Đến cuối tháng 3, dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán trên 45.300 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 3, dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán trên 45.300 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cuối năm 2020, trong khi tín dụng bất động sản khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3%.
Ảnh: Dũng Minh Ảnh: Dũng Minh

Tại Hội nghị Trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 03/2021/TT-NHNN, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chia sẻ những thông tin đáng chú ý.

Cụ thể, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, với các giải pháp tổng thể của Chính phủ, cùng với các giải pháp đồng bộ của ngành ngân hàng thời gian qua đã tạo đà góp phần phục hồi tăng trưởng tín dụng.

“Qua theo dõi diễn biến tín dụng cho thấy, tín dụng tăng trưởng dương ngay từ đầu năm (tháng 1 tăng 0,76%; tháng 2 tăng 0,66%), tín dụng tăng thấp trong tháng 2 do bùng phát dịch Covid-19 và cải thiện rõ rệt trong tháng 3/2021 đạt 2,93%, cao hơn cùng kỳ 2020 (1,3%), góp phần hỗ trợ tăng trưởng GDP quý I/2021 đạt 4,48%”, ông Tuấn Anh nói.

Đối với cơ cấu tín dụng, ông Tuấn Anh cho biết, tiếp tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, tín dụng các ngành kinh tế đều có mức tăng khá, tiếp tục đóng góp cho GDP ngành, trong đó tín dụng ngành nông lâm thủy sản tăng 2,42%, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 3,42%; ngành thương mại và dịch vụ tăng 2,79%, hỗ trợ mức tăng GDP các ngành tương ứng là 3,16%, 6,3% và 3,34%.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh đó, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên đều có tăng trưởng dương, trong đó tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2,5%; Công nghiệp hỗ trợ tăng 3,04% là 2 lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ năm 2020; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 0,5%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 2,5%; Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 0,3%.

Riêng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 227.801 tỷ đồng, tăng 0,7% so với 31/12/2020, với gần 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.

Đối với tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro,tiếp tục được kiểm soát.

Cụ thể, dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán trên 45.300 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cuối năm 2020; Tín dụng BOT, BT giao thông khoảng trên 108.000 tỷ đồng, giảm 0,15%; Tín dụng phục vụ đời sống đạt gần 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 1,2%; Tín dụng bất động sản khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3%.

Liên quan đến kết quả thực hiện các giải pháp tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của ngành ngân hàng thời gian qua, ông Tuấn Anh cho biết, đến hết tháng 3/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 263.000 khách hàng với dư nợ khoảng 353.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 660.000 khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt hơn 3 triệu tỷ đồng cho 452.233 khách hàng.

“Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 172.000 khách hàng với dư nợ gần 4.300 tỷ đồng, cho vay mới đối với gần 2,5 triệu lượt ​khách hàng với số tiền trên 88.000tỷ đồng”, ông Tuấn Anh nói. ​​

Kết thúc chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, NHNN đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền 42,9 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ 41,82 tỷ đồng với 245 người sử dụng lao động cho trên 11.276 người lao động được thụ hưởng từ chương trình này; dư nợ đến nay là 39,66 tỷ đồng.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục