NHNN không siết tín dụng bất động sản nhưng sẽ giám sát chặt chẽ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng và triển khai thông tư 03 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 do NHNN tổ chức hôm 14/4, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 3/2021, dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 1,85 triệu tỷ đồng tăng 3% so với cuối năm 2020.
ảnh Shutter stocks ảnh Shutter stocks

Được biết, đây là lĩnh vực rủi ro có mức tăng cao nhất so với dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán chỉ khoảng trên 45.300 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cuối năm 2020; tín dụng BOT, BT giao thông khoảng trên 108.000 tỷ đồng, giảm 0,15%; tín dụng phục vụ đời sống đạt gần 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 1,2%.

Được biết, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tính đến cuối tháng 3/2021 là 9,46 triệu tỷ đồng.

Ông Tuấn Anh cho biết thêm, mặc dù các lĩnh vực đều tăng trưởng khá, tuy nhiên, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân như tín dụng bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó là sự sôi động của thị trường bất động sản, chứng khoán trong nước và trên thế giới thời gian qua, có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

“Và đây là những nội dung sẽ được chúng ta nhận diện, trao đổi kỹ lưỡng tại phần 2 của Hội nghị ngày hôm nay”, ông Tuấn Anh nói.

Tại phần 2, thành phần phiên thảo luận bao gồm các lãnh đạo chủ chốt của NHNN và các ngân hàng thương mại. Do đó, một lãnh đạo NHTM cổ phần cho biết: “Các thảo luận khá cởi mở với việc nhiều ngân hàng chia sẻ thông tin cụ thể hơn về tình hình cho vay bất động sản của đơn vị mình và tiếp đó là chỉ đạo sát sao của NHNN”.

Trước câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán về việc có hay không NHNN sẽ có văn bản siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản. Vị lãnh đạo trên cho biết không có thông tin này xuất hiện trong cuộc họp nhưng NHNN tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh quan điểm về việc cơ quan quản lý sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản.

Về vấn đề này, trao đổi với một lãnh đạo cao cấp NHNN, vị này cho biết: “NHNN không siết tín dụng bất động sản nhưng sẽ giám sát chặt chẽ”.

Vị lãnh đạo NHNN nhấn mạnh, việc giám sát chặt chẽ không phải là “truyền miệng” hay “tin đồn” mà thể hiện rất rõ tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN đầu năm. Thống đốc đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng.

Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cảnh báo các tổ chức tín dụng về tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; ban hành, sửa đổi các Thông tư quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn, trong đó tiếp tục điều chỉnh giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình và tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay tiêu dùng lớn, nhằm hướng tín dụng vào các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội.

Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo TCTD về việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, các khách hàng lớn. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát về việc tuân thủ các quy định về cấp tín dụng. Làm việc với các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản nhanh, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng; kịp thời có biện pháp xử lý, chỉ đạo TCTD hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD.

Đặc biệt, theo dõi chặt chẽ tình hình tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông, tín dụng đối với khách hàng dư nợ lớn; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp xử lý một số tồn tại khó khăn trong việc cấp tín dụng lĩnh vực này

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục