2021 - không dễ điều hành chính sách tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là quan điểm của TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2021.
Nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố khó lường. Nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố khó lường.

Nhiều ý kiến cho rằng, với việc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, Việt Nam có nhiều cơ hội để bứt phá trong thời gian tới. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, rất cần sự trợ lực của hệ thống ngân hàng. Vậy theo ông, hệ thống ngân hàng đã sẵn sàng?

Tôi nghĩ có một số điều khó. Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống ngân hàng, đặc biệt là nợ xấu có xu hướng gia tăng. Nợ xấu tăng khiến năng lực tài chính của các ngân hàng bị suy giảm do phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn và điều này tất yếu sẽ ảnh hưởng tới khả năng hỗ trợ của các ngân hàng.

Bên cạnh đó, rủi ro tài chính là không nhỏ, chưa nói tới áp lực lạm phát năm 2021 cũng lớn hơn so với năm 2020, cho nên điều hành chính sách tiền tệ cũng cần cẩn trọng, bởi nếu nới lỏng quá sẽ dễ làm tăng rủi ro tài chính và tạo áp lực đến lạm phát, mà chặt lại thì quá trình phục hồi kinh tế có thể không đạt kế hoạch, doanh nghiệp càng khó khăn.

Theo tôi, năm nay là một năm ứng xử không đơn giản đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ.

Còn chuyện tỷ giá thì sao, khi năm 2020, Việt Nam bị gắn mác "thao túng tiền tệ" bởi Bộ Tài chính Mỹ?

Có thể thấy rằng, thế giới ngày nay luôn có “sự va đập” trong cách nhìn nhận giữa chính sách của mỗi quốc gia với liên kết, kết nối toàn cầu mà bản thân điều này vừa được thúc đẩy (toàn cầu hóa), vừa gặp trục trặc (bảo hộ, dân tộc cực đoan…).

Chính sách kinh tế không thoát khỏi bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội, quốc gia. Đó là thế giới ngày nay và phải sẵn sàng đối mặt, nhất là khi mình không phải là người đặt ra luật chơi trên thị trường, hơn nữa lại là thị trường toàn cầu.

Vấn đề ở đây không hẳn chỉ là “đúng - sai”, mà là phải khéo léo chấp nhận “luật chơi” ở mức nào đó để giảm thiểu rủi ro thiệt hại và đem lại lợi ích tốt nhất cho mình, cũng như thỏa hiệp được với những lợi ích của những nước có hoặc nêu vấn đề trục trặc với mình.

Ông nói năm 2021 là khó, thực ra điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam lúc nào cũng khó, thế nên ngoài biện pháp kinh tế vẫn phải duy trì biện pháp hành chính. Lâu dài thì cách làm này liệu có là tốt?

Ảnh tác giả

Cái gì đã áp đặt mệnh lệnh hành chính mà muốn buông bỏ là rất khó, nên về mặt tư duy, khi chúng ta muốn áp dụng bất cứ biện pháp nào có tính hành chính thì phải tính toán rất cẩn thận.

TS. Võ Trí Thành

Trong lịch sử, năm 1996, Việt Nam từng áp đặt trần tín dụng cho các ngân hàng. Nguyên nhân do lúc đó tăng cung tiền quá lớn, trong khi hệ thống ngân hàng còn nhiều yếu kém. Nhưng cơ chế này chỉ áp dụng khoảng 2 - 3 năm thì bỏ. Rất tiếc là trong khoảng 10 năm trở lại đây lại bắt đầu áp dụng lại.

Thực tế trên cho thấy 2 bài học. Đầu tiên, cái gì đã áp đặt mệnh lệnh hành chính mà muốn buông bỏ là rất khó, nên về mặt tư duy, khi chúng ta muốn áp dụng bất cứ biện pháp nào có tính hành chính thì phải tính toán rất cẩn thận, cần tính toán hay không cần, đến mức nào và làm thế nào có thể rút lại để “chất thị trường” cao hơn.

Bài học này không chỉ áp dụng cho câu chuyện hạn mức tín dụng, mà cho cả chuyện lãi suất và rất nhiều câu chuyện khác trong suốt hơn chục năm qua.

Lưu ý là việc áp đặt như thế bao giờ cũng dẫn đến méo mó phân bổ nguồn lực, ở đây là nguồn lực tài chính, bên cạnh đó còn là những vấn đề liên quan đến chuẩn mực đạo đức, về cách thức giám sát, rồi đến lành mạnh hệ thống ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô...

Vì vậy, theo tôi, càng ít sử dụng mệnh lệnh hành chính thì càng tốt.

Nếu nhìn rộng hơn, bên cạnh chính sách tiền tệ, đâu là các vấn đề ngành ngân hàng cần phải đặt ra?

Nhìn lại quá trình từ năm 2012, thời điểm bắt đầu cải cách cơ cấu ngân hàng đến nay, có 5 điểm cần chú ý.

Thứ nhất là về xử lý nợ xấu, dù đã có những chuyển biến đáng kể, nhưng vẫn chưa triệt để. Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội được ban hành là một bước tiến lớn khi đã đẩy nhanh hơn tiến trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng, nhưng bản thân Nghị quyết cũng còn không ít vướng mắc. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nợ xấu có nguy cơ gia tăng.

Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020 (mới đây là Thông tư 03/2021 sửa đổi Thông tư 01) chỉ là giải pháp tình thế, ngăn nợ xấu tăng nhanh trong ngắn hạn, song lại đẩy nguy cơ nợ xấu về tương lai khi Thông tư hết hiệu lực thi hành.

Thứ hai là xử lý các ngân hàng yếu kém. Mặc dù đã giải quyết được một vài ngân hàng, nhưng nói chung còn rất khó khăn, nhất là một số ngân hàng 0 đồng, từ việc “xử lý con người”, nợ xấu, cho đến tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược...

Chính phủ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có thể được mua 100% vốn của các ngân hàng yếu kém (trong khi với các ngân hàng khác giới hạn ở mức 30%), song việc tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược không hề dễ dàng.

Thứ ba là lành mạnh hóa ngân hàng theo chuẩn mực thông lệ tốt. Vấn đề này có khá hơn với nhiều ngân hàng hoàn thành được 2 trụ cột Basel II, một số ngân hàng hoàn thành đầy đủ 3 trụ cột của Basel II, thậm chí đi vào Basel III.

Tuy nhiên, để đáp ứng đầy đủ Basel II là một vấn đề khác, đó là chưa kể việc tăng vốn ở một số ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc hội nhập với ngân hàng khu vực và quốc tế còn chậm. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 2 - 3 ngân hàng nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á, nhưng theo tôi là không đơn giản và cũng không nên nghĩ chỉ là vốn, tài sản.

Thứ tư là kết hợp cùng với chính sách tiền tệ để duy trì được sự ổn định của hệ thống nhằm hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, vấn đề này đã có những tiến bộ đáng ghi nhận: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, hệ thống ngân hàng nhìn một cách khái quát thì dần lành mạnh hơn… Tuy nhiên, như đã nêu, vẫn còn không ít vấn đề.

Thứ năm là chuyển đổi số. Hiện một số ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi số, mặc dù để đạt đến tầm ngân hàng số thì còn khoảng cách xa. Bên cạnh đó, chuyển đổi số đặt ra nhiều vấn đề mới, không đơn thuần chỉ là Sandbox, mà đòi hỏi phải có cách thức nhìn nhận mới về cả chính sách tiền tệ, cách thức giám sát, sự phát triển của các định chế tài chính, trong đó có ngân hàng.

Chuyển đổi số, tiền điện tử pháp định, Sandbox... là những thứ mà nhiều ngân hàng trung ương khác đang rất rốt ráo thực hiện, còn ở Việt Nam có vẻ chậm rãi hơi, đâu là vấn đề chính yếu, thưa ông?

Về vấn đề này, nếu nói vui thì là “dám chơi và biết chơi”. Đây là một câu chuyện đầy thách thức, bởi lẽ tài chính - ngân hàng là lĩnh vực mà người ta nhìn nhiều vào khía cạnh rủi ro vì nó có tính lan truyền rất mạnh, cho nên bước đi phải thận trọng, vững chắc.

Song, điều này không có nghĩa là không quyết liệt, bởi nếu không thì mình sẽ chậm và Sandbox chính là cơ chế để có thể dần “chơi” tốt hơn mà vẫn hạn chế được những rủi ro lớn.

Nhuệ Mẫn
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục