Các chính sách hỗ trợ tiền tệ năm 2020 đã để lại hiệu ứng phụ tương đối lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong quý I/2021, tín dụng tăng trưởng không đồng đều giữa từng lĩnh vực, riêng chứng khoán giảm nhẹ 1%, đạt 45.300 tỷ đồng. Đồng thời thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tín hiệu giảm nhiệt.

Sáng ngày 20/4, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý I/2021.

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Việt, Viện phó VEPR đánh giá bước sang quý I/2021, nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi khi các nước triển khai tiêm vắc-xin Covid-19, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các quốc gia. Riêng ở Việt Nam, các chỉ số kinh tế vĩ mô quý I/2021 cho thấy nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo chỉ rõ nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2021 giữ mức tăng trưởng 4,48% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng 3,82% của quý I/2020. Tuy nhiên, nhìn về thị trường vốn và tiền tệ, tín dụng tăng trưởng không đồng đều giữa từng lĩnh vực, đồng thời thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tín hiệu giảm nhiệt.

Tín dụng tăng trưởng không đồng đều giữa từng lĩnh vực

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Viện trưởng VEPR cho biết lãi suất liên ngân hàng đột ngột tăng mạnh vào đầu tháng 2/2021, với lãi suất qua đêm đạt mức cao nhất 2,86% vào ngày 8/2 và lãi suất một tuần đạt mức cao nhất 3,66% vào ngày 9/2. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng mang tính mùa vụ do nhu cầu tiền mặt của người dân tăng cao vào dịp lễ Tết.

Trên thực tế, lãi suất liên ngân hàng nhanh chóng ổn định sau Tết Nguyên đán, dao động trong khoảng 0,25 - 0,03% đối với lãi suất qua đêm và 0,35 - 0,50% đối với lãi suất một tuần.

Bên cạnh đó, tăng trưởng cung tiền M2 quý I/2021 ở mức 1,49% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức tăng trưởng năm 2020 (1,55%). Cung tiền dự kiến tiếp tục tăng cao do Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu nâng mức dự trữ ngoại hối và chính sách tiền tệ mở rộng hướng tới hỗ trợ tăng trường. So với cùng kỳ năm 2020, tăng trưởng huy động vốn đạt 0,54%, cao hơn so với mức tăng quý I/2020.

Tăng trưởng tín dụng có tín hiệu khả quan, đạt 2,93% so với cuối năm 2020, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực ưu tiên như nông lâm thủy sản (tăng 2,42%), công nghiệp (tăng 3,04%)…

Tuy nhiên, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro có xu hướng tăng trưởng khác nhau. Cụ thể, tín dụng bất động sản tăng mạnh 3% so với cuối năm 2020, đạt 1,85 triệu tỷ đồng vào cuối quý, trong khi tín dụng lĩnh vực chứng khoán giảm nhẹ 1%, đạt 45.300 tỷ đồng, tín dụng BOT, BT giao thông giảm không đáng kể 0,15%, đạt trên 108.000 tỷ đồng. Tín dụng phục vụ đời sống đạt gần 1,87 triệu tỷ đồng vào cuối quý, tăng 1,2% so với cuối năm 2020.

Các chính sách hỗ trợ tiền tệ năm 2020 đã để lại hiệu ứng phụ tương đối lớn: dòng tín dụng không đi trực tiếp vào nền sản xuất mà chủ yếu đi vào các kênh tiêu dùng hàng nhập khẩu và giao dịch tài sản. Mặc dù giá cả tiêu dùng khá ổn định nhưng bong bóng giá tài sản (bên cạnh nợ xấu) là một rủi ro đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng. Có thể nói, khu vực sản xuất không phải là đối tượng chính được hưởng nhiều lợi ích từ chính sách tiền tệ mở rộng hiện nay.

PGS.TS. Phạm Thế Anh cho rằng, tín dụng ngân hàng hiện nay không trực tiếp đi vào sản xuất, nhưng dòng tiền của người dân và doanh nghiệp đi vào chứng khoán, bất động sản chiếm phần lớn dẫn đến hiện tượng tăng giá bất thường. Xã hội hướng dòng tiền vào các thị trường phi sản xuất, mua đi bán lại tạo ra lợi nhuận chênh lệch giá gây ra tiềm ẩn rủi ro lâu dài.

Nhận định về thị trường chứng khoán, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, dòng tiền đổ vào chứng khoán không chỉ tăng mạnh ở Việt Nam mà còn là xu hướng trên toàn thế giới.

“Thị trường chứng khoán khá tích cực khi số lượng các nhà đầu tư F0 tham gia thị trường đang rất lớn, tuy nhiên không được để thị trường trở nên thiếu chuyên nghiệp, thiếu minh bạch và nghẽn lệnh. Muốn thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn, cần có cách ứng xử thông minh, phù hợp thay vì bóp nghẹt, siết chặt và kìm hãm thị trường”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Toàn cảnh tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tín hiệu giảm nhiệt

Theo báo cáo, trên thị trường trái phiếu, lượng trái phiếu Chính phủ trong quý I phát hành là 39.205 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch quý và 11% kế hoạch năm. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1,7 nghìn tỷ đồng.

Mặt khác, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu giảm nhiệt sau khi khung pháp lý có nhiều thay đổi quan trọng theo hướng siết chặt. Lũy kế đến tháng 2, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 15.562 tỷ đồng, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 11.428 tỷ đồng.

Nguyên nhân đến từ những thay đổi theo Nghị định số 81 năm 2020 của Chính phủ về việc “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp” và TS. Cấn Văn Lực cũng đánh giá đây chính là một động thái tích cực.

Cụ thể, trái phiếu doanh nghiệp bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trừ trường hợp đặc biệt.

Sau thời gian nêu trên, trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường quốc tế thực hiện theo nghị định về giao dịch tại thị trường phát hành.

Nghị định này được ban hành giúp lành mạnh hóa và giảm rủi ro khi nhà đầu tư tham gia, gia tăng đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời kiểm soát sự tăng trưởng nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tránh ảnh hưởng đến tính ổn định của thị trường trái phiếu.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục