Xuất khẩu lúa gạo vào “đường ray” mới

0:00 / 0:00
0:00
Giảm về lượng và tăng về chất với các loại gạo thơm chất lượng cao để có giá xuất khẩu cao hơn là mục tiêu của ngành lúa gạo trong giai đoạn tới.
Giá gạo Việt xuất khẩu liên tục tăng trong thời gian qua Ảnh: ĐT Giá gạo Việt xuất khẩu liên tục tăng trong thời gian qua Ảnh: ĐT

Đưa lượng gạo xuất khẩu về 4 - 5 triệu tấn/năm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030 với mục tiêu đưa ngành sản xuất lúa gạo đạt được những bước thay đổi về chất.

Cụ thể, Đề án tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng; xuất khẩu gạo chất lượng cao và giá trị cao.

Đề án đặt chỉ tiêu đến năm 2025, giữ diện tích lúa ở mức 3,6 - 3,7 triệu ha, sản lượng lúa đạt 40 - 41 triệu tấn. Chỉ tiêu xuất khẩu đạt gạo là 5 triệu tấn, trong đó, gạo thơm, đặc sản và Japonica chiếm 40%, tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu đạt trên 20%.

Đến năm 2030, giữ diện tích đất lúa 3,5 triệu ha (giảm 100.000 - 200.000 ha so với chỉ tiêu đến năm 2025), linh hoạt diện tích gieo trồng, đảm bảo sản lượng tối thiểu 35 triệu tấn lúa/năm. Chỉ tiêu xuất khẩu gạo đạt 4 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với chỉ tiêu năm 2025, trong đó, gạo thơm, đặc sản và japonica chiếm 45%, gạo trắng phẩm cấp cao chiếm 15%, tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu đạt 40%...

Đường ray mới cho gạo Việt

10 năm trở lại đây, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam liên tục duy trì ở mức 6 - 7 triệu tấn/năm, trong đó, năm 2012 lập đỉnh về sản lượng xuất khẩu với 7,72 triệu tấn, trị giá 3,5 tỷ USD.

Điểm sáng của xuất khẩu gạo rơi vào năm 2020, khi xuất khẩu gạo giảm khoảng 3,5% về lượng, nhưng tăng 9,3% về giá trị so với năm 2019. Đặc biệt, giá xuất khẩu bình quân đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019, là năm hạt gạo Việt có giá xuất khẩu cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2020, gạo Việt Nam đạt giá trị cao nhất trong 10 năm qua. Đây là kết quả từ sự thay đổi tư duy sản xuất, tập trung vào giống lúa chất lượng cao, các loại gạo thơm, đặc sản để đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính.

Giá gạo Việt xuất khẩu tại nhiều thời điểm trong năm 2020 đạt cao nhất trong số 3 cường quốc xuất khẩu gạo của thế giới (gồm Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ), cao hơn gạo Thái Lan 15 - 20 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ đến 100 USD/tấn.

Cần phải nói thêm rằng, trong lịch sử 30 năm xuất khẩu, lần đầu tiên giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan 15 - 20 USD/tấn.

Theo tờ Bangkok Post, giá gạo của Việt Nam gần đây đang cao hơn giá gạo của Thái Lan - điều ít thấy trong nhiều năm qua. Một trong những lý do là Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU (EVFTA), mở cánh cửa vào thị trường đầy tiềm năng. Tiếp đến, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng đã được Việt Nam ký kết, sẽ tạo nhiều cơ hội để lúa gạo Việt Nam xuất khẩu với giá cao hơn.

Ở trong nước, các nhà nghiên cứu cũng đã và đang phát triển các bộ giống lúa theo xu hướng thị trường (như loại gạo hạt trắng mềm); tổ chức lại phương thức sản xuất, tăng cường quản lý chất lượng...

Những nỗ lực này đã giúp tăng năng suất lúa, đặc biệt, gạo Việt đã được nhận diện thương hiệu tốt hơn và được thế giới đánh giá cao. Cụ thể, gạo ST25 đã được công nhận là gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị Thương mại Gạo thế giới năm 2019 và tiếp tục đứng thứ hai vào năm 2020.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng là nhờ quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo đã đi đúng hướng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lớn đã triển khai cánh đồng mẫu lớn để tập trung sản xuất các giống lúa đáp ứng trúng “khẩu vị” của các thị trường khó tính. Cơ cấu gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực, giảm mạnh ở phân khúc gạo trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, có chất lượng và giá trị cao.

Một yếu tố không thể không nhắc đến, là cú hích từ một số FTA đã đi vào thực thi, tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất gạo với giá tốt. Đơn cử, chỉ 1 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, tháng 9/2020, Công ty Trung An đã xuất khẩu lô gạo đầu tiên sang EU với giá hơn 1.000 USD/tấn.

Lô hàng này gồm 6 container với khối lượng khoảng 150 tấn gạo, gồm các loại gạo thơm ST20 và Jasmine. Trong đó, gạo ST20 được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn.

“Trước đây, gạo ST20 xuất vào EU chỉ có giá khoảng 800 USD/tấn, nhưng nay tăng lên 1.000 USD/tấn, nhờ thuế xuất khẩu gạo sang EU về 0% theo cam kết của EVFTA”, ông Bình cho hay.

Tiếp nối thành công này, đầu năm 2021, Trung An vừa xuất khẩu lô hàng 1.600 tấn gạo sang Singapore (450 tấn) và Malaysia (1.150 tấn) với giá cao, gồm 2 loại: gạo Jasmine 85 với giá 680 USD/tấn và gạo Hương Lài với giá 750 USD/tấn.

Cũng trong đầu tháng 1/2021, lô hàng 60 tấn gạo thơm thượng hạng đã được Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) xuất bán cho doanh nghiệp Long Dan tại Vương quốc Anh. Long Dan đã bày bán gạo của Vinaseed tại chuỗi siêu của mình với giá bán lẻ 15,5 bảng/túi 10 kg (tương đương 465.000 đồng/10kg).

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường nhận định, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đi vào thực thi từ ngày 1/1/2021 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xuất khẩu gạo thơm Việt Nam chất lượng cao vào thị trường Anh. Dự báo, lượng gạo thơm Việt Nam chất lượng cao xuất khẩu vào Anh trong năm 2021 sẽ tăng gấp cả chục lần so với năm 2020.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục