Xuất khẩu tôm, cá tra tăng trưởng âm nhiều thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cả tôm và cá tra giảm lần lượt 36% và 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, Trung Quốc, EU... đều ghi nhận tăng trưởng âm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. 
Xuất khẩu tôm, cá tra tăng trưởng âm nhiều thị trường

Xuất khẩu tôm tiếp tục giảm tốc

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), trong tháng 4/2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm chung với các tháng trước, đạt 287 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong top 10 thị trường nhập khẩu đơn lẻ, Anh và Hồng Kông (Trung Quốc) là 2 thị trường ghi nhận tăng trưởng lần lượt 2% và 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 887 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 92 thị trường. Trong top 10 thị trường nhập khẩu đơn lẻ của tôm Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ, EU ghi nhận giảm mạnh nhất, trên 45%. Xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ghi nhận giảm quanh mức 30%.

Mỹ đang là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 18% tỷ trọng, nhưng trong tháng 4 giảm tới 42%. Trong bối cảnh này, các nhà nhập khẩu Mỹ hầu hết trong trạng thái nghe ngóng tình hình. Dự kiến, phải đến tháng 8 năm nay, nhập khẩu tôm của Mỹ mới có thể sôi động trở lại.

Nhật Bản đứng thứ hai về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm 16% tỷ trọng. Tháng 4/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 41 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 146 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông 4 tháng đầu năm nay đạt 136 triệu USD, giảm 27% trong khi xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 105 triệu USD, giảm 30%.

Vasep đánh giá, người tiêu dùng Mỹ, EU thắt chặt hầu bao trước tác động của lạm phát toàn cầu gia tăng, nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế lớn, căng thẳng địa chính trị…

Trong khi đó, chi tiêu dùng của Nhật Bản cũng ghi nhận giảm trong tháng 3/2023 với tốc độ nhanh nhất trong 1 năm. Tại Trung Quốc, nhập khẩu hàng hóa của nước này trong tháng 4/2023 giảm mạnh hơn so với tháng trước đó. Tình hình này gây nhiều thách thức cho hoạt động nhập khẩu tôm của Việt Nam.

Mặt khác, giá tôm nguyên liệu tại Việt Nam từ khoảng giữa tháng 4 ghi nhận giảm, gây nhiều áp lực cho người nuôi lẫn doanh nghiệp. Giá tôm nguyên liệu tại một số nước sản xuất tôm chính như Thái Lan, Ecuador, Ấn Độ cũng có xu hướng tương tự.

Tồn kho cao, nguồn cung tôm nguyên liệu tăng từ Ấn Độ, Ecuador trong khi tiêu thụ chậm là một trong những nguyên nhân khiến giá tôm nguyên liệu và giá xuất khẩu trên thế giới giảm. Tình hình này không chỉ gây ra khó khăn cho các nhà sản xuất tôm mà cả nhà nhập khẩu, phân phối trên thế giới.

Vasep cho biết, doanh nghiệp và bà con cần có sự chia sẻ về giá cả từ mảng thức ăn, con giống, chế phẩm đầu vào cho nuôi tôm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và bà con trong ngành đang rất chờ đợi sự tiếp sức từ gói tín dụng 10.000 tỷ đồng mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trong tháng 5 này.

Cá tra cũng kém khả quan

Trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra cả nước mang về gần 570 triệu USD, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản sụt giảm, dẫn đến lượng và giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong giai đoạn này giảm và khiến doanh số xuất khẩu cá tra Việt Nam sang nhiều thị trường liên tục ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Đứng đầu thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ cũng giảm sâu. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hong Kông chỉ đạt 183 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Mỹ cũng giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam do lượng tồn kho còn nhiều và chỉ đạt 86 triệu USD, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 60 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, nhiều thị trường trong khối giảm từ 13 - 31%, trừ thị trường Đức tăng 78%. Trong đó, nhiều thị trường trọng điểm giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam là: Hà Lan giảm 22%, Bỉ giảm 13%, Tây Ban Nha giảm 30%.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang một số thị trường chính khác trong 4 tháng đầu năm cũng chứng kiến tăng trưởng âm 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái như: Mexico giảm 45%, Canada giảm 51%, Nhật Bản giảm 15%, Brazil giảm 33% và Thái Lan giảm 49%.

Ngược lại, Singapore và Anh là 2 điểm sáng nhập khẩu cá tra Việt Nam. Cụ thể, cá tra sang Anh đạt đạt 22 triệu USD, tăng 13% dù đây cũng là một trong số các nền kinh tế lớn có tỷ lệ lạm phát cao nhất; Singapore đạt 12 triệu USD, tăng 20%.

Trước tình hình trên, Vasep đánh giá người nuôi và doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức từ thị trường sụt giảm, chi phí nguyên liệu và các chi phí đầu vào khác tăng cao, lợi nhuận giảm mạnh, thiếu vốn để quay vòng sản xuất kinh doanh.

Mới đây, BSC Research đã hạ quan điểm đầu tư từ trung lập xuống kém khả quan đối với nhóm cổ phiếu thuỷ sản trong quý II, do nhu cầu nhập khẩu cá tra chững lại thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường Mỹ và châu Âu chưa có dấu hiệu khởi sắc. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao so với cùng kỳ (15%) sẽ tác động tiêu cực lên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2023, ngành cá tra có thể có sự cải thiện so với nửa đầu năm nhờ cá tra được hỗ trợ khi nguồn cung dần bị thu hẹp và nhu cầu nhập khẩu tại Trung Quốc hồi phục nhanh hơn.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục