Xuất khẩu gạo đạt trên 3 tỷ USD, đà tăng lớn vẫn còn

0:00 / 0:00
0:00
Mang về trên 3,05 tỷ USD ngoại tệ trong năm 2020, gạo Việt Nam đang có đà lớn để tăng xuất khẩu trong năm 2021.
Năm 2020 xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2019. Năm 2020 xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2019.

Tăng trưởng mạnh

Năm 2020, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam vẫn đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2019.

Cụ thể, số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ước tính, xuất khẩu gạo đạt sản lượng trên 6 triệu tấn, mang về 3,05 tỷ USD, tăng hơn 10% về trị giá và giảm 2% về lượng so với năm 2019. Đáng mừng hơn, trong năm 2020, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đã đạt trên 500 USD/tấn, là mức cao nhất kể từ 9 năm trở lại đây. Các loại gạo khác như ST20, Jasmine… cũng có giá tốt, từ 600 - 1.000 USD/tấn.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA đánh giá, năm 2020 là năm thành công trong xuất khẩu của ngành lúa gạo Việt Nam. Kết quả này có được một phần do ảnh hưởng của Covid-19 làm tăng nhu cầu sử dụng lương thực ở nhiều quốc gia, một phần do ngành sản xuất lúa gạo những năm gần đây đã chuyển đổi giống lúa từ gạo trắng, vốn là gạo cấp thấp, sang lúa thơm nên cạnh tranh tốt hơn, giá xuất khẩu cao hơn.

Bên cạnh đó, thị trường Philippines giúp tiêu thụ trên 3 triệu tấn gạo, giúp ngành ổn định đầu ra và có giá xuất khẩu tốt.

Ngay từ những tháng đầu năm, ảnh hưởng của Covid-19 và thiên tai, tác động dịch bệnh đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng người dân các nước và nguồn dự trữ các quốc gia nên đơn hàng xuất khẩu gạo tăng cao.

Cùng với đó, Việt Nam đã có sự điều chỉnh trong sản xuất lúa gạo cũng như chuyển đổi từ sản phẩm chất lượng thấp và trung bình sang chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng những quốc gia khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... nên giá trị xuất khẩu cũng tăng lên.

Quay trở lại khoảng thời gian cuối tháng 3 và tháng 4, các doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa với quy định giãn tiến độ xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước trước tác động của Covid-19. Trong khoảng thời gian này, việc xuất khẩu gạo được điều hành bằng hạn ngạch, khiến lượng gạo tồn tại cảng của nhiều doanh nghiệp rất lớn, tăng chi phí lưu kho bãi.

Tới đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, doanh nghiệp thở phào và xuất khẩu gạo tăng tốc, kéo bù lại sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu bị hạn chế trong tháng 4.

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, nhờ hiệu ứng của hiệp định này, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt trung bình khoảng 600 USD/tấn, là mức giá cao nhất tính từ cuối năm 2011

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 đã tạo cú hích đáng kể cho hạt gạo Việt. Ngay khi Hiệp định đi vào thực thi, một loạt doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Trung An, Intimex đã bắt nhịp với hoạt động xuất khẩu sang EU để hưởng thuế suất 0%.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, Trung An đã đạt kim ngạch xuất khẩu gạo trên 20 triệu USD, tăng hơn 2 triệu USD so với năm 2019. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Trung An vào EU đã tăng trưởng mạnh nhờ tác động tích cực của EVFTA.

Lực đẩy để doanh nghiệp đầu tư đúng hướng

Năm 2021, ngành lúa gạo được dự báo tiếp tục tăng trưởng bởi những tác động tích cực từ thị trường cùng hiệu ứng từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đi vào thực thi.

Đầu tiên là cú hích từ EVFTA với EU đã đi vào thực thi từ ngày 1/8/2020, với lượng hạn ngạch mà EU dành cho Việt Nam là 80.000 tấn, hưởng thuế 0% với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm, được xem là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới.

Ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, với 80.000 tấn gạo hạn ngạch hưởng thuế 0% theo EVFTA sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao và đặc sản.

Nhìn tổng thể, EVFTA chính là lực đẩy để doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu sản xuất nhiều chủng loại gạo để được xuất khẩu vào EU, ngoài những loại gạo đã được thị trường này cho phép.

Từ đây, cơ cấu chủng loại gạo cũng có sự thay đổi, từ sản xuất xuất khẩu các sản phẩm cấp thấp và trung bình, sang các sản phẩm cấp cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng thế giới.

Tính toán của VFA cho thấy, ngay khi EVFTA có hiệu lực, nhờ hiệu ứng của hiệp định này, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt trung bình khoảng 600 USD/tấn, là mức giá cao nhất tính từ cuối năm 2011. Còn theo phép so sánh trước khi EVFTA có hiệu lực, mỗi tấn gạo của Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu vào EU khoảng 15%, khiến giá thành cao hơn của gạo của Thái Lan và Campuchia, nay thì ngược lại.

Cũng theo dự báo của VFA, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn tốt khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo Việt Nam. Thêm vào đó, nhiều nước có nhu cầu lớn về gạo thơm, gạo nếp - vốn là mặt hàng có lợi thế của doanh nghiệp Việt.

Ngoài ra, gạo Việt còn có thêm cơ hội xuất khẩu vào một số thị trường mà chúng ta vừa ký kết FTA mới. Cụ thể, trong khuôn khổ FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), các quốc gia thuộc khối này đã cam kết dành 10.000 tấn gạo hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam trong năm 2021.

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã có hiệu lực từ đầu năm 2021, gạo Việt có cơ hội lớn chưa từng có để thâm nhập vào một trong 10 thị trường lớn nhất thế giới, với những tiêu chuẩn khắt khe. Theo cam kết tại UKVFTA, Anh dành cho Việt Nam tổng hạn ngạch miễn thuế là 13.358 tấn/năm và mức hạn ngạch này sẽ được hai nước khởi động rà soát sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục