Xuất khẩu lúa gạo tiếp tục khả quan trong nửa đầu năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu tăng nhập khẩu gạo từ các đối tác chủ chốt sẽ giúp Việt Nam có thêm đơn hàng xuất khẩu gạo trong nửa đầu năm 2024.

Chia sẻ tại Hội thảo "Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới" tổ chức ngày 13/12/2023 tại Hậu Giang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định, thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế thời gian tới tiếp tục sôi động do nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ một số quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, các nước Trung đông và châu Phi.

Tuy nhiên, việc tăng sản lượng gạo xuất khẩu sẽ có tác động đến lượng gạo dự trữ tại các nước xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu tăng dẫn đến giá lúa nguyên liệu tăng theo và phần nào ảnh hưởng đến giá cả của gạo tại thị trường trong nước.

Trước mắt, ngành nông nghiệp Việt Nam đang tập trung triển khai nhiều đề án liên quan tới sản xuất lúa gạo như "Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025” và “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long", hướng tới gia tăng giá trị và phát triển bền vững ngành lúa gạo.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh Tùng Đinh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh Tùng Đinh.

Cung cấp thêm thông tin về tình hình xuất khẩu gạo, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường cho biết Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, hiện chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu; xếp sau là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.

Trong cơ cấu nhập khẩu gạo của Philippines, nguồn cung đến từ Việt Nam cũng là lớn nhất. Cụ thể, năm 2023, ông Hòa ước tính Philippines nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn gạo, trong đó 90% khối lượng được nhập khẩu từ Việt Nam, 4,5% từ Thái Lan đạt 126.560 tấn, 4,3% từ Myanmar đạt 120.538 tấn, còn lại đến từ Pakistan, Ấn Độ, Campuchia.

Phân tích tình hình thời gian tới, lãnh đạo Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường đánh giá rằng, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn.

Do lượng tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn, ông Hòa nhấn mạnh: “Đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam”.

Đi sâu hơn vào khía cạnh này, ông Hòa nói, nhu cầu nhập khẩu của các nước sẽ biến động. Một số quốc gia sẽ giảm, như Brazil, Ai Cập, Ghana… nhưng một số nước, trong đó có bạn hàng lớn của Việt Nam - Indonesia - lại dự báo tăng khoảng 600.000 tấn. Vì vậy, ông Hòa cho rằng, thị trường xuất khẩu gạo cuối năm và nửa đầu năm 2024 sẽ tiếp tục diễn biến thuận lợi.

Ông Lê Thanh Hòa đề xuất các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường lúa gạo dịch chuyển sang xu hướng phát triển xanh, tiêu dùng xanh, ông khuyến cáo các doanh nghiệp đi sâu vào vấn đề chất lượng, thay vì quá quan tâm đến năng suất, sản lượng như thời gian trước đây.

“Yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu ngày càng cao, các nước đang ngày càng nâng cao các biện pháp, rào cản kỹ thuật để hạn chế, kiểm soát hàng nhập khẩu từ nước ngoài”, ông Hòa chia sẻ tại hội thảo.

Năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lúa gạo thế giới chịu nhiều biến động. Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu, hạn chế xuất khẩu đã góp phần đẩy mạnh nguồn cung gạo từ Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng ước đạt 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ.

Nhung Bùi
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục