hại, người liên quan, bởi việc xác định giá trị tài sản có thể ảnh hưởng đến việc xác định khung hình phạt, việc lượng hình.
Như vậy, thời điểm xác định thiệt hại không có công thức cụ thể, song vẫn có một số mốc, chẳng hạn khi hành vi phạm tội xảy ra, khi khởi tố vụ án, hoặc khi xét xử tùy thuộc vào vụ án cụ thể. Việc xác định thiệt hại là yếu tố rất quan trọng, có ảnh hưởng quyết định tới việc xác định tội phạm, khung hình phạt, lượng hình và việc thu hồi tài sản đảm bảo thi hành án sau này.
Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu