Trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này tiếp tục tăng, đạt mức tăng trưởng 23,7%, chiếm tỷ trọng 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; trong khi tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu tiếp tục tăng, chiếm 28,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Điều đó cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn có xu hướng phụ thuộc nhiều vào thị trường rộng lớn này và điều đáng quan ngại hơn, xu hướng nhập siêu từ Trung Quốc vẫn đang gia tăng.
Số liệu thống kê của Bộ Công thương cũng cho thấy, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc chủ yếu là nông sản, thủy sản, cao su, nguyên liệu thô. Trong khi nhập khẩu từ thị trường này chủ yếu là các loại nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất các ngành xuất khẩu như dệt may, da giày, chế biến…
Với mức nhập siêu ngày càng gia tăng và với cơ cấu xuất nhập khẩu chênh lệch như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, không những Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc cả về thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, mà ở một mức độ nào đó, có thể nói Việt Nam đang gia công xuất khẩu hộ Trung Quốc.
Đề cập vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cốt lõi vấn đề xuất phát từ thực tế hiện nay hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc chiếm tỷ trọng khá lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu chung. Bên cạnh đó, những ngành sản xuất hướng xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào việc nhập khẩu nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc.
“Mặc dù Việt Nam xuất siêu sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản nhiều mặt hàng, song ở chiều ngược lại, lại phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu này từ Trung Quốc. Do đó, bài toán đặt ra là phải có các giải pháp vừa ngắn hạn nhưng cũng phải mang tính lâu dài, để đảm bảo giảm dần sự lệ thuộc vào thị trường này”, ông Hải gợi mở cho câu trả lời.
Theo ông Hải, những giải pháp này không phải lần đầu được đề cập, song hơn lúc nào hết sẽ là “cú hích” mạnh để triển khai quyết liệt trên cả ba mặt trận là cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo đó, tăng cường xuất khẩu thông qua đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ngoài các thị trường truyền thống.
Thứ hai là giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc bằng cách đầu tư tăng năng lực sản xuất các nguyên liệu trong nước ở một số ngành đã sản xuất được, như nguyên phụ liệu dệt may, sợi, nhuộm. Thứ ba, cần tăng nhận thức của người tiêu dùng trong nước, hưởng ứng phong trào “người Việt dùng hàng Việt”, đặc biệt là trong thời điểm này, để nâng cao mức tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, từ đó khơi thông sản xuất, nâng giá trị sản xuất trong nước.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nêu giải pháp, một mặt cần tăng cường khả năng sản xuất, khả năng cung ứng nguyên vật liệu, mặt khác tìm những đối tác tương đương hoặc có năng lực, chất lượng tốt hơn Trung Quốc để bổ sung và thay thế dần, trong đó có thể tính tới nguồn cung ứng từ các nước thành viên trong ASEAN, Hàn Quốc…
“Để làm được điều này, bản thân các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam phải linh hoạt hơn trong việc tự tìm kiếm những nguồn thay thế nguồn từ Trung Quốc. Còn với khu vực DNNN và khu vực đầu tư công, cũng cần có những kế hoạch hỗ trợ, không phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn cung ứng từ Trung Quốc”, ông Thành nói.
Ở cấp độ cao hơn, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, để khắc phục tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường nói chung cũng như thị trường Trung Quốc nói riêng, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công thương và Bộ NN & PTNT chủ động triển khai tái cơ cấu mặt hàng, thị trường xuất khẩu theo hướng vừa khai thác thị trường truyền thống, vừa tìm kiếm mở rộng thị trường mới, không quá phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Trong đó, việc đẩy nhanh đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi là một giải pháp quan trọng trong nhóm giải pháp mở rộng thị trường mới cho xuất khẩu.
“Với mục tiêu cốt lõi là mở cửa thị trường hàng hóa, tạo điều kiện cho các mặt hàng có lợi thế như dệt may, da giày, một số hàng nông sản, thủy sản có thể thâm nhập với quy mô lớn hơn, phạm vi rộng hơn vào thị trường 11 nước thành viên TPP. Nếu thành công, khả năng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng rõ rệt”, ông Hoàng nói.