Gian nan xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu nông sản tiếp tục gặp khó khi Trung Quốc thông báo tạm ngừng thông quan nhập hàng từ Việt Nam qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) từ ngày 17/2/2022.
Hàng ngàn xe container hàng hóa nông thủy sản “nằm dài” chờ xuất khẩu sang Trung Quốc Ảnh: Đ.T. Hàng ngàn xe container hàng hóa nông thủy sản “nằm dài” chờ xuất khẩu sang Trung Quốc Ảnh: Đ.T.

Tạm dừng thông quan, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh

Tình trạng ùn tắc xe container hàng hóa nông thủy sản chờ xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh) lại tiếp diễn chỉ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ít ngày.

Dù đẩy mạnh thông quan qua các cửa khẩu Chi Ma, Hữu Nghị, Tân Thanh, nhưng tốc độ thông quan vẫn rất chậm, chỉ đạt khoảng 90 xe/ngày, trong khi đó, hàng ngàn xe vẫn tiếp tục đổ về Lạng Sơn. Lo ngại xảy ra tình trạng ùn tắc cao điểm như trước Tết Nguyên đán, tỉnh này phải tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ để xuất khẩu sang Trung Quốc từ ngày 16/2 đến hết ngày 25/2.

Tại thời điểm 08h00 ngày 20/2/2022, tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại Lạng Sơn là 1.953 xe (giảm 112 xe so với ngày 19/2). Trong đó, lượng xe chở hoa quả chờ xuất khẩu là 1.545 xe (chiếm khoảng 80%).

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chia sẻ, tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa nông sản của Trung Quốc ngày càng cao, nên sản phẩm xuất khẩu đi theo đường bộ, đường biển hay đường sắt, đường hàng không cũng đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc (có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói…).

“Những quy định mới về đăng ký doanh nghiệp và mặt hàng xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ buộc doanh nghiệp phải làm ăn quy củ hơn, ngay từ khâu sản xuất, thương mại cho đến logistics”, ông Hải nhấn mạnh.

Đỉnh điểm của ùn tắc xe hàng chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc chỉ mới xảy ra hơn 1 tháng trước, cao điểm nhất với hơn 6.200 xe container hàng hóa nông - thủy sản ùn tắc, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân.

Một tin không vui là từ ngày 17/2, cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) ngừng thông quan do phía Trung Quốc phát hiện ca nhiễm Covid-19 nội địa, nên quyết định dừng nhập hàng từ Việt Nam từ ngày 17/2 cho đến khi có thông báo mới. Thời điểm quyết định này được đưa ra, tại cửa khẩu Kim Thành đang có khoảng 350 xe container chở hàng nằm chờ xuất khẩu.

Năm 2021, Trung Quốc cũng tạm dừng thông quan nhập khẩu các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam (trong đó có thanh long) qua cửa khẩu Kim Thành tới 5 tháng. Trong khoảng thời gian đó, xuất khẩu thanh long sụt giảm rất mạnh, bởi theo thống kê của Hải quan Việt Nam, lượng thanh long xuất khẩu đi Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai chiếm gần 35% tổng lượng xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đất liền và cảng biển.

Kết quả, thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2021 chỉ đạt 913 triệu USD, giảm 13,7% so với năm 2020. Trong khi đó, trị giá xuất khẩu thanh long sang Mỹ, Ấn Độ, Hà Lan, Hàn Quốc… đều tăng

Cửa khẩu Kim Thành mới khôi phục thông quan nhập khẩu trái cây tươi trở lại từ hôm 12/1/2022, nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu vẫn khá chậm. Trước tình trạng ùn ứ nhiều xe hàng chờ thông quan, ngày 18/1/2022, tỉnh Lào Cai cũng thông báo dừng nhận xe chở hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu Kim Thành để xuất sang Trung Quốc.

Hoạt động xuất khẩu khó khăn do Trung Quốc thắt chặt kiểm tra hàng nhập khẩu vì lo ngại dịch bệnh cộng với kỳ nghỉ Tết kéo dài đã khiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc từ đầu năm 2022 đến nay sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 (giảm 14,9%), chỉ đạt 3,91 tỷ USD.

Chuẩn hóa sản xuất, gia tăng chế biến

Trung Quốc ngày càng đưa ra nhiều quy định kiểm dịch hàng hóa ngặt nghèo và gia tăng kiểm soát hàng hóa trước những lo ngại về Covid-19, khiến hiệu suất thông quan rất chậm. Dù vậy, đất nước 1,4 tỷ dân này vẫn là thị trường xuất khẩu trong mơ của nhiều doanh nghiệp Việt.

Trung Quốc là thị trường gần, nên trong điều kiện thông quan thuận lợi, doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc có thể giảm thiểu chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, ngoài 9 loại quả được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu chính ngạch, các loại quả còn lại buộc phải đi đường tiểu ngạch, qua các cửa khẩu phụ. Rủi ro tắc nghẽn biên vì thế cũng tăng lên.

Thực tế, trong khi xuất khẩu rau quả tươi sang Trung Quốc năm qua sụt giảm, thì nhóm rau quả chế biến lại tăng trưởng cao, bất chấp Covid-19 bùng phát mạnh. Năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt khoảng 915 triệu USD (tăng 17,8% so với năm 2020), trong đó, thị trường lớn nhất là Trung Quốc, đạt 225,6 triệu USD, tăng 32% so với năm 2020.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính. Nếu doanh nghiệp đặt vấn đề sản xuất, xuất khẩu sang Trung Quốc với tiêu chuẩn cao như đi Mỹ, EU, Nhật Bản, kết hợp tăng đầu tư chế biến, chủ động điều tiết lượng hàng xuất khẩu trong thời điểm nhiều loại nông sản vào vụ thu hoạch rộ, thì sẽ giảm thiểu thiệt hại.

“Mấu chốt là nông dân, doanh nghiệp phải quản trị chất lượng từ gốc, đầu tư hệ thống nhà máy chế biến tại nhiều vùng. Nếu làm được, hàng hóa bị ùn tắc trong xuất khẩu có thể lập tức đưa trở lại nhà máy chế biến”, ông Toản nói.

Theo phân tích của ông Toản, thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung xuất khẩu các sản phẩm hoa quả tươi, chưa chú trọng đưa các sản phẩm này vào các nhà máy chế biến để mở rộng kênh tiêu thụ.

Khâu chế biến quan trọng còn bởi đặc điểm của Việt Nam là nước có nhiều loại rau, củ, quả nhiệt đới, đa dạng về chủng loại. Ông Toản khẳng định, để gia tăng lợi nhuận một cách bền vững, chỉ có duy nhất con đường xuất khẩu chính ngạch. Về phía người sản xuất, thì mấu chốt là nguyên vật liệu đầu vào phải đạt chuẩn.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục