Gạo Việt chốt đơn hàng xuất khẩu sớm

0:00 / 0:00
0:00
Các đơn hàng xuất khẩu gạo đã được doanh nghiệp xuất đi ngay trong những ngày đầu tháng 1, mở ra một khởi đầu thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu trong cả năm 2021.
Xuất khẩu gạo có nhiều cơ hội tăng cả về sản lượng lẫn giá bán trong năm 2021. Ảnh: Đức Thanh Xuất khẩu gạo có nhiều cơ hội tăng cả về sản lượng lẫn giá bán trong năm 2021. Ảnh: Đức Thanh

Xuất bán 100.000 tấn gạo trong 7 ngày

Lô hàng 1.600 tấn gạo thơm của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Trung An) vừa được phát lệnh xuất đi Singapore và Malaysia ngay trong những ngày đầu năm 2021.

Đơn hàng không quá lớn so với năng lực cung ứng của Trung An, nhưng là gạo thơm chất lượng cao, gồm Jasmine 85 và gạo Hương Lài, với giá bán cao, đạt 680 USD/tấn đối với Jasmine 85 và 750 USD/tấn đối với Hương Lài. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Trung An chia sẻ: “Đây là mức giá xuất khẩu cao”.

Ngoài 2 thị trường kể trên, Trung An cũng ký được hợp đồng xuất khẩu 2.000 tấn gạo sang Đức, hưởng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, xuất khẩu lúa gạo sẽ tiếp tục thuận lợi trong năm 2021 do những năm qua, các doanh nghiệp trong nước đã tổ chức sản xuất theo sát nhu cầu thị trường, đặc biệt với những thị trường xuất khẩu lớn, nhập nhiều gạo Việt Nam.

Ngoài lô gạo xuất khẩu nói trên của Trung An, chỉ trong vòng 1 tuần, các doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu hơn 100.000 tấn gạo đi nhiều thị trường.

Tập đoàn Lộc Trời - một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn cũng có đơn hàng đều đặn từ đầu năm 2021. Năm nay, Lộc Trời chú trọng các đơn hàng xuất sang EU với các loại gạo thơm như Jasmine 85 để được hưởng thuế ưu đãi 0% theo EVFTA. Ngoài ra, tập đoàn này vừa sản xuất thành công 400 tấn lúa đạt tiêu chuẩn xuất đi Mỹ thông qua Dự án do Lộc Trời chủ trì với sự tham gia canh tác của 31 hộ nông dân trên tổng diện tích 65 ha.

Để đảm bảo kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2021 tiếp tục duy trì ở mức xấp xỉ và cao hơn năm 2020 với sản lượng tương đương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã đề ra một số giải pháp để phát triển thị trường. Cụ thể là, chủ động tiếp cận thị trường thông qua các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tsham gia các kênh chào hàng trực tuyến, tham gia các hội thảo về thương mại theo hình thức trực tuyến để phát triển ngành hàng gạo...

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, việc sản xuất lúa đủ tiêu chuẩn xuất đi Mỹ khẳng định năng lực sản xuất lúa của bà con nông Việt Nam. Bởi để xuất sang thị trường này, có đến 46 hoạt chất phải được kiểm soát dư lượng trong quá trình canh tác, đòi hỏi người trồng lúa phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình.

Dẫn dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ và một số tổ chức quốc tế, ông Nguyễn Trung Kiên cho biết, nhu cầu gạo của thế giới trong năm 2021 sẽ vượt so với phía cung. Điều này, sẽ giúp ngành lúa gạo Việt Nam tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong năm 2021.

Hơn nữa, năm 2021, xuất khẩu gạo có nhiều cơ hội tăng cả về sản lượng lẫn giá bán nhờ tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, UKVFTA...

Thị trường EU mỗi năm nhập khẩu gạo với tổng trị giá 1,4 tỷ euro. Theo cam kết trong EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) và sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào thị trường này hằng năm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam có thêm lượng hạn ngạch xuất khẩu gạo 10.000 tấn trong năm 2021 mà thị trường thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) đã phân bổ cho Việt Nam. Với thị trường Anh, doanh nghiệp Việt có cơ hội xuất khẩu hơn 13.000 tấn trong năm 2021 theo hạn ngạch thuế quan và được hưởng thuế 0%.

Giảm sản lượng, nhưng tăng về giá

Xuất khẩu gạo đã có một năm 2020 thành công với sản lượng đạt 6,15 triệu tấn, trị giá khoảng 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về lượng, nhưng tăng 9,3% về giá trị so với năm 2019.

Nhờ đó, cả 2 mục tiêu lớn mà Chính phủ đặt ra đối với sản xuất, xuất khẩu gạo năm 2020 đều đã đạt được, đó là an ninh lương thực được bảo đảm tuyệt đối trong năm 2020, kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất, khi Covid-19 bùng phát và nước ngoài tăng mạnh mua gạo từ Việt Nam, đồng thời vẫn xuất khẩu được trên 6 triệu tấn với giá tăng 13,3% so với năm 2019.

Đánh giá của liên bộ Công thương - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy: “Giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam năm 2020 ước đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019, là mức giá bình quân cao nhất trong những năm gần đây, mang lại lợi ích to lớn cho người dân trồng lúa. Thậm chí, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong suốt một thời gian dài của năm 2020 đã vượt qua gạo Thái Lan”.

Những ngày đầu năm 2021, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì đà tăng. Theo Báo cáo diễn biến giá cả thị trường gạo thế giới của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, mức giá chào bán của Ấn Độ và Pakistan đang thấp hơn nhiều so với gạo Việt Nam.

Cụ thể, gạo 5% tấm và 25% tấm của Ấn Độ lần lượt được chào bán với giá 368 - 372 và 328 - 332 USD/tấn; của Pakistan lần lượt là 423 - 427 và 381 - 385 USD/tấn. Trong khi đó, mức giá chào bán gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam là 508 - 512 USD/tấn và 483 - 487 USD/tấn, bỏ khá xa so với “đối thủ”.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện bán với giá trên 500 USD/tấn và vẫn được các thị trường nhập khẩu như Trung Quốc, Philippines, Trung Đông, Malaysia, Indonesia đón nhận.

Đây là kết quả tích cực từ quá trình chuyển dịch cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua. Theo đó, doanh nghiệp chú trọng xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao, mang về giá trị gia tăng cao hơn. Cùng với đó, người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Mỹ…

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục