Yêu cầu máy móc, điều khoản không hợp lý khiến nhiều chính sách hỗ trợ Covid-19 chưa đến được doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ý kiến trên được đưa ra tại “Diễn đàn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: thu hẹp khoảng cách từ chính sách tới thực thi” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức  ngày 8/12 tại Hà Nội.

Yêu cầu máy móc, điều khoản không hợp lý khiến nhiều chính sách hỗ trợ Covid-19 chưa đến được doanh nghiệp

Doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn...

Từ cuối năm 2019, thế giới chứng kiện đại dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng tới 235 quốc gia, vùng lãnh thổ với trên 65 triệu ca nhiễm và đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 1,5 triệu người trên thế giới, tính đến đầu tháng 12/2020.

Để hạn chế sự lây lan, các quốc gia trong đó có Việt Nam buộc phải áp dụng các biện pháp phòng dịch mạnh mẽ như đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội, hạn chế các đường bay trong nước và quốc tế. Tác động kép từ sự lây lan dịch bệnh cùng các biện pháp phòng dịch đã tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho biết, đại dịch Covid-19 với những diễn biến khó lường đã và đang tác động nặng nề, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại đầu tư. Tất cả các nhóm doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng khiến cho doanh thu năm 2020 của khu vực doanh nghiệp dân doanh giảm 72% và của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 69% so với năm 2019…

Còn theo TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, trong năm 2020, doanh nghiệp đã phải chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhất là các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân trong nước. Covid-19 khiến thị trường trong nước bị thu hẹp, khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng mới, ngoài ra thị trường nước ngoài cũng bị thu hẹp.

Các yêu tố bị đại dịch Covid-19 tác động mạnh nhất đối theo khảo sát doanh nghiệp của VCCI.

Các yêu tố bị đại dịch Covid-19 tác động mạnh nhất đối theo khảo sát doanh nghiệp của VCCI.

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, theo ước tính, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm 2020, sẽ có khoảng 39,3% doanh nghiệp phá sản. Tính đến cuối tháng 10 vừa qua, hơn 70.000 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và đóng cửa, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể và ảnh hưởng tới hơn 31 triệu người lao động.

... Song vẫn còn chính sách hỗ trợ chưa đem lại nhiều hiệu quả

Trước khó khăn của nền kinh tế, doanh nghiệp do ảnh hưởng của Covid-19, ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.

Cùng với đó, Nhà nước cũng đã có các gói hỗ trợ tiêu biểu như gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, hay gói hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16.000 tỷ đồng….

Đánh giá về hiệu quả của các chính sách ứng phó với Covid-19 đối với doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, chính sách đã được ban hành kịp thời với những giải pháp quan trọng, thiết thực, giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn, đã có những tác động nhất định, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực về tài chính...

"Tuy nhiên, qua tiến hành điều tra cho thấy, các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vay gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng để trả tiền lương cho lao động. Các thủ tục hành chính còn phiền hà chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp", ông Tuấn nhấn mạnh.

Tính đến ngày 30/7, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 53.645 tỷ đồng, chỉ đạt 29% của 182.000 tỷ đồng trong kế hoạch. Tổng cục Thuế mới chỉ tiếp nhận được khoảng 25% trong số 700.000 doanh nghiệp dự trù được hưởng lợi ban đầu. Gói hỗ trợ an sinh mới giải ngân được 11.000 tỷ đồng, tương ứng 17,7%.

Ông Tuấn cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do doanh nghiệp chưa biết đến thông tin về chính sách hỗ trợ; chính sách ban đầu nhiều yêu cầu, thủ tục, trong đó nhiều điều kiện, yêu cầu máy móc, cản trở việc tiếp cận của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các điều khoản của quyết định hỗ trợ cho người lao động chưa hợp lý, không công bằng giữa các doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, TS. Lương Minh Huân nhận định, doanh nghiệp mong muốn tăng quy mô và cách thức của các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, lao động nhưng phải thực hiện hiệu quả, minh bạch với sự giám sát của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp… Những chính sách do Nhà nước ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là hỗ trợ người lao động giải quyết công ăn việc làm.

Trước tình hình đó, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, đây là lúc để Chính phủ, các bộ, ngành địa phương và cả cộng đồng doanh nghiệp cần nhìn lại để thấy rõ hơn thực trạng tác động của đại dịch đối với nền kinh tế nói chung và đối với từng ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nói riêng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục