Để giải quyết tình trạng ùn tắc nông sản xuất khẩu trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần thực hiện các chính sách đối ứng bảo đảm thực hiện nguyên tắc “thương mại công bằng” trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước.
Phục vụ phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ sáng 16/3, Ủy ban Kinh tế đã có báo cáo tình hình ùn tắc nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu một số tỉnh biên giới phía Bắc.
Đây là một nội dung Bộ trưởng Công thương sẽ trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội.
Đàm phán quản lý chất lượng đều chậm
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, việc thực hiện triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, thông quan hàng hóa giải tỏa tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo. Các cơ quan chức năng đã tăng cường các biện chống dịch bệnh; hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, lái xe; thường xuyên cập nhật tình hình để khuyến cáo doanh nghiệp có phương án xuất khẩu hàng hóa thay thế bằng đường biển, đường sắt.. để giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ; duy trì và tăng cường cơ chế hội đàm trao đổi thông tin nhằm đẩy mạnh hợp tác biên giới có kết quả bước đầu.
Số lượng xe giảm từ thời điểm ngày 28/12/2021 so với thời điểm ngày 25/1/2022, góp phần giảm tải lượng xe ùn tắc tại các cửa khẩu và giảm chi phí cho doanh nghiệp
Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, các giải pháp vẫn còn hạn chế, chưa có giải pháp cụ thể, triệt để, bền vững giải quyết việc ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc, đưa hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản trở lại bình thường, nên hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu phía Bắc vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, không bền vững.
Hiện nay, hoạt động xuất khẩu nông sản tiếp tục diễn biến không thuận lợi, lượng xe ùn tắc tại các cửa khẩu phía Bắc tiếp tục tăng trở lại (tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thông báo hạn chế tiếp nhận xe chở nông sản xuất khẩu qua các các cửa khẩu của tỉnh để thông quan giải quyết số hàng hóa đang ùn tắc tại cửa khẩu).
Nhìn nhận nguyên nhân chủ quan, Ủy ban kinh tế cho rằng, Việt Nam đã ký FTA với Trung Quốc, đàm phán về thuế nhập khẩu đã hoàn thành, nhiều nông sản đã được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đàm phán về quản lý chất lượng hàng hóa còn chậm, nên tới nay mới có 9 loại trái cây của nước ta được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc… Tất cả các loại trái cây còn lại chỉ có thể xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch, chủ yếu thực hiện qua các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, một phần nhỏ qua cửa khẩu Hữu Nghị, Chi Ma.
Tại cặp cửa khẩu phụ Tân Thanh - Pò Chài (phía Trung Quốc gọi là cặp chợ biên giới), tuy hoạt động xuất khẩu trái cây những năm gần đây đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, áp dụng công nghệ trong trao đổi thông tin, giao dịch..., nhưng vẫn chưa thực sự bài bản.
Bên cạnh đó, việc đàm phán về thủ tục kiểm dịch cũng chậm, nên Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm hóa 100% đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam (trong khi Thái Lan chỉ 30%), dẫn đến thời gian thông quan kéo dài, gia tăng ách tắc, nhất là khi vào chính vụ thu hoạch.
Trong số hàng hóa đang ùn tắc tại biên giới phía Bắc, lượng hàng chờ xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch lớn hơn nhiều so với lượng hàng chờ xuất khẩu theo hình thức chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế.
Xuất khẩu nông sản qua hình thức giao dịch thương mại “tiểu ngạch” tại các cửa khẩu hiện nay chiếm chủ yếu trên 90% giao dịch thương mại, trong khi hình thức giao dịch thương mại “chính ngạch” chỉ chiếm dưới 10%.
Áp dụng hàng rào kỹ thuật mạnh mẽ hơn với hàng nhập từ Trung Quốc
Để giải quyết tình trạng ùn tắc nông sản xuất khẩu thời gian tới, cơ quan của Quốc hội kiến nghị Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo các bộ, ngành định hướng mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời khai thác hiệu quả thị trường tiêu dùng nội địa và hướng người dân sử dụng, tiêu thụ hàng xuất xứ Việt Nam và hàng nhập khẩu từ các thị trường khác.
Kiến nghị thứ hai là thực hiện các chính sách đối ứng bảo đảm thực hiện nguyên tắc “thương mại công bằng” trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước; tăng cường áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật mạnh mẽ hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Ban hành các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, nhãn mác, xuất xứ… áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam để giảm tỷ lệ nhập siêu của Trung Quốc vào Việt Nam.
Ba là, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn nông sản Việt Nam theo từng thị trường xuất khẩu; tổ chức sản xuất nông sản trong cả nước theo hướng sản xuất theo đơn đặt hàng, ký kết hợp đồng xuất khẩu chính ngạch theo đúng các yêu cầu sản xuất chất lượng, số lượng của các nhà nhập khẩu, hợp đồng đặt hàng thông qua liên kết sản xuất giữa hợp tác xã, doanh nghiệp có định hướng của các bộ, ngành và hiệp hội từ đó đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu theo hình thức chính ngạch.
Cơ quan của Quốc hội cũng cho rằng, cần quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường sắt tại các cửa khẩu lớn để kết nối đồng bộ với Trung Quốc; tăng cường hình thức vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường sắt, đường biển để khắc phục hàng rào kỹ thuật, thời gian thông quan nhanh, thủ tục được giải quyết ngay từ trong nội địa, giảm được chi phí vận chuyển và một số chi phí khác so với việc đi theo cửa khẩu đường bộ, đồng thời giảm tải vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ đến các cửa khẩu biên giới phía Bắc.