Giá gạo xuất khẩu nhiều thời điểm cao nhất thế giới
Trong Báo cáo mới nhất gửi Chính phủ, Bộ Công thương cho biết, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn, cao nhất 10 năm, đạt giá trị 3,45 tỷ USD, tăng 5,1% về kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân năm qua đạt 486 USD/tấn.
Trong nhiều tháng, từ tháng 8/2022 đến hết năm, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất thế giới, vượt gạo Thái Lan 15-27 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 40-50 USD/tấn.
Đà tăng giá xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn duy trì trong 2 tháng đầu năm 2023, với mức bình quân gần 520 USD. Vì thế, sản lượng xuất khẩu dẫu giảm trên 20% trong tháng đầu năm, nhưng vẫn tăng xấp xỉ 7% về trị giá.
Đánh giá chung, Bộ Công thương cho hay, lượng lúa gạo đã được tiêu thụ hết cho người nông dân, nhờ đó đảm bảo lợi ích người trồng lúa có lãi, bình ổn giá thóc, gạo trong nước.
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện tại là 463 USD/tấn (giá FOB), tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2022. Giá này tương đương gạo Thái Lan và cao hơn Ấn Độ, Pakistan 20-23 USD/tấn.
Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)
Đối mặt với nhiều biến cố của thị trường lương thực thế giới, nhưng gạo Việt Nam đã vươn sâu vào các thị trường có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng như Nhật Bản, EU… và gạo thơm ST24, ST25 xuất khẩu đã có giá trên 1.000 USD/tấn, gấp hơn 2 lần giá xuất khẩu gạo trắng thông thường. Đây cũng là một năm khá thành công cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, khi có nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường lớn.
Ngành sản xuất lúa gạo đang tiếp tục được điều chỉnh theo hướng giảm sản lượng, tăng chất lượng, với các chủng loại gạo cao cấp, gạo thơm, tập trung vào các yêu cầu cao của thị trường thế giới, như sản xuất xanh, giảm phát thải, giảm thuốc trừ sâu, tăng sử dụng phân bón hữu cơ…
Điều này lý giải một phần vì sao giá gạo Việt Nam luôn ở mức cao trong thời gian gần đây. Đặc biệt, giá một số loại gạo có thương hiệu nổi tiếng như ST24, ST25 đã tăng đột biến, lên trên 1.200 USD/tấn.
Đáng chú ý, năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu đã khai thác tốt thị trường EU và sử dụng hết lượng hạn ngạch 80.000 tấn mà EU dành cho Việt Nam theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), với mức thực hiện 94.510 tấn, cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng tăng và đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính và tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây cũng là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp gia tăng sản lượng, chủng loại gạo chất lượng cao để tận dụng tối đa lợi thế.
Cũng trong năm 2022, Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo mang thương hiệu Việt vào EU, từ đó đưa mức tăng trưởng tại thị trường này đạt hơn 200%. Từ cuối năm ngoái, Tập đoàn đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho thị trường EU trong năm 2023.
Tiếp tục đa dạng hóa thị trường
Bộ Công thương dự báo, xuất khẩu gạo năm 2023 cơ bản vẫn thuận lợi (khoảng 6,5 - 7 triệu tấn), do sự quay trở lại của các thị trường như Indonesia, Bangladesh, Trung Quốc.
Ngay lúc này, tín hiệu mừng là các đơn hàng từ Trung Quốc và Philippines tăng mạnh. Mừng nhất là Trung Quốc, sau năm 2022 giảm nhập gạo từ Việt Nam, nay liên tục chốt đơn hàng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng qua, Trung Quốc nhập khẩu 152.640 tấn, tương đương 90 triệu USD, tăng 86% về lượng và tăng 120% kim ngạch.
Giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc đứng đầu, với mức 589,7 USD/tấn (tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2022). Theo các doanh nghiệp, khách hàng Trung Quốc hiện nay chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm cao cấp như gạo thơm và gạo nếp, vốn là chủng loại gạo có giá cao.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) chia sẻ, doanh nghiệp đã ký kết được đơn hàng 2.000 tấn xuất sang Trung Quốc và đang triển khai xuất khẩu theo yêu cầu của đối tác. Đồng thời, Trung An đang đàm phán tiếp lô hàng khoảng 20.000 tấn.
Philippines, thị trường nhập trên 3 triệu tấn gạo Việt Nam trong năm ngoái, vẫn trong đà tăng nhập khẩu gạo. Lượng tồn kho của nước này giảm do nhiều diện tích gieo trồng bị tàn phá bởi bão Noru, chi phí phân bón tăng cao. Dự báo, nước này phải nhập khẩu 2,8 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, nên cũng tạo thêm cơ hội cho gạo Việt tăng xuất khẩu.
Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất, diện tích gieo trồng giảm 380.000 ha do hạn hán. Đây cũng là cơ hội cho các quốc gia có tên trên bản đồ xuất khẩu gạo như Việt Nam.
Tuy vậy, Bộ Công thương cũng nhìn nhận nhiều thách thức với xuất khẩu gạo năm nay, như các thương nhân còn hạn chế trong chiến lược đa dạng hóa thị trường; xuất khẩu phụ thuộc vào một số thị trường như Trung Quốc, Philippines; xuất khẩu chủng loại gạo chất lượng cao còn hạn chế.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), ông Phan Văn Chinh cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong năm 2023. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, chi phí sản xuất lúa gạo cao...
Theo đó, ngành sản xuất lúa gạo cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các FTA đang thực thi.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần liên kết, đầu tư vùng nguyên liệu, sản xuất xanh để có thể tận dụng hết 80.000 tấn gạo sang EU theo cam kết trong EVFTA cùng các FTA với Vương quốc Anh và khai thác thị trường khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… để có ưu đãi thuế quan tốt nhất.