Điểm sáng của nông sản
Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam đang ngày càng chuyên nghiệp, đầu tư có trọng điểm để nâng tầm hạt gạo xuất khẩu ra thế giới.
Đơn cử, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) thuộc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã được cấp chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (FSSC 22000) về chế biến, đóng gói và xuất hàng bởi Bureau Veritas - tổ chức chứng nhận độc lập hàng đầu thế giới của Vương quốc Anh.
Việc đạt được chứng nhận này có ý nghĩa quan trọng, giúp sản phẩm gạo thương hiệu Việt Nam từng bước chinh phục thị trường EU. Chứng nhận này chính là lời khẳng định tiêu chuẩn cao cấp của hệ thống nhà máy Vinarice, góp phần giúp sản phẩm gạo Việt chất lượng cao vươn ra toàn cầu.
Từ giữa năm 2020, Vinaseed đã xuất khẩu thành công gạo VJ Pearl Rice và gạo thơm RVT sang Hà Lan và Cộng hòa Séc với giá 1.040 USD/tấn. Ngoài ra, sản phẩm gạo trắng Ban Mai và gạo lứt Phúc Thọ cũng được Vinaseed xuất khẩu thành công sang thị trường Australia. Đây cũng là những sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này.
Ông Nguyễn Quang Trường, Tổng giám đốc Vinaseed chia sẻ, tiếp cận thị trường khó tính đã được thể hiện rõ trong chiến lược đầu tư phát triển của doanh nghiệp khi phát triển vùng trồng nguyên liệu bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ sản phẩm gạo đạt chứng nhận quốc tế FSSC về an toàn thực phẩm, đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường khó tính như EU, Australia, Nhật Bản…
Bộ Công thương đánh giá, với những thuận lợi về thị trường, đặc biệt là nhu cầu gạo thế giới tăng cao từ khi Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp trong nước đang có cơ hội tô đậm thương hiệu gạo Việt Nam trên bản đồ cung cấp lúa gạo của thế giới.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nắm bắt được cơ hội với việc có được nhiều đơn hàng gạo chất lượng cao, giá xuất khẩu được cải thiện…
Những bước đi chiến lược của các doanh nghiệp đã góp phần làm nên điểm sáng của xuất khẩu gạo trong năm 2020.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng của năm 2020, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 5,35 triệu tấn, thu về gần 2,64 tỷ USD, giảm 2,8% về lượng, nhưng tăng 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019; giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 493,3 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ. 11 tháng của năm 2020, lượng gạo xuất khẩu của cả nước ước đạt trên 5,7 triệu tấn, thu về gần 2,84 tỷ USD, tăng trên 12% so với cùng kỳ năm 2019; giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 494 USD/tấn.
Những con số trên cho thấy, hạt gạo Việt Nam đã có sự thay đổi tích cực về giá. Cập nhật trên thị trường lúa gạo, giá gạo 5% tấm của Việt Nam từ mức 470 USD/tấn của tuần giữa tháng 10/2020 đã tăng lên 485 - 490 USD/tấn trong tuần cuối tháng 10/2020. Nhờ đó, mặc dù lượng xuất khẩu giảm nhẹ, nhưng giá trị thu về tăng. Việt Nam ngày càng có thêm nhiều loại gạo đặc sản, chất lượng cao để thỏa mãn nhu cầu tại nhiều thị trường khó tính.
Nhiều thị trường tăng chào mua gạo Việt
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có chiều hướng giảm do ảnh hưởng của Covid-19, ngành gạo vẫn đạt được kết quả khả quan vì nhiều quốc gia tăng mua gạo Việt phục vụ thị trường nội địa nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh.
Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thị trường gạo châu Á bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng đang ráo riết mua vào, trong đó phải kể đến Trung Quốc, Bangladesh, Philippines…
Cụ thể, Trung Quốc đang tích cực chào mua gạo từ các thị trường cung cấp lớn như Pakistan, Thái Lan, Việt Nam.
Bangladesh cũng vừa mới thông báo sẽ mở thầu quốc tế từ ngày 26/11 đến ngày 10/12 để mua 50.000 tấn gạo và để ngỏ khả năng sẽ mua thêm 250.000 tấn, nhằm giúp hạ nhiệt thị trường gạo nước này sau khi nguồn cung nội địa cạn kiệt vì thiên tai liên tiếp. Đây là lần đấu thầu nhập khẩu gạo đầu tiên của Bangladesh trong 3 năm trở lại đây.
Ngoài ra, Malaysia và Indonesia cũng đang xúc tiến mua gạo Ấn Độ và các nước xuất khẩu khác như Thái Lan, Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, xuất khẩu gạo trong năm 2020 sẽ cán mốc trên 6 triệu tấn. Theo báo cáo từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, PAN, Trung An…, đơn hàng xuất khẩu gạo chất lượng cao sang thị trường EU nhờ hiệu ứng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) còn tiếp tục gia tăng trong năm tới.
Những năm qua, mỗi năm, ngành lúa gạo Việt Nam xuất khẩu từ 6,3 đến 7 triệu tấn gạo tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019, nước ta xuất khẩu trên 6,3 triệu tấn với giá trị trên 2,8 tỷ USD. Năm 2020, thị trường lúa gạo đã có nhiều thay đổi khi Covid-19 đe dọa an ninh lương thực tại nhiều quốc gia, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước vẫn đảm bảo được an ninh lương thực trong nước và tận dụng cơ hội xuất khẩu.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, ngành lúa gạo đang tiến tới giảm lượng xuất khẩu, nhưng tăng về giá trị. Thực tế diễn biến giá xuất khẩu thời gian qua cho thấy, ngoài việc nhu cầu về gạo trên thế giới gia tăng liên quan đến lo ngại Covid-19, thì nhân tố chính quyết định giá xuất khẩu tăng cao nằm ở chính chất lượng của gạo Việt Nam.