Nếu có khó khăn, vướng mắc, doanh nghiệp có thể phản ánh kịp thời tới các cơ quan có thẩm quyền, cả ở Trung ương và địa phương.
Từ ngày 8/12, hoạt động này sẽ được thực hiện, khi Trang thông tin hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua Covid-19 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (www.hotro.vibonline.com.vn) chính thức hoạt động. Trên trang này, thông tin về các gói hỗ trợ hiện hành của Nhà nước dành cho doanh nghiệp theo từng ngành nghề, địa bàn sẽ được cập nhật theo thực tế. Tương tự, các văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành, địa phương cũng được đảm bảo đang có hiệu lực.
VCCI đang kỳ vọng, các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các hộ gia đình - nhóm doanh nghiệp yếu thế nhất trên thị trường, đang chịu nhiều tác động từ Covid-19 sẽ được hưởng lợi.
Covid-19 đang buộc cả thế giới, từng tổ chức, từng cá nhân phải nghiêm túc hơn với các vấn đề phát triển, kể cả câu chuyện giải cứu, hỗ trợ doanh nghiệp. Không chỉ Nhà nước, từng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đều có trách nhiệm trong công việc này.
Trong các khảo sát về tác động của Covid-19 tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các hộ gia đình đang là nhóm yếu thế nhất, nhìn ở nhiều góc độ.
Do khó khăn về nguồn lực, nhóm doanh nghiệp này thường gặp khó khăn nhất trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, để từ đó tận dụng được các cơ hội để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là nhóm doanh nghiệp ít có cơ hội phản ánh khó khăn, vướng mắc của mình tới các cơ quan nhà nước.
Trong số 80% doanh nghiệp không tiếp cận được các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong giai đoạn vừa qua, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Lý do không tiếp cận được, phần lớn các doanh nghiệp trả lời là không biết, không có thông tin.
Với số doanh nghiệp có thông tin về các gói hỗ trợ, thì khó khăn nằm ở chỗ không tìm được cơ quan đầu mối để tiếp cận. Đặc biệt, với nhiều doanh nghiệp, thủ tục quá phức tạp là lý do họ từ chối các khoản hỗ trợ đáng ra họ đủ điều kiện được nhận.
Cần lưu ý rằng, các doanh nghiệp yếu thế nói trên chiếm tới khoảng 90% trong số gần 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Dù số thuế đóng góp ngân sách nhà nước còn khiêm tốn, nhưng nhóm doanh nghiệp này đang tạo ra lượng công ăn việc làm đáng kể cho người lao động, từ đó góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội.
Có thể thấy rõ thực trạng này khi nhìn vào số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giải thể trong 11 tháng đầu năm 2020.
Cho dù số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng ở mọi quy mô vốn, nhưng 91,1% trong hơn 44.440 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có quy mô vốn từ 0 đến 10 tỷ đồng. Tương tự, số doanh nghiệp chờ giải thể cũng tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, với 30.213 doanh nghiệp, chiếm 89,9% tổng số.
Trong 15.443 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 11 tháng đầu năm 2020, thì có trên 13.000 doanh nghiệp quy mô dưới 10 tỷ đồng...
Tất nhiên, trong số này, có nhiều doanh nghiệp buộc phải chấp nhận bị sàng lọc do không đủ năng lực cạnh tranh, không phù hợp với xu thế phát triển, nhưng nhiều doanh nghiệp có thể sống được, đặc biệt là có thể chuyển đổi nếu tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ kịp thời.
Trong rất nhiều trường hợp, sự hỗ trợ mà doanh nghiệp cần để vượt qua giai đoạn Covid-19 đầy khó khăn là kết nối thông tin, kết nối cơ hội tiếp cận cơ chế, chính sách, kết nối với các doanh nghiệp để mở rộng cơ hội kinh doanh.